37.9 C
Chư Sê
Chủ Nhật, Tháng Tư 14, 2024

Biểu hiện bệnh, quan sát hồ tiêu và cách chăm sóc (Phần II: Tiêu tơ)

Must read

Biểu hiện bệnh, quan sát hồ tiêu và cách chăm sóc – Chư sê 24h chia bài viết ra làm từng phần để bà con dễ dàng theo dõi và đúc rút bài học kinh nghiệm trong quá trình trồng và chăm sóc tiêu.

Phần II: Tiêu tơ

Tiêu tơ bà con thường xuyên gặp những biểu hiện sau: Vàng lá, rụng đọt, đọt non kém phát triển, lá non mất sắc tố, lá tiêu non quăn, tiêu bị đốm lá, cháy mép lá, lá non đốm trắng li ti sau đó lá sẽ quăn, thối rễ tơ… Thời kỳ sau khi đôn phần dây chôn dưới đất ở giai đoạn nhạy cảm này rất dể bị tổn thương. Không hẳn quá nhiều mắt rễ dưới đất là tốt. Càng nhiều mắt rễ càng dể bị sâu hại tấn công. Chỉ cần sâu hại tấn công 1 phần trong số mắt rễ đó là cây biểu hiện lên lá ngay. Khi đôn cây nứt rễ rất nhiều. Nếu không bảo vệ kịp thời, để cây bị sâu hại hay nấm tấn công…, cây sẽ phát triển rất kém. Bộ rễ không bị tổn thương hầu như cây sẽ không bị bệnh. Điều này tôi đề cập nhiều lần vì tầm quan trọng của nó.

Ngoài ra khi cắt dây hom để trồng, lúc này cây sẽ bị rối loạn dinh dưỡng, rối loạn sinh lý dẫn đến không nứt chồi được. Hoặc nứt chồi tiêu sẽ bị quăn lá. Bệnh này gọi là tiêu điên. Với bệnh này bà con cần lưu ý một số điểm nhỏ khi cắt hom sẽ không bị tiêu điên. Đó là nên cắt dây hom còn màu xanh.  Để dây chuyển sang màu nâu đen, tức là dây già, thì cây sẽ phát đọt rất chậm.

Trước và sau khi cắt không nên bón phân vô cơ. Không cắt vào thời điểm trời mưa, hoặc nắng gắt. Thời điểm cắt tốt nhất là vào sáng sớm. Để tiêu không bị điên, khi cắt dây hom cần lựa từ cây phải khỏe mạnh, đầy đủ dưỡng chất, cần khử trùng dụng cụ cắt cẩn thận. Bổ sung phân chuồng hoai mục và phân vi sinh trước đó 20 ngày.

Khi thấy cây bị quăn lá bà con nên phòng ngừa côn trùng chích hút.

Lý do tiêu điên thường xuất hiện nhiều ở tiêu tơ năm 1 năm 2 là do ở giai đoạn này cây chủ yếu tập trung vào sinh trưởng. Là điều kiện thuận lợi cho sâu hại côn trùng ký sinh, chích hút, cắn phá lá non phát triển. Đây là tác nhân làm lây lan bệnh thành dịch.

Bà con thường thăm vườn để biết tình hình dịch bệnh. Không phải cứ bị bệnh là phải diệt trừ bằng thuốc hóa học, nếu bị mức độ nhẹ một vài lá bà con diệt trừ bằng cách thủ công cũng được. Dùng tay bứt cái lá đó đi tiêu hủy là xong.

Tiêu điên có rất nhiều nguyên nhân gây ra. Bà con cần tìm hiểu kỹ hơn về phần này.

Tiêu tơ mùa khô rầy trắng hay tấn công. Khi đó giàn lá sẽ trở nên vàn

g úa. Cách phân biệt giữa rầy trắng, tuyến trùng, nấm gây bệnh vàng lá chết chậm, thiếu dưỡng chất hay đất chua dư axít, nói khó thì cũng không khó, mà nói dễ cũng không dễ chút nào. Chỉ cần lưu ý một vài đặc điểm đặc trưng nhận diện có thể phân biệt được. Bà con ta hay chữa không đúng bệnh với trường hợp này lắm. Tuyến trùng, rầy trắng  rệp sáp thì đi dùng thuốc trị nấm. Bị nấm lại sử dụng biện pháp sinh học nấm ký sinh côn trùng… Vì thế sẽ không hiệu quả.

