31.8 C
Chư Sê
Thứ Sáu, Tháng Năm 3, 2024

Thay em bước tiếp hành trình thiện nguyện

Must read

(Chuse24h)- Em trai qua đời vì bạo bệnh, chị Nguyễn Thị Phượng (SN 1979, thôn Vinh Hà, xã Ia Blang, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) thay em làm Trưởng nhóm từ thiện Tâm Đức. Chị và các thành viên tiếp tục giúp đỡ những mảnh đời khó khăn để họ có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.

Kết nối những tấm lòng hảo tâm

Không phải là thành viên của nhóm từ thiện Tâm Đức nhưng anh Nguyễn Văn Hải-giáo viên Trường Tiểu học Tôn Đức Thắng (xã Ia Blang) lại biết khá rõ về quá trình thành lập cũng như hoạt động của nhóm từ thiện này. Bởi anh là bạn của anh Nguyễn Văn Vỹ-em trai chị Phượng, “thủ lĩnh” đầu tiên của nhóm. Cả 2 tham gia nhóm nhạc công và dẫn chương trình một số sự kiện diễn ra tại huyện Chư Sê.

Anh Hải kể: “Năm 2012, một thành viên trong nhóm có người thân bị ung thư cần giúp đỡ. Nhóm cử mình và Vỹ đứng ra vận động và nhận được số tiền ủng hộ gần 30 triệu đồng. Sau đó, anh em đứng ra kêu gọi, kết nối, giúp đỡ những trường hợp khó khăn khác. Mình chủ yếu giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, còn Vỹ thì rộng hơn”.

Chị Nguyễn Thị Phượng tặng quà cho bà Bùi Thị Khanh ở thôn 2, xã Ia Blang, huyện Chư Sê (ảnh nhân vật cung cấp).

Chị Nguyễn Thị Phượng tặng quà cho bà Bùi Thị Khanh ở thôn 2, xã Ia Blang, huyện Chư Sê (ảnh nhân vật cung cấp).

Năm 2013, nhóm từ thiện Tâm Đức được thành lập với hơn 10 thành viên và duy trì đều đặn nồi cháo tình thương dành cho bệnh nhân nghèo mỗi tuần tại Trung tâm Y tế huyện Chư Sê. Ban đầu, nhóm phát cháo vào sáng thứ bảy. Song vì ngày nghỉ, số bệnh nhân điều trị ít nên nhóm chuyển sang phát cháo vào sáng thứ sáu. Chị Trần Thị Lệ Xuân (thôn Vinh Hà) tham gia nhóm từ những ngày đầu và là thành viên tích cực.

Chị cho hay: “Tôi có quán bán trà sữa, tách biệt với không gian sống của gia đình nên mọi người có tập trung vào sáng sớm cũng không ảnh hưởng đến người xung quanh. Vì vậy, nhóm thống nhất chuyển địa điểm từ nhà trưởng nhóm xuống quán của tôi cho thuận tiện. 3 giờ sáng, các thành viên sắp xếp được thời gian thì tham gia chứ không bắt buộc. Nấu xong, mọi người vận chuyển đến Trung tâm Y tế huyện, rồi bỏ hộp phát đến tận tay từng bệnh nhân nghèo”.

Từ việc các thành viên tự đóng góp để duy trì nồi cháo, dần dần có thêm nhiều tấm lòng thơm thảo cùng tham gia. Họ giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần và tất cả đều được trưởng nhóm công khai danh sách trên trang Facebook, Zalo. Nói về trưởng nhóm, chị Xuân cho rằng, họ có vai trò quan trọng trong việc truyền cảm hứng, tạo động lực và phát huy tinh thần đoàn kết của thành viên. Hơn thế, trưởng nhóm còn phải xác định mục tiêu, hướng đi và đứng ra kết nối, vận động các Mạnh Thường Quân để lan tỏa tinh thần thiện nguyện đến mọi người. Và cả anh Vỹ, chị Phượng đều làm rất tốt vai trò trưởng nhóm.

Qua việc kết nối của nhóm, đã có nhiều Mạnh Thường Quân chung tay giúp đỡ những cảnh đời còn nhiều khó khăn, trắc trở như người già neo đơn không nơi nương tựa, người bị tai nạn, bệnh tật hiểm nghèo… đồng thời hỗ trợ xây nhà cho hộ khó khăn về nhà ở. Cuối năm 2021, anh Vỹ qua đời vì bệnh lao phổi. Mất đi “thủ lĩnh”, nhóm tạm ngưng hoạt động gần nửa năm, sau đó, chị Phượng thay em trai làm trưởng nhóm, kết nối với các thành viên, tiếp tục duy trì hoạt động.

