Sóc Trăng có 814 nhà nuôi yến, tăng 85 nhà so với 2023
Chim yến đã được công nhận là động vật trong chăn nuôi từ năm 2018. Từ đây, nghề nuôi yến đã phát triển mạnh tại 42/63 tỉnh, thành. Tại ĐBSCL, với giá trị kinh tế cao, nghề này được nhiều gia đình lựa chọn, thậm chí mạnh tay đầu tư, xây dựng những nhà yến quy mô.
Dọc tuyến đường tỉnh 934, đoạn qua địa bàn thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, những nhà yến nhiều màu sắc liền kề nhau san sát mọc lên.
Một trong những gia chủ cho biết, với hơn 15 năm kinh nghiệm, quy mô nhà yến khoảng 280m2, cho sản lượng tổ yến trung bình 2 – 4kg/tháng. Hiện, giá tổ yến chưa qua chế biến dao trung bình từ 18 – 35 triệu đồng/kg.
Trong khi đó, quá trình nuôi, người dân không tốn chi phí thức ăn, do chim yến sống ở môi trường tự nhiên. Do đó, lợi nhuận người nuôi thu được khá cao, chỉ trong vòng 1 – 2 năm đầu đã có thể hoàn vốn.
Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng, toàn tỉnh hiện có 814 nhà yến (tăng khoảng 85 nhà nuôi so với cùng kỳ năm ngoái), với tổng đàn trên 281.000 con chim yến, được giữ ổn định qua các năm. Với quy mô này, sản lượng tổ yến khai thác trung bình đạt khoảng 9 tấn/năm.
Tại vùng biển thị xã Vĩnh Châu, một trong hai địa phương tập trung nhiều hộ nuôi. Ngoài nuôi chim yến để lấy yến thô, nhiều doanh nghiệp cũng mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ cho ra đời nhiều sản phẩm chế biến, được công nhận OCOP 3 sao như: yến sào chưng sẵn vị lá dứa, yến sào chưng sẵn vị đông trùng hạ thảo…
Với 184 nhà yến được 160 hộ nuôi phát triển, trung bình mỗi năm thị xã Vĩnh Châu cung ứng cho thị trường khoảng 1,7 tấn tổ yến. Để giúp nghề nuôi chim yến phát triển bền vững, đúng với quy hoạch của địa phương, Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu đã và đang tăng cường công tác quản lý chặt chẽ việc xây dựng các nhà yến.
Đồng thời, duy trì đàn yến hiện có, đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường vùng nuôi chim yến. Khuyến khích hộ nuôi ứng dụng khoa học công nghệ trong các khâu sản xuất, để tạo ra sự khác biệt về chất lượng sản phẩm, bao bì, nhãn mác.
Trước thực trạng một số địa phương trên cả nước xuất hiện nạn săn bắt chim yến kiểu tận diệt, khiến tổng đàn chim ngoài tự nhiên và tại các hộ nuôi suy giảm, để ngăn ngừa, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, tăng cường triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ nuôi, cơ sở, xây dựng mã định danh và mã vùng nuôi chim yến để thuận lợi trong công tác quản lý.
Ông Lâm Minh Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm, để bảo vệ đàn chim yến phát triển khỏe mạnh, ngành cũng tăng cường giám sát dịch bệnh trên chim yến để đẩy mạnh xuất khẩu tổ yến. Nhất là sự lưu hành của virus cúm gia cầm H5N1 và H5N6 trên đàn chim yến, tính riêng trong năm 2023, đơn vị đã lấy 495 mẫu.
Hàng năm, ngành cũng tổ chức điều tra, thống kê biến động tổng đàn chim yến, cơ sở dẫn dụ, gây nuôi, khai thác tổ chim yến để người dân nắm bắt, phát triển nghề nuôi một cách bền vững.
Trước đó, ngày 28/2/2022, HĐND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐND quy định khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Vùng nuôi chim yến phải nằm ngoài khu vực các phường, thị trấn thuộc huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Đồng thời, các nhà yến phải có khoảng cách tối thiểu 300m, tính từ ranh giới hành chính của khu vực.
Tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện về việc tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tuyên truyền, vận động người dân không săn bắt, tiêu thụ chim yến. Thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra, ngăn chặn, tháo dỡ, thu hồi các phương tiện, dụng cụ bẫy, bắt trái phép.