Thứ Ba, Tháng Chín 3, 2024
27 C
Chư Sê

Chia sẻ với các bạn mới trồng tiêu

Bài viết chia sẻ với các bạn mới trồng tiêu làm quen với nghề trồng tiêu, loại cây trồng “khó tính khó nết” rất mẫn cảm với dịch bệnh. Bài viết còn là tri thức và kinh nghiệm của một người và một đời trồng tiêu muốn san sẻ với cộng đồng chư sê 24h.

Theo tôi những người trồng tiêu được vài ba năm có thể gọi là những người mới trồng tiêu. Vì khi cây tiêu đi vào kinh doanh, thường từ 5 tuổi trở lên, mới cho thu hoạch đáng kể.

Trong thời gian kiến thiết cây tiêu ít gặp bệnh tật, thế nên mọi người mới chủ quan, mải mê chạy theo năng suất, chứ ít quan tâm tới việc phòng, chữa bệnh cho cây.

Gần đây tôi thường nhận được nhiều cuộc gọi của nhiều bạn ở những tỉnh trọng điểm trồng tiêu thú nhận rằng: “Từ trước đến giờ tiêu không bị bệnh nên không biết đường chữa”. Nay thì bệnh chết nhanh đã lây lan thành dịch khắp vườn, cứ mỗi ngày chết vài cây… lo quá! Hoang mang, bối rối, bi kịch cuộc đời từ đây. Lẽ thường “có bệnh thì vái tứ phương”. Thế là cuống lên, ai chỉ sao thì làm vậy, thuốc này thuốc nọ, phun phun, xịt xịt… Cuối cùng thì tiền mất tật mang, tiêu chết cứ chết, đất bị ngộ độc, người thì “tẩu hỏa nhập ma” . Phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, câu nói cửa miệng còn “xưa hơn Diễm” vẫn có giá trị muôn đời.
Ngay từ khi đào hố, làm bồn thì cũng chính cái bồn đó sẽ chôn vùi sự nghiệp trồng tiêu của mình.

Có bạn băn khoăn, nếu không làm bồn thì cho phân tưới nước như thế nào? Chẳng phải lo lắng gì cả, nên đắp đất lên gốc tiêu theo hình mu rùa, ngăn chăn nước đọng vào vùng cổ rễ tiêu. Nhu cầu nước cho cây tiêu không nhiều như café, chôm chôm… Vào mùa nắng nếu không lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, có thể tưới tràn. Tiêu mới trồng chỉ nên vét sơ thành cái bồn nhỏ. Lưu ý khi làm bồn là kéo đất bên ngoài vào, không nên vét đất bên trong gốc tiêu ra. Khi bón phân thì tưới nước, rê vòi lướt qua các bồn, nhanh tay tưới qua lại vài lần không để nước ngập bồn, phân sẽ tan mà không lo trôi mất.

Các nhà sản suất phân bón thường hướng dẫn lượng phân bón cho cây hằng năm, bón định kỳ chứ không hướng dẫn cho ta nhận biết khi nào cây cần phân. Chúng ta phải biết quan sát lá cây. Vườn cây phát triển tốt là bộ lá phải xanh bóng, mỡ màng, không tì vết, lúc nào cũng có đọt non…

Bón phân lúc nào là hợp lý, muốn biết thì thường xuyên kiểm tra bộ rễ. Công việc này tôi thường nói vui là “3 trong 1”. Một là kiểm tra nấm bệnh, thường thì các vết thâm đen xuất hiện nơi cổ rễ, hai là kiểm tra rệp sáp, ba là theo dõi khi nào cây có nhu cầu về dinh dưỡng. Khi cần phân, tự cây sẽ cho ra bộ rễ cám (rễ trắng), các rễ này có nhiêm vụ hút phân. Không có bộ rễ này mà chúng ta cứ cho phân thì hiệu quả sẽ không như mong muốn. Ví như trời nắng mà phun phân bón lá, lúc ấy các lỗ khí khổng đã khép lại thì cây làm sao hấp thụ được dinh dưỡng. Rễ cây mà không hấp thụ được phân thì một phần sẽ thẩm thấu gây ô nhiễm mạch nước ngầm, một phần bốc hơi trong không khí góp phần vào hiện tượng mưa a xít, và lãng phí.

Tôi có hai anh bạn năm nay gần 60 tuổi, một anh sử dụng phân gà, một anh sử dụng phân cút không ủ hoai, không xử lý mầm bệnh. Sau 2 năm bỏ ra hằng trăm triệu đồng để chữa bệnh mà tiêu vẫn rụng như lá mùa thu, giờ thì đành rưng rưng “tiễn em lên đường”. Gần đây có anh bạn trẻ alo cho tôi: “lá, trái rụng quá làm sao đây anh?” Năm lần bảy lượt như thế, gặng hỏi để tìm ra nguyên nhân thì “tiêu em làm bồn và cho phân bò tươi”. Ôi thôi! Cứ thuốc này thuốc nọ chạy theo nó thì e rằng lại “tiền ra như nước sông Đà…” Mong các bạn đừng theo bước chân hai anh bạn già của tôi.