“Bệnh tình của em trở nặng, mình đưa em vào TP. Hồ Chí Minh để điều trị. Đến nơi, mình xét nghiệm phát hiện bị nhiễm Covid-19, phải cách ly, thành ra 2 chị em không có nhiều thời gian bên nhau. Tâm nguyện của Vỹ là làm được nhiều việc thiện, giúp đỡ những người xung quanh. Và mình sẽ tiếp tục hành trình còn dang dở của em”-chị Phượng trải lòng.

Thay em bước tiếp hành trình thiện nguyện

Vừa thoáng thấy bóng dáng chị Phượng nơi đầu ngõ, ông Nguyễn Văn Tân (thôn 6, xã Ia Blang) không giấu được vẻ mừng rỡ. Bàn tay run rẩy, ông dồn lực vào chiếc gậy, nhấc người khỏi chiếc võng quen thuộc đặt ở gốc xoài trước sân. Chị Phượng vội chạy tới đỡ ông ngồi trở lại chiếc võng. Bởi chị e sợ, với tình trạng cứng cơ và đôi chân bên cao, bên thấp của ông thì chỉ một chút bất cẩn cũng rất dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ông Tân được em trai chị giúp đỡ từ nhiều năm trước. Khi đó, ông bị tai biến, đi lại khó khăn và thường ngồi ở khu vực Bến xe cũ huyện Chư Sê. Ai cho gì thì nhận nấy. Hàng tháng, nhóm đều đến thăm hỏi và trao tặng ông phần quà gồm các nhu yếu phẩm như gạo, mắm, dầu ăn…

Năm 2021, nhóm kêu gọi Mạnh Thường Quân hỗ trợ xây dựng cho vợ chồng ông 1 ngôi nhà trên diện tích đất được người thân cho mượn. “Ngôi nhà hoàn thành, bàn giao xong thì Vỹ mất. Vợ ông Tân cũng qua đời sau đó. Mỗi tháng, nhóm duy trì hỗ trợ ông 1 phần quà trị giá 300 ngàn đồng và 2 triệu đồng tiền mặt”-chị Phượng chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Phượng (thứ 4 từ trái sang) cùng các thành viên nhóm từ thiện và đại diện địa phương trao nhà tình thương cho chị Kpuih Hyer (làng Koái, xã Ia Blang). Ảnh: P.D

Chị Nguyễn Thị Phượng (thứ 4 từ trái sang) cùng các thành viên nhóm từ thiện và đại diện địa phương trao nhà tình thương cho chị Kpuih Hyer (làng Koái, xã Ia Blang). Ảnh: P.D

Nắm chặt bàn tay nhỏ nhắn của chị Phượng, người đàn ông 64 tuổi nói những lời biết ơn: “Tôi như chết đuối vớ được cọc. Nhờ có nhóm từ thiện Tâm Đức, tôi mới có nơi để ở và có cuộc sống như hiện nay. Tôi trân trọng từng món quà, từng đồng tiền mỗi tháng nhóm hỗ trợ và chi tiêu rất tiết kiệm”.

Ông Nguyễn Văn Khôi-Chủ tịch UBND xã Ia Blang: Từ khi thành lập đến nay, nhóm từ thiện Tâm Đức đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, giúp đỡ người dân trên địa bàn xã và một số địa phương lân cận. Từ năm 2015 đến nay, ngoài tặng quà cho hộ nghèo, tại xã, nhóm còn kết nối với các nhà hảo tâm làm cầu dân sinh, khoan giếng nước và xây dựng 8 ngôi nhà tình thương cho hộ nghèo. Đối với cá nhân chị Phượng, cuối năm 2023, xã đã ghi nhận, tặng giấy khen vì có nhiều đóng góp tích cực vào các phong trào, hoạt động của địa phương.

Rời nhà ông Tân, chị Phượng lại tất tả đến làng Koái (xã Ia Blang) kiểm tra công trình “Nhà tình thương” trước khi bàn giao cho chị Kpuih Hyer.

Nhìn theo dáng đi vội vàng của chị, tôi tự hỏi, người phụ nữ ấy lấy đâu ra nhiều năng lượng tích cực đến vậy. Gặp ai, chị cũng niềm nở chào hỏi, chuyện trò đôi câu cùng lời động viên chân thành. Được biết, ngôi nhà của chị Hyer là công trình thứ 2 trong năm 2023 nhóm đứng ra kêu gọi, vận động các Mạnh Thường Quân hỗ trợ kinh phí để xây dựng.

