Thứ bảy, Tháng mười một 9, 2024
23 C
Chư Sê

Quanh co ghềnh thác Phú Cường

Câu thành ngữ “lên thác xuống ghềnh” của người Việt chúng ta thật có sức gợi. Không chỉ gợi hình ảnh, nó còn gợi cảm giác và gợi cả những thanh âm. Mỗi khi đứng trước một con thác, nhìn dòng nước lao từ trên cao xuống, rồi uốn mình đổ xuôi đi, tôi luôn nghĩ đến câu thành ngữ ấy.

Tôi là người thích dịch chuyển, nhất là dịch chuyển đến những nơi có thiên nhiên thanh lành, để tìm sự cân bằng sau những ngày bộn bề chốn công sở. Sống giữa cao nguyên, nơi có địa hình núi đồi tạo nên nhiều cảnh quan đẹp mắt. Có lẽ đẹp nhất là những con suối quanh co uốn lượn giữa rừng sâu, rồi đột ngột lao mình xuống từ một độ cao nào đó để tạo thành những thác nước đẹp kỳ vĩ.

Thác Phú Cường (huyện Chư Sê). Ảnh: Phạm Quý
Thác Phú Cường (huyện Chư Sê). Ảnh: Phạm Quý

Còn nhớ chuyến dã ngoại đầu tiên trong cuộc đời sinh viên của chúng tôi. Số đông trong chúng tôi khi ấy đã biểu quyết chọn thác Phú Cường (huyện Chư Sê) làm điểm đến.

Ngày ấy, con đường từ trung tâm huyện dẫn đến thác chưa được mở rộng như bây giờ. Để di chuyển được đến chân thác, chúng tôi phải đi bộ quãng đường khá xa. Chính xác là men theo lối mòn với khá nhiều bụi rậm và dây leo. Cảnh quan hồi ấy còn hoang sơ, có đôi phần gợi cảm giác sợ sệt cho các bạn nữ. Nhờ sự trợ giúp của các bạn nam, chúng tôi vượt qua được lối đi quanh co khúc khuỷu, rồi trở về an toàn.

Sau chuyến đi này, chúng tôi viết bài thu hoạch để ghi lại tất cả những gì đã cảm nhận được. Sau này, tôi còn đôi lần trở lại, chứng kiến sự đổi thay của con đường, của cảnh quan, chỉ có dòng nước quanh năm như rơi xuống từ trời mây là vẫn thế. Và nhờ vậy, nó như cất giữ cho tôi những cảm xúc đôi mươi luôn còn đẹp mãi.

Sau chuyến đi ấy, tôi đã đến với rất nhiều dòng thác khác nhau trên đất nước mình. Những dòng thác nho nhỏ có, hùng vĩ có. Nhưng khi nào, vào thời khắc nghe được tiếng nước ầm ào và nhìn dòng nước nối nhau đổ xuống, tôi cũng như chìm rất sâu vào sự tĩnh lặng.

Tôi thường chọn ngồi ở một tảng đá để có thể bao quát dòng chảy của con thác, có thể nhìn được dòng nước len qua đá sỏi rồi xuôi về một phương nào đó. Phương nào đó thì lại phụ thuộc vào trí tưởng tượng để có thể hình dung ra. Nơi đi qua của dòng nước này có thể là một thung lũng nằm giữa bốn bề đồi núi. Nơi ấy có những thửa ruộng bậc thang lớp lớp gối lên nhau bên những ngôi nhà sàn nằm lẫn trong cây lá. Dòng nước khi ấy sẽ chia mình ra, một phần dành cho đồng ruộng, phần thảo lành nhất sẽ dẫn về một ngôi làng.

Hoặc có thể, dòng nước sẽ hòa mình vào một con sông, lang thang qua những bình nguyên, dùng dằng với những đồng bằng, rồi xuôi về biển lớn… Thứ mềm mại như nước có một phẩm chất tuyệt vời là luôn biết tan ra, hòa vào nhau tạo thành những thứ lớn lao hơn, rồi lắng lại, kết bồi.

Những lúc bỏ lại sau lưng mình phố phường bề bộn, ngồi nghe những thanh âm của thác ngàn, đó thực sự là cảm giác không dễ gì xóa đi được. Giữa ầm ào tiếng nước đổ từ trên cao, tôi nghe được âm thanh của tiếng gió rít qua màn nước trắng mờ đang ầm ầm lao xuống.

