Hươu sao triển vọng thành vật nuôi chủ lực
Mặc dù thời gian thu hoạch trong năm không nhiều, nhưng với giá bán cao và thị trường tiêu thụ ổn định, nuôi hươu sao lấy nhung đang là mô hình chăn nuôi hấp dẫn cho những hộ có nhu cầu chuyển đổi mô hình sản xuất ở huyện Mỹ Tú.
Gần đây, nuôi hươu sao lấy nhung là mô hình được một số hộ dân ở huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng lựa chọn để chuyển đổi cho giá trị kinh tế cao.
Bà Sơn Thị Nê, ấp Trà Lây 2, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú đầu tư hàng trăm triệu đồng nhập 16 con hươu sao giống về nuôi. Mặc dù mới triển khai trong thời gian ngắn, nhưng bà Nê khẳng định mô hình đạt hiệu quả so cao hơn so với nhiều đối tượng vật nuôi khác.
Bà Nê bộc bạch, từng tiếp cận nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm khác nhau, nhưng lợi nhuận kinh tế không được cải thiện, đầu ra sản phẩm ngày càng khó khăn.
Sau nhiều lần tìm hiểu các mô hình chăn nuôi từ internet, nhận thấy nuôi hươu sao không tốn nhiều công chăm sóc, nguồn thức ăn cho vật nuôi cũng phong phú. Chủ yếu là các loại cỏ và một số phụ phẩm khác trong tự nhiên, cái lợi lớn nhất là rủi ro dịch bệnh rất thấp. Từ đây, gia đình bà quyết định dồn toàn bộ số tiền tích lũy được xây dựng chuồng trại và nhập hươu sao giống về nuôi.
Theo kinh nghiệm của bà Nê, nuôi hươu sao chủ yếu để lấy nhung. Quá trình nuôi khoảng 48 tháng, hươu đực bắt đầu cho nhung với trọng lượng từ 600 – 800gram/con. Một năm, hươu cho nhung 2 lần, với giá bán dao động 13 – 15 triệu đồng/kg.
Lượng nhung thu được tỷ lệ thuận với số tuổi của vật nuôi. Hươu nuôi càng lớn, lượng nhung thu được sẽ càng cao, lợi nhuận của người nuôi vì vậy được đảm bảo duy trì ổn định. Đối với hươu cái cũng mang lại nguồn thu khá cao từ việc bán thịt. Yên tâm lớn nhất đối với người nuôi là lượng nhung hươu khi đến ngày cắt đều được doanh nghiệp liên kết thu mua toàn bộ.
Để quản lý chặt chẽ mô hình chăn nuôi cho giá trị kinh tế cao này, gia đình bà Nê thường xuyên ghi chép sổ theo dõi chăn nuôi, từ thời gian tiêm ngừa bệnh, lấy nhung để đảm bảo thu được nhung chất lượng.
Tuy nhiên, do mô hình cần chi phí đầu tư ban đầu lớn, để đảm bảo chăn nuôi ổn định và bền vững, ông Phạm Minh Tú, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Mỹ Tú khuyến cáo, bà con cần trang bị các kiến thức phòng ngừa một số bệnh thường gặp trên hươu. Khâu chăm sóc, nuôi dưỡng người nuôi cũng cần quan tâm đến giá trị dinh dưỡng.
“Các thông tin cần thiết, bà con nên liên hệ với nhân viên Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện để được hỗ trợ thêm, để đảm bảo vừa nuôi có hiệu quả kinh tế, vừa an toàn dịch bệnh”, ông Tú cho biết.
Hiện Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Mỹ Tú đang theo dõi, hướng dẫn và sắp tới sẽ kết nối với các chuyên gia từ Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) để tư vấn, hỗ trợ thêm về chế độ dinh dưỡng cũng như quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển tại địa phương.
Ông Tú nhận định, mô hình nuôi hươu sao lấy nhung chỉ mới bước đầu phát triển ở những nông hộ riêng lẻ, nếu được đầu tư bài bản, đúng quy trình kỹ thuật, nuôi hươu sao nhiều khả năng sẽ là mô hình chăn nuôi mới bổ sung vào chiến lược phát triển chăn nuôi của tỉnh Sóc Trăng.
Từ đó, góp phần đa dạng hóa đối tượng vật nuôi và cải thiện thu nhập cho người nông dân, theo đúng mục tiêu cốt lõi của kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp mà tỉnh Sóc Trăng đã và đang tập trung triển khai.