Tại huyện Chư Pưh (Gia Lai) đang xuất hiện tình trạng thương lái lén lút thu mua rễ cây tiêu với giá 10.000-15.000 đồng/kg rễ khô.
Nhiều người dân đã đến các vùng tiêu vừa bị dịch bệnh chết để đào gốc lấy rễ bán. Điều đáng nói là đa số các dịch bệnh khiến tiêu chết với diện tích lớn tại huyện Chư Pưh thời gian gần đây xuất hiện từ rễ loại cây này. Sau khi hồ tiêu chết, các mầm bệnh vẫn lưu trú tại gốc, rễ của cây nếu như không được xử lý dịch triệt để.
Diện tích hồ tiêu chết do dịch bệnh của huyện Chư Pưh từ năm 2015 đến nay khoảng 320 ha. Trước đó, người dân vẫn để tiêu chết tại vườn, không nhổ bỏ và xử lý qua phần đất nền để tiếp tục tái canh một số loại cây công nghiệp khác.
Tuy nhiên, khi nghe thông tin có thương lái thu mua rễ hồ tiêu, nhiều người dân đã về vườn nhà đào gốc lấy rễ bán, thậm chí còn đến những diện tích hồ tiêu chết của hộ khác đào bới gây nguy cơ lây lan mầm bệnh cho cây trồng.
Trước thông tin rễ hồ tiêu được thu mua để bán cho người Trung Quốc và tái chế, trộn vào phân bón bán lại cho người dân nhằm phát tán, lây lan dịch bệnh, ông Lê Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Ia Le cho biết, khi làm việc với cán bộ xã, các hộ thu mua không thừa nhận mua rễ tiêu để bán cho người Trung Quốc mà mua về đề đun lửa. Vụ việc đã được chính quyền báo cáo lên Công an huyện Chư Pưh để cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ.
Ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai xác nhận có tình trạng thu mua rễ hồ tiêu ở Gia Lai nhưng chưa thể khẳng định có phải là do người Trung Quốc thu mua hay không và để làm gì. Trước đây, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã có nhiều khuyến cáo đến các địa phương về vấn đề này.
Hơn một tuần nay, tại xã Ia Le và xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh xuất hiện nhiều thương lái thu mua rễ cây hồ tiêu. Tuy nhiên, khi phóng viên xuống tìm hiểu thông tin thì những hộ thu mua này cho biết đã ngừng thu mua vì chính quyền xã đã đến khuyến cáo tình trạng lây lan dịch bệnh khi thu mua, đào bới rễ cây hồ tiêu chết.
Chị Lê Thị Phượng, một cơ sở thu mua rễ hồ tiêu tại thôn Thủy Phú, xã Ia Le cho biết, một thương lái tại huyện Chư Sê đến khoán tiền trước cho các cơ sở thu mua nhỏ lẻ tại xã và hẹn ngày đến bốc hàng. Tuần vừa rồi, chị đã thu mua được khoảng vài tạ rễ tiêu để bán lại cho người này. Việc thu mua rễ để làm gì, chuyển đi đâu thì không rõ.
Anh Nguyễn Văn Quảng, thôn Thiên An, xã Ia Blứ cho biết, việc thu mua rễ tiêu mấy ngày qua cũng gây xôn xao trong thôn, bà con đổ xô đi đào rễ tiêu bán. Anh Quảng cũng đào bán được mấy triệu đồng tiền rễ tiêu từ vườn nhà mình và xin từ các vườn tiêu chết khác.
Còn anh Lê Văn Phương, thôn Thiên An, xã Ia Blứ cho hay, vì vườn tiêu ở xa nhà nên người dân tự ý vào nhổ rễ hồ tiêu, gia đình không kiểm soát được. Vườn tiêu của anh bị người ta cày cuốc tan nát, nhiều hố to như hố bom, họ đào xong nhưng không lấp lại.
Liên quan đến việc thu mua rễ hồ tiêu ngay tại vùng có diện tích hồ tiêu chết vì dịch bệnh lớn nhất tỉnh Gia Lai tiềm ẩn nguy cơ phát tán dịch bệnh, trước đó, tháng 2/2018 tại thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pứh (Gia Lai) ngành chức năng phát hiện khoảng 500 kg rễ hồ tiêu do người Trung Quốc đến đây thu mua nhưng chưa kịp đưa đi khỏi địa phương.
Sau khi phát hiện vụ việc, năm 2016, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh Gia Lai và UBND các huyện yêu cầu “Kiểm tra, đề xuất xử lý việc thương lái Trung Quốc thu mua rễ hồ tiêu tại Gia Lai” nhằm ngăn chặn việc phá hoại sản xuất của người dân và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Tiếp đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai đã có văn bản “Cảnh báo tình hình thu gom rễ hồ tiêu không rõ mục đích trên địa bàn tỉnh Gia Lai” gửi đến các huyện, thành phố và Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật.
Qua đó, đã ngăn chặn được tình trạng thu mua rễ tiêu chết tại các địa phương đã xảy ra dịch bệnh. Mặt khác, việc hướng dẫn tuyên truyền của cơ quan chức năng cũng góp phần hướng dẫn cho người dân tự xử lý thân, gốc rễ tiêu đã chết, gom đốt hạn chế lây lan dịch bệnh, xới xáo đất để có kế hoạch sử dụng đất hợp lý.
Tuy nhiên, khi chưa rõ mục đích, động cơ của các đối tượng thu mua rễ hồ tiêu, chính quyền cũng chỉ dừng lại ở khâu tuyên truyền, khuyến cáo.
Ông Nguyễn Long Khánh – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pứh cho rằng, việc thu mua rễ hồ tiêu của người dân rất khó quản lý, chỉ dừng lại ở mức khuyến cáo họ không nên đào xới đất để lấy rễ hồ tiêu vì sẽ làm lây lan mầm bệnh sang vùng khác. Do pháp luật không cấm nên không thể xử lý người bán lẫn người mua./.
Hồng Điệp/TTXVN