Lại nghe được cả tiếng những giọt nước ting toong nối nhau lọt qua một kẽ đá. Âm thanh ấy thật khẽ, thật trong, có thể khiến người ta nghi hoặc, vì nó bị át đi bởi tiếng của dòng chảy đang vun vút lao xuống ngoài kia. Nhưng thật lạ, lần nào tôi cũng nghe rất rõ. Và rồi, tôi đã vui đến độ như lại đang được ngồi nghe tiếng ting toong ấy trong một lễ hội, khi những nhạc cụ được đồng loạt tấu lên.

Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, những âm thanh thân thuộc như chảy về từ rừng sâu suối thẳm, chảy vào tôi những kỳ diệu thiêng liêng. Tiếng t’rưng như trăm ngàn con suối reo vui, như tiếng gió vút lên tầng lá và xuyên qua làn nước mờ trắng đang nối nhau lao xuống. Tiếng đàn đá, lúc chậm rãi hệt như những giọt nước nhảy nhót trên phiến đá dưới vòm động; lúc lại dồn dập như khối nước lúc tiếp mình xuống lòng thác, rồi quẩn lên trước khi bình thản xuôi về nơi khác.

Đôi lần, tôi đã gần như muốn bỏ dở một cuộc đi vì sức khỏe, bởi lên thác xuống ghềnh chẳng bao giờ là chuyện dễ dàng. Những lúc ấy, các bạn đồng hành lại luôn tìm ra một cớ nào đó để thuyết phục tôi tiếp tục. Tôi luôn nghĩ đến điều một người bạn đã từng nói rằng, nơi đẹp nhất là nơi ta chưa từng đặt chân đến. Và vì vậy, tôi lại cố, bởi biết đâu, mình sẽ bỏ lỡ điều đẹp đẽ còn đang ở phía trước.

Vậy nên, mỗi lần mồ hôi mồ kê nhễ nhại, đứng thở dốc cho đỡ mệt, tôi sẽ mường tượng đến những dòng nước quanh co, luôn bắt đầu từ một nơi thật cao, rồi xuôi dần xuôi dần, cho đến đích cuối cùng. Trên hành trình ấy, lúc thì thơ thới uốn lượn; lúc va đập vào những thành vách cản ngăn; lúc lại phải buông mình cho những cú rơi không trọng lượng.

Cũng trên hành trình ấy, có lúc nước phải lặn sâu vào lòng đất, lúc lại bốc hơi lẫn vào với những đám mây. Và dù như thế nào, nước vẫn tạo ra những vẻ đẹp, cả bình dị lẫn kỳ vĩ, khiến con người mê đắm.

Cuộc đời cất giữ rất nhiều câu chuyện. Có những chuyện chỉ dành riêng cho lòng nhẫn nại và sự kiên trì. Thác ngàn cũng biết kể những câu chuyện của mình. Nếu không như vậy, người đời đâu đúc kết thành câu nói “lên thác xuống ghềnh”. Còn tôi, quanh co mãi trong những câu chuyện ở chốn cao nguyên, cùng với thác ghềnh quanh co trong suốt cuộc đời mình.

Đọc nhiều

CEO 'vua tôm' Minh Phú: Thuyết phục người Việt ăn tôm sạch nhưng bất thành 11

CEO 'vua tôm' Minh Phú: Thuyết phục người Việt...

Chủ tịch Thế Giới Di Động xin lỗi cổ đông, đặt mục tiêu lãi 2.400 tỷ đồng

Tại Đại hội đồng cổ đông thương niên năm...

Phiên bản quân sự của xe điện Cybertruck, chống được đạn súng máy

Unplugged Performance, công ty chuyên nâng cấp xe Tesla, vừa...

Tin đồn mới về thông số camera của iPhone 16 Series: có thêm định dạng JPEG-XL

Tin đồn về iPhone 16 Series càng ngày càng nhiều và...

AMD Ryzen 9000X3D sẽ “hạ cánh” tại triển lãm CES 2025?

Những lựa chọn vi xử lý Ryzen 9000 Series trang bị công...

Related Articles

Popular Categories

spot_imgspot_img
MessengerEmail