33.3 C
Chư Sê
Thứ Bảy, Tháng Năm 4, 2024

AgriS Gia Lai gắn bó với vùng nguyên liệu mía Đông Nam tỉnh

Must read

Năm nay, mía vừa được mùa, vừa được giá nên bà con nông dân có nguồn thu nhập ổn định. Đây là kết quả của sự gắn kết giữa Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai (AgriS Gia Lai) với hàng ngàn hộ trồng mía từ nhiều năm nay.

Mùa vui của người trồng mía

Bà Vũ Thị Lan-Chủ tịch Hội đồng Quản trị AgriS Gia Lai-chia sẻ: “Sau nhiều năm gắn bó với vùng đất Gia Lai, đến nay AgriS Gia Lai đã mang đến sức sống mới cho vùng nguyên liệu mía ở 4 huyện, thị xã phía Đông Nam Gia Lai và vùng lân cận như: Hbông (huyện Chư Sê), Ea H’leo (tỉnh Đak Lak)”.

AgriS Gia Lai không ngừng mở rộng vùng nguyên liệu mía để đảm bảo phục vụ công suất ép của nhà máy hiện nay là 7.000 tấn mía cây/ngày và hướng đến 8.000 tấn mía cây/ngày trong vụ ép 2024-2025.

Ngoài ra, chú trọng cung cấp những giống mía có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khu vực Đông Nam tỉnh, những năm qua, AgriS Gia Lai đã có nhiều chính sách đầu tư không hoàn lại cho nông dân từ khâu trồng, chăm sóc, tưới tiết kiệm nước, cơ giới hóa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trên cây mía để nâng cao năng suất, chất lượng.

Đặc biệt, AgriS Gia Lai đã ký hợp đồng bảo hiểm giá mía tối thiểu nhằm đảm bảo lợi nhuận cho nông dân. Đây là một trong những quyết sách đúng đắn của AgriS Gia Lai để đảm bảo ,

Thu hoạch mía tại xã Hbông, huyện Chư Sê. Ảnh: B.T

Thu hoạch mía tại xã Hbông, huyện Chư Sê. Ảnh: B.T

Theo thông tin từ AgriS Gia Lai, vụ ép 2023-2024, vùng nguyên liệu của đơn vị tại 4 huyện, thị xã vùng Đông Nam Gia Lai và vùng lân cận đạt hơn 14.000 ha, cao nhất từ trước đến nay.

Thời tiết trên địa bàn Gia Lai thuận lợi cho cây mía sinh trưởng và phát triển, sâu bệnh gây hại được khống chế nên năng suất mía bình quân trong vùng nguyên liệu đạt 80 tấn/ha. Đây được xem là một trong những vùng nguyên liệu mía có năng suất cao nhất cả nước hiện nay. Nhờ đó, người trồng mía có thu nhập bình quân 40-50 triệu đồng/ha.

Trong niềm vui phấn khởi vì mía được mùa, được giá, bà Lê Thị Gấm (thôn Ia Sa, xã Hbông) thông tin: Từ khi cây mía hiện diện trên đất Hbông đã thay đổi nhận thức trong phát triển kinh tế của người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hộ chủ động liên kết với AgriS Gia Lai chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.

Ngoài ra, cây mía đã giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động người dân tộc thiểu số. Trong vụ thu hoạch này, nếu gia đình có 2 vợ chồng cùng đi chặt mía tại Hbông thì mỗi ngày có thu nhập 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng.

“Tết năm nay không chỉ chủ mía vui mà người dân lao động tại địa phương cũng vui vì có nguồn thu nhập cao. Riêng tôi có gần 60 ha mía, trong đó 45 ha cho thu hoạch với năng suất bình quân ước đạt 90 tấn/ha.

Với giá thu mua của AgriS Gia Lai như hiện nay, ước tính cuối vụ thu hoạch trừ chi phí lợi nhuận ước đạt trên 2 tỷ đồng từ cây mía để đón một cái Tết vui vẻ, đầm ấm là điều rất đáng mừng”-bà Gấm chia sẻ.

Cơ giới hóa khâu thu hoạch tại vùng nguyên liệu của AgriS Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Lê

Cơ giới hóa khâu thu hoạch tại vùng nguyên liệu của AgriS Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Lê

Để đảm bảo thu hoạch kịp thời mía chín ở các địa phương, từ đầu vụ ép, AgriS Gia Lai đã chủ động tìm kiếm, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại chỗ và các tỉnh lân cận.

Bên cạnh đó, đơn vị sử dụng 3 máy thu hoạch hoạt động liên tục trong những vùng quy hoạch canh tác bằng cơ giới 100% để kịp thời vận chuyển mía về nhà máy. Việc sử dụng máy gắp mía để thay thế nhân công lao động đã tăng hiệu suất công việc, giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên một diện tích đất trồng mía.

Trong xu thế hội nhập thị trường mía đường thế giới, chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, những năm gần đây AgriS Gia Lai cũng không đứng ngoài cuộc với các chính sách đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu theo quy hoạch hợp tác liên kết phát triển bền vững cùng nông dân các địa phương.