Chúng ta nên tập cho mình thành thói quen ghi chép cẩn thận, chi tiết, những việc làm của mình như bón phân, làm bông và xử lý dịch bệnh, làm tài liệu lưu trữ cho mình để rút kinh nghiệm cho những lần sau. Xây dựng cho mình quy trình chăm sóc, quản lý dịch bệnh.
Hãy chọn cho mình nhà sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật uy tín để “trao thân gửi phận”. Có những cty sản xuất phân, thuốc trọn bộ, thuốc thì từ làm bông đến xử lý các loại bệnh, phân thì nên chọn loại hữu cơ vi sinh, trong phân hữu cơ vi sinh có những vi sinh vật có ích giúp cho rễ cây hấp thụ phân bón tốt hơn. Nên phun phân bón lá định kỳ để cung cấp trung, vi lượng cho cây, và có thể phối hợp với thuốc ngừa bệnh trong các lần phun. Tốt nhất là nên phối hợp các loại phân, thuốc của cùng một cty, như thế an toàn hơn. Trường hợp phối hợp thuốc giữa hai cty khác nhau thì phải có sự hướng dẫn cẩn thận. Cách đây vài hôm có một bạn nhỏ ở Dốc Mơ băn khoăn: mình sử dụng phương pháp vô cơ kết hợp hữu cơ thì nấm tricoderma làm sao tồn tại được? Vấn đề là ở chỗ đó. Làm cách nào mà đừng để cho tay phải sanh, dưỡng còn tay trái thì hủy, diệt. Điều này cũng làm rất nhiều người băn khoăn và ngạc nhiên vì chưa thấy ai đặt vấn đề, thế nên tôi mới khuyên nên pha trộn các loại thuốc với nhau của cùng một cty, vì có loại thuốc sinh học cũng trị được nấm bệnh mà không làm ảnh hưởng đến tricoderma.

Mỗi vùng, miền có thời tiết khác nhau, nhất là trong thời điểm hãm nước làm bông, không nên cứng nhắc, nương theo trời đất mà làm. Thí dụ năm ngoái phun kích thích ra hoa vào ngày 20/4 nhưng năm nay mưa muộn hơn thì phun vào ngày 2/5, nên uyển chuyển theo thời tiết. Nhìn Trời nhìn Đất mà làm chứ chẳng chống Trời được đâu. Nhà nông còn phụ thuốc rất nhiều vào thời tiết, như năm nay cơn bão số 1 nhiều người không biết “đánh thức miên trạng”của cây tiêu nên tiêu ra nhiều lá, ít bông, làm không ít nhà vườn điêu đứng.
Không dễ dàng gì mà chỉ trong một sớm một chiều thuyết phục được mọi người chuyển hướng, từ lối canh tác vô cơ theo hướng hữu cơ sinh học, thế cho nên tôi rất cách dùng từ của anh Tinh trần Ba “từ từ cai nghiện hóa học”(người đã thấy được hậu quả của việc lạm dụng hóa học). Nếu bạn nào chưa tin vào hướng canh tác hữu cơ sinh học thì nên chia vườn tiêu của mình thành 3 lô để tự kiểm nghiệm,1 lô canh tác hướng vô cơ, 1 lô canh tác hướng vô cơ kết hợp hữu cơ và 1 lô chuyên canh tác hữu cơ. Theo dõi, so sánh từ 2-3 năm để đánh giá hiệu quả, lựa chọn cho mình một con đường đi.

Một khi đã tìm được giải pháp cho mình rồi thì tình thần thoải mái, nhẹ nhàng. Vườn tiêu mỗi năm chết vài cây là chuyện bình thường, không lo dịch bệnh lây lan. Cuộc đời làm vườn của tôi mấy mươi năm sử dụng thuốc hóa học, nghĩ lại sợ quá, giờ thì mơ ước một ngày nào đó trên bao bì của một số loại thuốc có dòng chữ “sử dụng sản phẩm này có thể gây bịnh ung thư”… để mọi người biết mà cân nhắc trong việc làm của mình.

Từ đầu mùa mưa đến giờ mải mê vật lộn với con rệp sáp, lũ bất lương đó cứ chực chờ nhảy vào cắn phá rễ tiêu, nay đã tìm được cách đối phó bằng biện pháp sinh học. Hy vọng một ngày gần đây sẽ viết được một bài với cái tựa Rệp Sáp tên vô lại.

Chúc các bạn sức khỏe hạnh phúc.

Đọc nhiều

Phiên bản quân sự của xe điện Cybertruck, chống được đạn súng máy

Unplugged Performance, công ty chuyên nâng cấp xe Tesla, vừa...

Tin đồn mới về thông số camera của iPhone 16 Series: có thêm định dạng JPEG-XL

Tin đồn về iPhone 16 Series càng ngày càng nhiều và...

AMD Ryzen 9000X3D sẽ “hạ cánh” tại triển lãm CES 2025?

Những lựa chọn vi xử lý Ryzen 9000 Series trang bị công...

Cách tắt tính năng gây khó chịu trên iPhone: Contact Sharing

Nếu anh em đã cập nhật iPhone của mình lên iOS 17 thì...

Related Articles

Popular Categories

spot_imgspot_img
MessengerEmail