Thị trường cà giá phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên trong tuần vừa qua chỉ có một phiên tăng duy nhất, còn lại ngập sắc đỏ. Tính chung cả tuần, giá cà phê đã giảm 300 đồng chốt tại 46.000 – 46.800 đồng/kg. Cả người dân và giới buôn cà phê đều mong trong tuần này, giá cà phê sẽ thoát cảnh trầm lắng với việc dự báo nguồn cung toàn cầu thâm hụt ở mức cao của Công ty môi giới Marex Spectron.
Giá cà phê đầu tuần tăng giảm khó hiểu?
Mở cửa ngày 17.4, giá cà phê hôm nay tại thị trường trong nước có sự thay đổi khó hiểu, không theo xu hướng chung. Theo đó, giá cà phê nguyên liệu tại Đăk Lăk và Đăk Nông giữ nguyên mức giá cuối tuần trước, lần lượt ở mức 46.600 và 46.100 đồng/kg. Tại thị trường Gia Lai, giá cà phê hôm nay lại giảm mất 200 đồng/kg so với cuối tuần trước, còn 46.600 đồng/kg.
Trong khi đó, giá cà phê nhân xô tại địa bàn Lâm Đồng lại tăng nhẹ 100 đồng/kg, giữ ở mức 46.100 đồng/kg. Tại cảng TP. Hồ Chí Minh, giá cà phê FOB đạt mức 2.045 USD/tấn, trừ lùi 100 USD/tấn. Mức giá này đã giảm khoảng 12 USD/tấn so với cuối tuần trước.
Trên thị trường thế giới, kết thúc tuần 15, giá cà phê kỳ hạn đồng loạt giảm. Tính chung cả tuần, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 và kỳ hạn tháng 7 giảm lần lượt là 25 USD và 21 USD chốt ở 2.145 USD/tấn và 2.173 USD/tấn. Còn giá cà phê arabica hai kỳ hạn này đều giảm 1,15 USD xuống lần lượt tại 1,389 USD/lb và 1,4125 USD/lb.
Theo công ty môi giới Marex Spectron, thị trường cà phê toàn cầu được dự đoán sẽ thâm hụt 4,3 triệu bao (loại 60kg) trong vụ 2017/2018 do sản lượng thấp và lượng tồn kho sụt giảm tại Brazil.
Marex Spectron nhận định, giá cà phê Arabica và Robusta trong dài hạn đều sẽ tăng, đồng thời cho rằng mức thâm hụt cà phê toàn cầu là một con số đáng sợ và dự báo tình trạng giao dịch ảm đạm trên thị trường Luân Đôn sẽ sớm chấm dứt.
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê tháng 3.2017 đã đạt 168.006 tấn, tăng 14,8% so với tháng trước đó nhưng lại giảm 7,28% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu cũng tương ứng với ước báo của giới thương nhân xuất khẩu là đạt mức cao nhất kể từ đầu niên vụ mới.
Như vậy, tính trong 6 tháng đầu niên vụ cà phê 2016/17 hiện tại, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 16,6 triệu bao (loại 60kg), chủ yếu là cà phê robusta.
Giá điều giảm mạnh, doanh nghiệp vẫn “đói” hàng
Tại Bình Phước, giá thu mua hạt điều tươi tuần này đã giảm khoảng 10.500 – 11.500 đồng/kg so với tuần trước do chất lượng hạt điều cuối vụ kém, nhiều hạt móp, hỏng nên thương lái ép giá. Giá hạt điều khô cũng giảm 2.000 – 3.000 đồng/kg so với tuần trước.
Hiện tại, hơn 200 doanh nghiệp và trên 300 cơ sở chế biến điều tại đây đã không có đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất, dù đang chính vụ thu hoạch. Theo các doanh nghiệp, lượng điều năm nay chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu sản xuất, còn lại phải đi nhập ở nước ngoài với nhiều rủi ro vì không thể kiểm soát được chất lượng.
Năm nay điều mất mùa, sản lượng giảm mạnh, chất lượng cũng giảm khiến ngành chế biến điều cũng giảm lợi nhuận. Mặc dù đang là thời điểm thu hoạch điều nhưng nhiều doanh nghiệp chế biến vẫn phải dựa vào nguồn điều nhập khẩu trữ trong kho từ vụ năm ngoái. Không ít doanh nghiệp hiện phải sản xuất cầm chừng chờ mùa thu hoạch điều thế giới. Giá điều nhập hiện cũng tăng từ 20-30% so với năm ngoái.
Điểm đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp chế biến hạt điều cho biết, họ sẵn sàng mua hạt điều thô trong nước cao hơn giá nhập khẩu từ 2.000 – 3.000 đồng/kg vì chất lượng hạt điều tại Việt Nam tốt hơn nhiều so với hàng nhập khẩu, đặc biệt tỷ lệ hao hụt trong chế biến cũng thấp hơn.
Giá tiêu giữ vững mức 105.000 đồng/kg
Ngày 17.4, giá tiêu đen nguyên liệu tại các vùng nguyên liệu Gia Lai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đồng Nai dao động quanh mức 102.000 – 105.000 đồng/kg. Cụ thể, giá hồ tiêu tại Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) có mức cao nhất 105.000 đồngkg; tại Chư Sê (Gia Lai) hồ tiêu ở mức 102.000 đồng/kg; tại Đăk Lăk, Đăk Nông cùng có giá 103.000 đồng/kg; tại Bình Phước là 104.000 đồng/kg.
Giá hồ tiêu Ấn Độ hôm nay giữ nguyên mức giá ở hồi cuối tuần trước. Giá giao dịch hồ tiêu Ấn hiện đang dao động ở khoảng từ 61.200 – 61.650 rupi/kg hồ tiêu. Mức giá này được cho là tăng giảm không theo quy luật và thay đổi bất thường, cho thấy thị trường đang có nhiều biến động bất ổn và khó lường trước.
Do nông dân trồng tiêu thường có một khoản tiền dự trữ trước khá nhiều, bên cạnh đó tiêu lại có thể dễ dàng dự trữ nên nếu tiêu xuống giá, bà con nông dân không việc gì phải bán hết mà có thể tích trữ lại, chờ giá lên. Đây cũng là lý do khiến thời gian qua thị trường hồ tiêu không có sự thay đổi đột biến.