35.2 C
Chư Sê
Chủ Nhật, Tháng Tư 14, 2024

Nuôi heo rừng bán hoang dã dưới vườn cây ăn trái

Must read

Nuôi heo rừng bán hoang dã dưới vườn cây ăn trái

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Ngữ Văn, thay vì tìm kiếm một công việc theo đúng chuyên môn, anh Nguyễn Tấn Đạt ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng quyết định chuyển hướng sang trồng trọt, chăn nuôi trên mảnh đất quê nhà.

Năm 2016, nhận thấy mô hình nuôi heo rừng có nhiều tiềm năng để phát triển. Người tiêu dùng đều hướng tới việc lựa chọn các loại thực phẩm sạch, hữu cơ, do đó, thịt heo rừng ngày càng được ưa chuộng. So với nhiều loại vật nuôi khác, heo rừng mang lại lợi nhuận cao, rủi ro thấp cho nông dân.

Anh Đạt quyết định dành khoảng thời gian hơn một năm đi học hỏi cách chăn nuôi heo rừng từ các trang trại ở miền Tây. Khi đã tích lũy đủ kiến thức và kỹ thuật, anh liên kết với một số người bạn nhập 20 con heo rừng về nuôi theo hình thức bán hoang dã trong vườn trái cây.

Khu vườn rộng 2.000m2 được anh Đạt tận dụng tạo môi trường sống lý tưởng cho đàn heo rừng. Ảnh: Kim Anh.

Khu vườn rộng 2.000m2 được anh Đạt tận dụng tạo môi trường sống lý tưởng cho đàn heo rừng. Ảnh: Kim Anh.

Heo rừng vốn có đặc tính sống hoang dã, việc thả lan sẽ góp phần khôi phục lại môi trường sống tự nhiên, đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh cho heo. Từ đó, trong khu vườn rộng 2.000m2 được anh Đạt trồng thêm mít, vú sữa, vừa tạo thêm kinh tế, lại tận dụng phụ phẩm từ cây trồng làm thức ăn cho heo rừng.

Ngoài ra, anh tìm mua thêm rau củ quả dạt từ các chợ ở địa phương như khoai lang, mít, ổi, bã đậu nành bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho đàn heo rừng.

Nghe qua tưởng chừng đơn giản, nhưng để am hiểu đặc tính và quá trình sinh trưởng của heo rừng, đối với anh Đạt là cả một quỹ thời gian dài vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm mới thành công.

Theo anh Đạt, so với phương pháp nuôi bằng thức ăn công nghiệp hoặc nhốt chuồng, heo rừng bán hoang dã, thả lan trong vườn có không gian vận động, giúp lớn nhanh, thịt săn chắc, ngon hơn.

Phụ phẩm nông nghiệp được tận dụng triệt để làm nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho heo rừng bán hoang dã. Ảnh: Kim Anh.

Phụ phẩm nông nghiệp được tận dụng triệt để làm nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho heo rừng bán hoang dã. Ảnh: Kim Anh.

Mặt khác, nguồn phân thải từ heo rừng trải qua quá trình xử lý, ủ cũng trở thành phân bón hữu ích bổ sung chất dinh dưỡng cho cây trồng. Đặc biệt, mô hình này giúp tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư chuồng trại, thức ăn. Trường hợp vào mùa mưa, người nuôi phải nhốt heo trong chuồng để tránh bị nhiễm ký sinh trùng ngoài da.

Hiện tổng đàn heo rừng của anh Đạt đã tăng lên khoảng 200 con, mỗi con cho lợi nhuận từ 500.000 – 800.000 đồng.

Theo anh Đạt, heo rừng tuy có sức kháng bệnh mạnh, nhưng phải phòng bệnh thường xuyên, bằng cách tiêm vacxin từ lúc nhỏ để heo phát triển khỏe mạnh. Đối với chế độ ăn, nông dân tay ngang này chia sẻ, heo rừng cần được tăng cường nhiều rau củ quả, không nên sử dụng thức ăn công nghiệp.

Bên cạnh đó, phải có chế độ cho ăn phù hợp, tránh việc nhà có gì cho ăn nấy, kết hợp từ bã đậu nành, rau, củ, xác bia để cân đối dinh dưỡng cho heo phát triển đồng đều.

Heo rừng từ lúc thả nuôi đến khi xuất bán thịt khoảng 6 tháng, nếu nuôi từ 9 – 12 tháng, heo rừng sẽ bắt đầu sinh sản. Mỗi năm heo rừng sinh sản 2 đợt, mỗi lứa từ 6 – 10 con. Nhận thấy đàn heo phát triển và sinh sản tốt, anh Đạt đầu tư thêm con giống.

Heo rừng bán hoang dã có không gian vận động, giúp heo lớn nhanh, thịt săn chắc, ngon. Ảnh: Kim Anh.

Heo rừng bán hoang dã có không gian vận động, giúp heo lớn nhanh, thịt săn chắc, ngon. Ảnh: Kim Anh.

“Hiện ở miền Tây, heo rừng lai rất nhiều, nên mục tiêu của tôi là phải làm ra con giống tốt nhất. Do đó, khi heo rừng giống đạt trọng lượng từ 25kg trở lên tôi mới xuất bán, để người mua dễ nhận biết chất lượng. Ngoại hình hung dữ, lông lá nhiều là đúng heo rừng chuẩn”, anh Đạt cho hay.

Hiện, anh Đạt đang cung ứng heo rừng thịt ra thị trường, phục vụ các nhà hàng, quán ăn ở các tỉnh miền Tây với giá dao động từ 130.000 – 150.000 đồng/kg. Với heo rừng giống có giá 180.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm anh xuất bán 1.000 con heo rừng.

“Sau mỗi lần vấp ngã, tôi chọn cách buông bỏ để đi du lịch, khi đầu óc thư giãn, tìm được kim chỉ nam, tôi sẽ quay về và bắt đầu lại”. Đó là triết lý sống sau mỗi lần thất bại, trở thành động lực cho chàng trai 9X chạm đến thành công hôm nay. Trong năm 2024, anh Đạt đã lên kế hoạch tăng đàn để phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Rate this post

More articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Latest article