Vàng lá do tuyến trùng: Lá non sẽ bị teo nhỏ lại bạc màu. Bứt chiếc lá thì nó sẽ khá dai. Cây sẽ vàng đồng loạt, do cây không hút được dinh dưỡng. Cây chỉ vàng nhưng không chết. Làm giảm năng suất. Để ý bộ rễ sẽ thấy cục cục tròn do tuyến trùng xâm nhập vào rễ làm tổ. U sưng, làm nghẹt rễ cây không hút được nước. Ban đầu ở tiêu tơ sẽ không thấy vấn đề gì. Do nó vẫn ra nhiều rễ sinh trưởng mạnh. Nhưng tới giai đoạn kinh doanh lúc này mới biết nó là thế nào. Đây là kẻ thù mà ta sẽ ít khi gặp mặt được nó. Do nó rất nhỏ, là loại giun tròn gây hại cây trồng.

Bị rầy trắng, rệp sáp cũng tương tự như bị tuyến trùng. Tuy nhiên, cây vẫn hút được dinh dưỡng nhiều hơn nên lá chỉ héo héo như thiếu nước. Có một đặc điểm rất dễ nhận biết là tìm xung quanh cây sẽ phát hiện rất nhiều kiến. Kiến lửa hoặc kiến đen cao cẳng. Khi nặng bới nhẹ gốc rễ lên sẽ thấy măng xông màu trắng. Có loại hơi nâu. Về vấn đề rệp sáp, rầy trắng diễn đàn đã có nhiều thảo luận. Mời bà con tham khảo (ở đây)

Vàng lá do nấm chết chậm đặc điểm của nó cũng rất dễ nhận biết. Đó là nhìn đọt non, lươn sẽ thấy bị rụng. Hoặc không phát đọt, cùi đọt lươn. Khi bứt chiếc lá nó sẽ dễ dàng rụng. Thậm chí còn tháo khớp rụng lóng nữa. Dấu hiệu để nhận biết vàng lá chết chậm do nấm thì ít nhiều cũng có lá bị thán thư, cháy mép lá, hay rụng đọt. Rất dễ nhận biết đúng không nào? Bà con chỉ cần bảo vệ bộ rễ khỏe mạnh không bị tuyến trùng rầy trắng thì cây cũng sẽ ít bị bệnh này. Khi rễ tổn thương nấm mới tấn công vào vết thương. Đặc biết là dùng phân vô cơ làm cháy rễ, hay đào xới đứt rễ trong mùa mưa. Với loại bệnh này dùng phân đạm bón cho cây cây sẽ chết ngay lập tức.

Bệnh vàng thiếu dinh dưỡng. Nếu thiếu Mg nhìn lá vàng nhưng gân lá vẫn nổi màu xanh. Vàng lá thiếu Zn thì bẻ chiếc lá bóp vẫn thấy giòn. Chứng tỏ cây chỉ thiếu trung và vi lượng chứ không phải bị bệnh. Lá non thiếu Bo thì 1 bên trắng 1 bên xanh hoặc hai mép lá bạc nhưng ở giữa vẫn xanh…

Với bệnh vàng lá do dư axit cây sẽ vàng đồng loạt. Bón vôi, hạ phèn bổ sung khoáng cây sẽ xanh lại thấy rõ. Bệnh này rất dể nhầm lẫn với nấm bệnh và tuyến trùng. Chỉ cần một tờ giấy quì tím là bà con ta đã có thể tự đo độ pH đất được. Cây tiêu nó có đặc tính rất thú vị. Có lẽ nhiều người sẽ không để ý. Nhưng với đam mê của tôi, những thay đổi dù là nhỏ nhất với cây tiêu cũng không thể thoát khỏi tầm mắt của tôi. Ở đây tôi muốn nói tới đó là giống tiêu. Bà con ta thường trồng rất nhiều giống tiêu. Có giống tím nhạt có giống tím rịm, có giống đọt xanh, có giống đọt trắng… Nhưng giống tốt có khả năng kháng bệnh, cho năng xuất cao, thường là giống đọt tím đậm. Đặc tính đọt của cây hồ tiêu nó cũng thay đổi màu sắc theo độ pH. Đây là điều tôi khám phá được cũng do quan sát hồ tiêu trong vườn. Chắc bà con cũng biết sự thay đổi màu sắc hoa của cây Cẩm Tú, hay sự thay đổi màu của quì tím. Cây hồ tiêu cũng thế.

Ở đây tôi đề cập tới giống tiêu đọt tím. Khi trồng ở đất trung tính màu của đọt non cây tiêu tơ sẽ là tím đậm. Bà con trồng tiêu thấy cây phát đọt tím đậm, mập mạp tím rịm mập ú. Có nghĩa là bà con chăm sóc đạt. Với những vùng đất dư axit, màu của đọt nó không phải thay đổi thành màu đỏ như giấy quì. Nhưng sắc tố tím sẽ giảm, màu nhợt nhạt sang tím trắng, thậm chí chuyển sang màu trắng bệch. Còn trồng vùng dư kềm đọt non sẽ có màu xanh lá mạ, màu tím cũng còn nhưng xanh nhiều hơn.