Thay em gái tiếp chuyện khách, bà Kpuih May cho biết: “Nhà cũ bị sập, bà con trong làng thương tình đến giúp dựng lại cho 2 mẹ con Hyer ngôi nhà tạm bằng tôn. Nhà tạm nên mỗi khi mưa lớn phải sang trú nhờ nhà người thân. Nhà đó giờ tận dụng làm bếp. Đứa con cũng đã lấy vợ, ở rể trong xã Ia Le (huyện Chư Pưh), giờ Hyer sống một mình. Mình mừng cho em gái. Dân làng cũng mừng nên khi xây nhà, có nhiều người đến giúp đỡ”. Sau hơn nửa tháng xây dựng, ngôi nhà của chị Hyer đã hoàn thành với 1 phòng khách, 1 phòng ngủ.

Chị Phượng cho biết, nhóm đã kêu gọi, vận động được 50 triệu đồng để làm ngôi nhà này. Tuy nhiên, do tận dụng nhà cũ làm bếp lại được sự hỗ trợ nhiệt tình của dân làng tham gia ngày công phụ đổ đất nên tổng chi phí xây dựng chưa đến 50 triệu đồng. Số tiền còn lại, nhóm mua sắm thêm các vật dụng sinh hoạt, giúp chị Hyer ổn định cuộc sống.

Đối với mỗi trường hợp, khi tiếp nhận thông tin, chị đều trực tiếp đến tận nơi khảo sát tình hình thực tế trước khi viết bài đăng trên Facebook, Zalo để kêu gọi hỗ trợ. Chị luôn tâm niệm, nhóm đóng vai trò kết nối và kết nối được đến đâu, giúp đỡ được những ai thì còn tùy thuộc vào chữ duyên. Và sự giúp đỡ của các Mạnh Thường Quân dù ít hay nhiều, nhóm đều rất trân trọng và luôn công khai, minh bạch. Có lẽ vì vậy mà hoạt động của nhóm ngày càng tạo được sức lan tỏa, giúp đỡ được nhiều người. Tháng 4-2023, nhóm đã kêu gọi được trên 64 triệu đồng, kịp thời giúp đỡ em Đặng Thanh Hoàng (SN 2002, thôn 1, xã Ia Blang) chuyển viện điều trị bệnh lao phổi và bệnh tim bẩm sinh.

“Mỗi tháng, gia đình đều đưa em ra Bệnh viện Trung ương Huế để khám, điều trị. Mỗi lần như thế, chỉ riêng tiền đi lại, ăn uống cũng hết 5-6 triệu đồng. Trong lúc bệnh tình em chuyển nặng cần chuyển viện điều trị gấp, kinh tế gia đình lại khó khăn, may có nhóm từ thiện Tâm Đức đứng ra giúp đỡ, gia đình rất biết ơn. Hiện tại, sức khỏe của em đã tạm ổn được xuất viện về nhà tiếp tục uống thuốc theo chỉ định”-anh Đặng Thanh Ngọc-anh trai của Hoàng-bày tỏ.

Ngoài nồi cháo tình thương, mỗi tháng, nhóm duy trì hỗ trợ 10 suất quà cho 10 hộ nghèo, người thường xuyên đau ốm, bệnh tật… Hàng năm, nhóm vận động xây dựng từ 2 đến 3 “Nhà tình thương” giúp đỡ hộ nghèo, khó khăn về nhà ở trên địa bàn xã và các địa phương lân cận.

Cụ thể, năm 2022, nhóm khởi công xây dựng, bàn giao 2 nhà ở các huyện Chư Prông, Chư Pưh và Chư Sê. Mỗi ngôi nhà trị giá 50-60 triệu đồng. Riêng về các suất quà, hiện nay, 4 Mạnh Thường Quân thường xuyên hỗ trợ kinh phí để nhóm duy trì việc trao tặng 10 suất quà mỗi tháng. Trong đó có 3 trường hợp đặc biệt là người già neo đơn không nơi nương tựa, người tàn tật, nhóm tặng mỗi người phần quà trị giá 300 ngàn đồng và 2 triệu đồng tiền mặt; 7 trường hợp khác, mỗi người là suất quà trị giá 300 ngàn đồng và 100 ngàn đồng tiền mặt. Mặt khác, nhóm còn vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ những hoàn cảnh không may bị tai nạn, bị bệnh hiểm nghèo cần kinh phí điều trị.

“Nếu đủ duyên, mình sẽ tiếp tục kết nối để giúp đỡ nhiều hơn nữa những hoàn cảnh khó khăn, duy trì việc trao tặng quà đến các em học sinh nghèo vượt khó, giúp các em có thêm động lực vươn lên trong học tập”-Trưởng nhóm từ thiện Tâm Đức cho biết thêm.

Rate this post

More articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Latest article