37.9 C
Chư Sê
Chủ Nhật, Tháng Tư 14, 2024

Tái canh cây cà phê: một cách nhìn mới về vấn đề cũ

Must read

Tái canh cây cà phê là trồng lại cây cà phê trên đất đã trồng cà phê, còn cưa đốn phục hồi vườn cây, ghép cải tạo chỉ là làm trẻ hóa vườn cây. Có lẽ vấn đề tái canh cây cà phê là vấn đề rất được quan tâm trong những năm gần đây và những năm sắp tới. Do đó, tôi xin chia sẻ một số ý kiến của bản thân, mong rằng sẽ hữu ích cho bà con trồng cà phê và những người quan tâm về đề tài này.

Tái canh cây cà phê: một cách nhìn mới về vấn đề cũ
Nhổ bỏ rễ gốc cây cũ , tương ứng sẽ có một lượng lớn chất hữu cơ, khoáng chất bị mất đi.
Tái canh cây cà phê: một cách nhìn mới về vấn đề cũ
Tái canh nhưng vẫn để gốc cà phê cũ
Tái canh cây cà phê: một cách nhìn mới về vấn đề cũ
Yêu cầu cần phải có cây che bóng chắn gió hỗ trợ khi cây cà phê còn non.

 Nghiên cứu về tái canh

Trước đây, GS. Phan Quốc Sủng và Viện KHKT  Tây Nguyên đã nghiên cứu về  hội chứng vàng lá trên cây cà phê và tìm ra nguyên nhân là do tuyến trùng và một số loài nấm (năm 1999). Nghiên cứu này thực hiện trên vườn cà phê tái canh sau chu kỳ khai thác. Và từ đó có những thí nghiệm để trừ khử tuyến trùng và nấm bằng nhiều biện pháp (sinh học và hóa học) nhưng không thành công. Mười năm sau tức là năm 2009 và cho tới nay, nghiên cứu về tái canh được thực hiện khi mà diện tích cà phê cần thay thế quá lớn, đủ đến mức toàn ngành cà phê và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm. Nhưng nguyên nhân vẫn khẳng định chủ yếu là tuyến trùng. Có nghĩa là, 10 năm trước cho rằng phải bỏ hoang hoặc luân canh với cây trồng khác ít nhất là 3 năm và 10 năm sau cũng kết luận như vậy. Không có một kết luận nào mới, mà một số vườn cà phê không tìm thấy tuyến trùng, nấm gây hại nghiêm trọng thì không có kết quả giải thích. Và như thế có nghĩa là người trồng cà phê muốn trồng ngay vẫn phải hoang hoá hoặc luân canh với cây trồng khác ít nhất là 3 năm.

Cái mà người trồng cà phê, ngành cà phê cần là trồng ngay để đảm bảo diện tích và sản lượng, tạo sự bền vững trong ngành. Gần như đó là bài toán cần có lời giải ngay trong khi đầu tư cho nghiên cứu còn nhiều hạn chế cả về tài chính lẫn chất xám. Nghiên cứu theo chủ nghĩa kinh nghiệm, theo lối mòn thì khó có thể tìm ra được căn cơ của vấn đề.

Nguyên nhân tái canh không thành công

Xét về mặt kỹ thuật, tái canh cà phê không thành công có 3 nguyên nhân chính:

  • Đất đai bị thoái hóa: Sau nhiều năm canh tác cà phê, với mức độ thâm canh cao, chắc chắn rằng lượng dinh dưỡng mà cây hấp thụ từ đất rất lớn. Do đó, nguồn dinh dưỡng cạn kiệt đặc biệt là những loại khoáng, hữu cơ được phong hóa qua hàng triệu năm. Bón nhiều phân vô cơ mà không bổ sung phân hữu cơ là nguyên nhân làm đất bị chai, thoái hóa. Độ xốp và sự mầu mỡ giảm khiến độ phì và khả năng sản xuất của đất giảm sút nghiêm trọng.
  • Nguồn sâu bệnh gia tăng: qua nhiều năm, sự hình thành các loài sâu bệnh hại tồn tại trong đất trồng cà phê được chuyên biệt, thích nghi với sự gây hại lên cây cà phê. Nhưng sự gây hại không nghiêm trọng vì trong đất còn có nhiều sinh vật đối kháng khác và khả năng kháng lại của bản thân cây cà phê. Sau khi nhổ bỏ cây cũ để tái canh, nguồn gây bệnh sẽ phát triển do những loài sinh vật đối kháng giảm sút và do nguồn thức ăn trở nên cạn kiệt khiến chúng tập trung lại gây hại lên cây con mới trồng.
  • Bản thân cây: Cây con được ươm trong bầu với chế độ chăm sóc hoàn hảo, tuy nhiên bộ rễ kém phát triển đặc biệt là trên cây ghép gốc cà phê mít. Khi đưa ra sống trong điều kiện mới, bầu rễ nhỏ bé nếu không ảnh hưởng bởi sâu bệnh thì cũng ảnh hưởng bởi những điều kiện của đất. Thay đổi môi trường sống đột ngột, bầu rễ chưa kịp thích ứng cũng có thể làm cây bị sốc và kém phát triển. Khi cây còn yếu đuối thì tác nhân gây bệnh có điều kiện tấn công một cách dễ dàng.