Cùng một cây mẹ, tôi chiết ra trồng thêm 2 nơi khác. Cây gốc cũ mọc lên đọt tím rịm, một cây trồng gần nguồn nước rửa chén, tắm gội thì đọt nó màu tím nhạt xanh lá mạ, còn cây tôi trồng vùng đất chua thì màu nó như tôi mô tả bên trên. Những thay đổi này rất nhỏ. Bà con nào tinh ý mới phát hiện được. Với tôi muốn giỏi và giỏi hơn nữa thì không thể bỏ qua bất cứ cái gì cho dù là nhỏ nhất.

Dựa vào đặc tính đó. Bà con ta có thể phán đoán được độ pH của vườn mình mà không cần phải do pH trong đất. Cái này có lẽ cần nhiều kinh nghiệm mới nắm được. Tôi chia sẻ ở đây là tâm huyết. Còn bảo giải thích thêm nữa chắc tôi không biết giải thích thế nào. Muốn học kinh nghiệm này, chỉ cần đo độ pH trong vườn thường xuyên và quan sát màu đọt non. Sẽ nắm được.

Còn một loại nữa là vàng lá do giống, thay đổi lá theo mùa. Như giống Sẻ đất đỏ vào mùa thu lá già chuyển màu vàng, nổi gân xanh hệt như thiếu Mg. Cây hồ tiêu không thay lá như cây phong, cây bàng. Nhưng nó cũng có một số biểu hiện nho nhỏ do mùa. Vì thế bà con cần biết đặc điểm này để khỏi chữa trị tốn kém. Nếu lo lắng chỉ cần phòng ngừa bằng Trichoderma kết hợp phân bón lá sinh học là đủ.

Những điều tôi mô tả là những đặc tính cơ bản còn nhiều yếu tố khác nữa để phát hiện bệnh. Tuy nhiên đòi hỏi một kinh nghiệm nhất định.

Đôi khi nó còn bị 2 đến 3 loại cùng lúc. Thậm chí còn bị cả côn trùng chích hút, và nấm tấn công 1 lúc nữa. Như thế sẽ khó có thể phân biệt chính xác bệnh nào.

Để trị dứt điểm cho những cây này cách tốt nhất là phòng trừ tổng hợp. Cách làm của tôi thế này, bà con có thể tham khảo: Dưới gốc đổ phân sinh học kết hợp thuốc ngừa tuyến trùng rầy trắng. Trên lá xịt phân bón lá kết hợp thuốc bảo vệ thực vật nếu lá non bị côn trùng phá. Hoặc kết hợp Trichoderma nếu không phát hiện côn trùng. Dùng các loại thuốc thông dụng như: Aliete, Ridomin, Metaxyl, Coc85, Agrifos 400, Mancozeb, Đồng đỏ, … Trị và ngừa nấm khi dịch bùng phát diện rộng.

Khi kết hợp thuốc phải đọc kỹ hướng dẫn. Xem thành phần của loại mình dùng có kết hợp được không. Nên dùng Wikipedia để tìm hiểu hoạt chất. Một công đôi việc vừa kiểm tra thử có kết hợp được không. Vừa có kiến thức nông nghiệp. Quá tiện phải không bà con?

Tiến hành bỏ vôi và khoáng hạ phèn bổ sung trung và vi lượng

Sau đó tiến hành bỏ phân chuồng hoai mục ủ Trichoderma để cây khỏi tái phát. Nếu không có dùng phân hữu cơ vi sinh đã xử lý.

Trong quá trình thao tác bà con phải năng động. Bệnh nào nặng phải ưu tiên trước. Áp dụng rập khuôn lợi bất cập hại.

Bảo đảm những cây vàng lá sẽ khỏi bất kể bệnh gì. Trường hợp không khỏi nhổ bỏ đốt. Bộ rễ đã hỏng hoàn toàn. Có chăm nữa chỉ có hao công, tốn sức, phí thời gian.

Trường hợp đau lòng nhất là xịt thuốc quá liều hoặc kết hợp thuốc không đúng dẫn đến xảy ra phản ứng hóa học tạo thành chất khác. Để cây rụng lá thê thảm, cháy lá, quăn lá, nám lá… Lúc này bà con sẽ hoang mang. Trường hợp này bà con cần bình tĩnh. Vẫn có thể cứu vãn tình hình bằng cách xịt nước lên rửa bớt thuốc còn tồn dư trên lá. Sau đó xịt bám dính sinh học + Trichoderma sẽ giải độc cho lá. Với bám dính sinh học nếu bà con biết sử dụng còn hạn chế được sương muối nữa. Trường hợp cây bị sương muối cũng áp dụng biện pháp tương tự. Đây là phương pháp trị và ngừa sương muối rất ít người biết. Áp dụng hiệu quả nhất vào lúc tiêu trổ bông gặp sương muối. (hết phần 2)

chuse24h

Rate this post

More articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Latest article