AgriS Gia Lai đã tiên phong chuyển đổi số khi sử dụng hệ thống quản lý nông nghiệp FRM quản lý từng lô, thửa mía nhằm kiểm soát thông tin về ngày trồng, giống mía, chất đất từng vùng…

Từ đó, đơn vị có giải pháp hướng dẫn kỹ thuật giúp hộ trồng mía chăm sóc, quản lý tốt hơn và chủ động trong thu hoạch. Sử dụng phần mềm TMS để kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động thu hoạch, xe vận chuyển.

“Việc không ngừng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía tại các huyện, thị xã vùng Đông Nam Gia Lai và vùng lân cận là yêu cầu tất yếu nhằm gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp.

Vì vậy, AgriS Gia Lai luôn đồng hành, hợp tác chặt chẽ với người trồng mía, đảm bảo hài hòa lợi ích 2 bên. Chúng tôi rất hy vọng cây mía sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định bình quân 40-50 triệu đồng/ha”-Chủ tịch Hội đồng Quản trị AgriS Gia Lai thông tin thêm.

Doanh nghiệp vì cộng đồng

Cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh, những năm gần đây, AgriS Gia Lai luôn đồng hành cùng chính quyền địa phương trên vùng nguyên liệu trong các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội, ủng hộ các quỹ khuyến học, quỹ “Vì người nghèo”, tổ chức Tết Trung thu, tặng quà nhân ngày khai giảng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… Riêng năm 2023, số tiền Công ty ủng hộ các địa phương là hơn 200 triệu đồng.

Ngoài ra, trong năm 2023, AgriS Gia Lai còn tổ chức thành công hội thao quy tụ hơn 400 vận động viên từ các tỉnh, thành phố như TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Tây Ninh và các nước lân cận như Lào, Singapore… góp phần thúc đẩy phong trào rèn luyện thể dục thể thao trong cán bộ, công nhân viên Công ty và người dân trên địa bàn.

Cùng với đó, AgriS Gia Lai còn thực hiện tài trợ cho nhiều hoạt động thể dục thể thao trong tỉnh như: tài trợ Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023 số tiền 50 triệu đồng và hiện vật trị giá hơn 20 triệu đồng; tài trợ Giải Việt dã thị xã Ayun Pa lần thứ I-2023 với 400 chai nước suối, tặng 1 chiếc xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Lãnh đạo AgriS Gia Lai trồng cây xanh trong vùng nguyên liệu. Ảnh: B.T

Lãnh đạo AgriS Gia Lai trồng cây xanh trong vùng nguyên liệu. Ảnh: B.T

Với dây chuyền sản xuất được đầu tư và hoàn thiện hàng năm, nhà máy hoạt động ổn định công suất ép 7.000 tấn mía cây/ngày, AgriS Gia Lai đã sản xuất nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao, được các khách hàng lớn như Vinacafe, Mondelez Kinh Đô, Masan… tin dùng nhiều năm qua.

Công ty đã được các cơ quan chuyên môn chứng nhận đạt tiêu chuẩn hệ thống FSSC 22000, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015, ISO 9001:2015. Khói thải, nước thải của nhà máy được quản lý chặt chẽ, đúng quy định thông qua hệ thống quan trắc khí thải và quan trắc nước thải tự động.

Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường luôn được nâng cao trong mỗi cán bộ, nhân viên và hướng đến tiêu chí xanh-sạch-thân thiện với môi trường.

Nổi bật hưởng ứng Chương trình trồng “10 triệu cây xanh-Kiến tạo tương lai xanh” của Công ty cổ phần Thành Thành Công-Biên Hòa (TTC AgriS, HOSE: SBT), trong đó AgriS Gia Lai là công ty thành viên cùng hiện thực hóa cam kết phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2035, năm 2023, AgriS Gia Lai cam kết hỗ trợ các địa phương trong vùng nguyên liệu triển khai trồng 1 triệu cây xanh trong khuôn viên nhà máy và các khu vực trên vùng nguyên liệu với các loại cây như keo lai, giáng hương, sao đen… phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng.

Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực hưởng ứng Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

“Đây là hoạt động nhằm làm tăng độ phì nhiêu của đất và đóng góp một phần vào việc trồng cây gây rừng tại các địa phương. Đặc biệt, qua đây, AgriS Gia Lai hướng đến mục tiêu trở thành doanh nghiệp nông nghiệp xanh phát triển bền vững”-Chủ tịch Hội đồng Quản trị AgriS Gia Lai chia sẻ.

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị AgriS Gia Lai, những năm qua, AgriS Gia Lai luôn phối hợp tốt và đồng hành cùng chính quyền địa phương trong hoạt động sản xuất. Trong đó, triển khai nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ nông dân các địa phương phát triển cây mía theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, Công ty cũng tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội do chính quyền địa phương phát động.

Rate this post

More articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Latest article