*Nếu vì bệnh tuyến trùng hay những nấm bệnh khác thì tại sao cây cà phê đang phát triển lâu năm lại không bị? Bộ rễ cà phê rất phát triển, đặc biệt là hệ thống rễ tơ phát triển với mức độ đan xen và dày tới 60 cm. Với một khối rễ khổng lồ trên vườn cà phê như vậy không thể có một tác nhân gây bệnh nào tấn công được. Sự tương hỗ giữa cây này và cây kia là điều kiện mà không một bệnh hại nào có thể gây thiệt hại đồng loạt như tái canh vì những cây con nhỏ chưa hình thành được khối khổng lồ đó.

Như vậy, Cây – Môi trường – Bệnh hại là 3 đỉnh của một tam giác, điều kiện để bệnh phát triển được khi cây con còn yếu, môi trường thuận lợi (đối kháng bị giảm).

Giải pháp tái canh thành công

Trong khi chờ đợi những công trình nghiên cứu, tuy có tính hạn chế, tôi xin đưa ra một số ý kiến để bà con có thể thực hiện tái canh cây cà phê ngay khi nhổ bỏ vườn cà phê già, cỗi.

  1. Việc nhổ bỏ cây cà phê già, cỗi phải tiến hành ngay đầu mùa khô (khi thu hoạch xong). Cày sâu, lật đất tạo nên một tầng canh tác tơi xốp và khử độc, diệt mầm mống sâu bệnh hại nhờ ánh nắng mặt trời và ôxi. Thực hiện tốt việc này thì việc bừa và rà rễ không cần thiết lắm vì khi cày lật một số rễ cà phê nằm trong đất bị phơi khô nên sâu bệnh hại cũng hạn chế. Nếu rà hết rễ, vô tình mình đã lấy đi lượng vô cùng lớn chất hữu cơ và dinh dưỡng do rễ cà phê phân hũy.
  2. Đào hố lớn, cạnh từ 1 m đến 2 m (hố vuông), sâu từ 50 cm trở lên. Hố cần phải đủ lớn để tạo độ tơi xốp cho rễ cây cà phê con dễ phát triển, hình thành nên vùng rễ mà đó là cơ sở để kháng lại với sâu bệnh hại và tác động của đặc tính lý hóa trong đất.
  3. Hố phải được đào trong mùa khô và được phơi nắng kỹ nhằm diệt trừ mầm mống của sâu bệnh hại và giảm độ độc của đất.
  4. Xử lý hố: bón khoảng 10 kg phân chuồng (hoặc phân hữu cơ), 0,5 – 1 kg phân vi sinh (hoặc vi sinh hữu cơ), 0,5 kg vôi và 0,5 kg lân. Tất cả hỗn hợp được trộn đều và lấp bằng lớp đất mặt. Thực hiện điều này khi bắt đầu mưa và trước khi trồng cà phê 1 tháng.
  5. Cây cà phê: Cây thực sinh có ưu điểm là bộ rễ phát triển, không bị tổn thương nhưng độ đồng đều và năng suất từng cây không đồng nhất. Cây ghép có bộ rễ phát triển kém nhưng độ đồng đều cao, năng suất cao. Mặc dù cây con là cây ghép hay cây thực sinh, trước khi trồng phải tập cho cây con thích nghi với điều kiện ánh sáng. Xử lý ra rễ, thúc đẩy cây phát triển bằng cách phun chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá.
  6. Bón phân đúng với lượng theo quy trình, nhưng bón làm nhiều lần. Phun (hoặc tưới) phân hữu cơ có hàm lượng axit Humic cao. Đây là axit hữu cơ rất tốt cho đất và cây trồng. Trong tự nhiên, nó được hình thành trong thời gian rất lâu.

Hỗ trợ về tài chính

Những công ty kinh doanh, những nhà xuất khẩu thu lợi nhuận từ hạt cà phê còn thờ ơ với vấn đề này. Đáng lẽ ra họ phải đầu tư lại cho nhà nghiên cứu, cho nông dân trồng cà phê, những người đã đem lại giá trị gia tăng cho họ. Về mặt tài chính, nhà nước không thể nào kham nổi vì đơn giản ngân quỹ quốc gia có hạn và giá trị gia tăng trong kinh doanh cà phê thì chủ yếu cho các doanh nghiệp thu mua, đặc biệt là các công ty nước ngoài. Người Đức đã đưa ra chuỗi giá trị (Gtz), trong chuỗi giá trị đó mỗi một mắt xích phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình từ khi sản phẩm được trồng – thu hoạch – mua bán – và người tiêu thụ cuối cùng. Không ai cho không ai, mà đòi hỏi phải có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng và môi trường. Có như thế, không riêng gì ngành cà phê mà bất kỳ ngành gì cũng phát triển bền vững.

Hi vọng giúp ích vấn đề tái canh cây cà phê!

Rate this post

More articles

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Latest article