(Chuse24h)-
Sau hơn 5 năm chuyển đổi mô hình từ doanh nghiệp Nhà nước thành doanh nghiệp cổ phần hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông nghiệp nên Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai gặp không ít những khó khăn, vướng mắc. Điều này đã làm chính quyền địa phương các cấp, hộ nhận khoán, người lao động và Ban lãnh đạo Công ty trăn trở vì ảnh hưởng đến cuộc sống, việc làm, thu nhập của các hộ nhận khoán và người lao động. Sau thời gian dài tìm hiểu và gỡ những khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện, đến nay, Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai và các hộ nhận khoán đạt được sự đồng thuận về phương án khoán chăm sóc vườn cây cà phê.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế phát biểu tại lễ ký kết giao khoán vườn cây. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Theo đó, từ năm 2024, Công ty sẽ đầu tư 100% từ khâu làm đất, đào hố, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chọn giống cà phê vối TRS1 thực sinh trồng tái canh để tạo vườn cây là tài sản của Công ty trong giai đoạn 3 năm kiến thiết cơ bản và giao khoán cho các hộ gia đình và người lao động chăm sóc, quản lý, bảo vệ cải tạo thu hoạch hoa lợi từ vườn cà phê trên cơ sở phân chia hợp lý đảm bảo quyền lợi của các hộ nhận khoán, các chính sách với người lao động, quyền lợi của Công ty, đảm bảo thực hiện nghĩa vụ cho Nhà nước. Thời hạn hợp đồng khoán là 15 năm và thời gian gia hạn không quá 5 năm.
Tại buổi lễ hơn 60 hộ nhận khoán tại Chi nhánh xã Ia Bă (huyện Ia Grai) đã ký kết hợp đồng giao khoán vườn cây với Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai trồng tái canh cây cà phê vối TRS1 từ năm 2024 đến 2038 với diện tích khoảng 90 ha. Đây là tiền đề để Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai tiếp tục triển khai giao khoán vườn cây cà phê cho các hộ nhận khoán tại chi nhánh xã Ia Grăng và Chư Sê.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai và hộ nhận khóa ký kết hợp đồng giao khoán vườn cà phê .Ảnh: Nguyễn Diệp |
Phát biểu tại buổi lễ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quếnhấn mạnh: Quá trình chuyển đổi Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần cũng có một số thuận lợi nhưng gặp không ít những khó khăn do những hộ nhận khoán vừa công nhân, vừa nông dân và công dân trên địa bàn các chi nhánh chưa hiểu nhau dẫn đến việc chuyển đổi kéo dài. Sau quá trình chuyển đổi Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai tổ chức lễ ký kết thể hiện sự quan tâm của chính quyền tỉnh Gia Lai đối với cổ phần hóa, cũng như giúp Công ty ổn định sản xuất, thể hiện sự quan tâm đời sống của công nhân, người lao động đã gắn bó với Công ty yên tâm tiếp tục sản xuất. Trong thời gian tới, 2 bên phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc thỏa thuận đã ký kết. Đối với công nhân, người lao động hợp tác theo hướng dẫn của Công ty trong quá trình sản xuất kinh doanh, chấp hành nghĩa vụ đã ký kết theo hợp đồng. Còn Công ty đã nhận được sự đồng thuận của người dân và hộ nhận khoán nên đề nghị Công ty mời gọi chuyên gia am hiểu kỹ thuật trồng cây cà phê hướng dẫn hộ nhận khoán đạt kết quả cao nhất. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách để họ yên tâm gắn bó với Công ty. Bên cạnh đó, làm tốt công tác an sinh xã hội, quan tâm trường hợp khó khăn. Chính quyền địa phương huyện, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động, tổ chức họp để lắng nghe ý kiến 2 bên thực hiện đúng những điều khoản đã ký kết trong hợp đồng…