Sự kháng giá tại thị trường nội địa Việt Nam đã thúc đẩy giá cà phê Robusta kỳ hạn tiếp tục tăng cao…
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London kéo dài chuỗi tăng lên phiên thứ năm. Kỳ hạn giao tháng 3 tăng thêm 18 USD, lên 2.950 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 15 USD, lên 2.845 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.
Trái lai, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York trở lại xu hướng giảm. Kỳ hạn giao tháng 3 giảm 2,95 cent, xuống 181,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 3,10 cent, còn 178,95 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 300 – 400 đồng, lên dao động trong khung 70.200 – 70.900 đồng/kg.
Lo ngại nguồn cung Robusta từ châu Á và tuyến vận tải biển Âu – Á qua kênh đào Suez bị tắt nghẽn đã tiếp tục hỗ trợ thị trường giá tăng. Góp phần hỗ trợ xu hướng giá tăng còn do sự kháng giá của nông dân Việt Nam khi họ cho rằng sản lượng vụ mùa hiện đang thu hoạch giai đoạn cuối bị thất thu nghiêm trọng hơn tất cả các dự báo đã được đưa ra.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica sụt giảm trở lại do triển vọng nguồn cung từ các nước Mỹ La tinh tăng và thị trường chờ đợi dự báo vụ mùa 2024/2025 của Brasil có số liệu cụ thể hơn. DXY giảm 0,30% đã kéo giá cả hàng hóa nói chung sụt giảm, đưa tỷ giá đồng Reais xuống ở mức 1USD = 4,8915 R$, trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi lạm phát Mỹ (CPI) tháng 12 sẽ được công bố ngày hôm nay và sự nghi ngờ Fed cắt giảm lãi suất tăng cao.
Theo Trung tâm nghiên cứu Kinh tế Ứng dụng CEPEA của Đại học Sao Paulo, nhưng cơn mưa dai dẳng xuất hiện ở bang Minas Gerais kết hợp với dữ liệu báo cáo tồn kho tăng của ICE – US đã gây áp lực lên giá cà phê New York trong ngắn và trung hạn, khiến các hoạt động kinh doanh cà phê tại thị trường nội địa trở nên kém hiệu quả hơn do phần lớn vẫn còn đứng bên ngoài các thị trường.
Anh Văn (chuse24h.com)