Sông suối khô hạn, hồ “chết”
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum, hiện tại tình trạng khô hạn, thiếu nước đã bao trùm hơn 1.266ha diện tích sản xuất, trong đó thành phố Kon Tum thiệt hại nặng nhất với hơn 400ha cây trồng bị ảnh hưởng. Còn tại tỉnh Gia Lai, tổng diện tích cây trồng bị hạn khoảng 12.000ha và ước tính thiệt hại trong vụ đông xuân 2015-2016 là gần 100 tỷ đồng. Trong khi đó, các hồ chứa thủy lợi hiện đang dần cạn kiệt, không đáp ứng được nhu cầu cấp nước phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt cho người dân. Riêng tại Kon Tum có 8 công trình thủy lợi không còn đủ nước cấp; Gia Lai chỉ có 8/12 hồ chứa tích đủ nước, số còn lại thiếu nước nghiêm trọng.
Ông Nay Hiếu, Trưởng thôn Plei DjRiếk (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, Gia Lai) cho biết, năm nào cũng huy động đồng bào đi nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy nhưng rồi vẫn khô hạn. Chủ yếu bà con trồng hồ tiêu dựa vào nguồn nước từ sông, suối để tưới rẫy chứ hệ thống kênh mương không phát huy hiệu quả. Khi khô khát, người dân tự đào giếng lấy nước, mua nước tưới chứ không thể trông chờ vào hệ thống thủy lợi. Ngoài ra, các biện pháp chủ động chống hạn khác cũng chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Nhận thức tình trạng khô hạn còn kéo dài trong nhiều năm tới, chính quyền các cấp tỉnh Gia Lai đã thực hiện nhiều biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng có khả năng chịu hạn. Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết, đã thực hiện chuyển đổi nhiều năm qua nhưng không có hiệu quả. Bởi chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng cần phải có thời gian thích nghi, đầu tư nguồn vốn, kỹ thuật. Lâu nay, tập quán của người Gia Rai ở Chư Pưh đã quen trồng hồ tiêu, nay bảo chuyển đổi sang trồng ngô, trồng bầu,… khiến nhiều người ngần ngại.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Pưh, được biết trong đợt hạn hiện tại, hệ thống thủy lợi của huyện không thể cung cấp nước cứu cây trồng, phải viện đến hồ thủy lợi Ia Glai của huyện Chư Sê mới cứu được 70ha lúa. Còn với những diện tích hồ tiêu, cây trồng chủ lực của huyện thì đã xuất ngân sách khoảng 1 tỷ đồng hỗ trợ người dân tiền xăng dầu máy móc, động viên những gia đình có giếng còn nước chia sẻ cho những bà con lân cận sử dụng để tránh một vụ mùa thất bát. Ông Khanh cho biết thêm, tình hình hạn hán sẽ được chủ động ứng phó trong những năm sau, bởi hiện tại huyện đang được đầu tư xây dựng một hồ thủy lợi với sức chứa khoảng 6 triệu mét khối nước để phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt.
Các tỉnh Bắc Tây Nguyên cũng đang đối mặt với nguy cơ cháy rừng rất cao do hạn hán kéo dài. Diện tích rừng dễ cháy toàn tỉnh Kon Tum hiện tại là gần 160 nghìn héc ta, chiếm 26,4% đất có rừng.
Tại Gia Lai, diện tích rừng có nguy cơ cháy cao chiếm khoảng 40% của hơn 700 nghìn héc ta rừng toàn tỉnh. Dự báo từ nay đến hết mùa khô cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn Gia Lai và Kon Tum có nơi có thể lên đến cấp V (mức cực kỳ nguy hiểm).
Ông Nguyễn Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão Gia Lai cho biết, các huyện trong tỉnh đều có công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu chống hạn nhưng hiện các sông, suối đã khô cạn, không thể cung cấp cho các đập dâng trữ nước. Mực nước các hồ thủy lợi trên địa bàn đều thấp hơn cùng kỳ năm trước, một số hồ ở khu vực phía Đông, Đông nam tỉnh dung tích hiện tại thấp hơn nhiều so với dung tích thiết kế. Nhiều huyện có địa hình đồi núi phức tạp nên một số khu vực không có công trình thủy lợi, người dân phải tự đào giếng khoan lấy nước tưới tiêu, sinh hoạt.
Phải thay đổi tập quán canh tác
Đứng trước tình hình hạn hán đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cũng như sản xuất của người dân, cơ quan chức năng các tỉnh khu vực Tây Nguyên đang gấp rút thực hiện những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Ông Nguyễn Văn Lương cho biết, tại các khu vực không có hoặc cách xa công trình thủy lợi buộc phải dựa vào nguồn nước tại chỗ, nước hồi quy từ các công trình thủy lợi. Tại những nơi này sẽ đề xuất chi ngân sách hỗ trợ người dân sử dụng máy móc tại chỗ để chống hạn và phục vụ sinh hoạt. Đề xuất cho các địa phương không sản xuất nông nghiệp nhằm giảm thiểu thiệt hại, đồng thời hỗ trợ cứu đói cho người dân khi xảy ra hạn hán kéo dài. Những địa phương có các công trình thủy lợi, các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch cấp nước để bảo đảm khai thác hiệu quả, tiết kiệm.
UBND tỉnh Gia Lai đã xây dựng và ban hành kế hoạch phòng chống hạn hán và ứng phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, trong đó đặc biệt ưu tiên những giải pháp dài hạn. Cụ thể, phải xây dựng các kịch bản chống hạn, cập nhật và điều chỉnh liên tục để có những phương án phù hợp với tình hình hiện tại; nhân rộng và áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước như phun mưa, tưới nhỏ giọt… Trong những giải pháp dài hạn, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển dịch thời vụ cây trồng sao cho phù hợp với thực tế được nhấn mạnh, đặc biệt tại các khu vực xảy ra hạn nặng hằng năm.
Còn tại Kon Tum, các đơn vị thủy lợi liên tục bơm tưới cứu diện tích cây trồng còn lại. Đồng thời, các địa phương phải thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình hạn hán, thiệt hại do thiên tai gây ra và đề xuất hỗ trợ chống hạn, cứu đói, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất vùng bị hạn.
Theo ông Lê Thanh Hà – Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Kon Tum, tỉnh đã xác định tình trạng hạn hán trên địa bàn những năm tới ngày càng diễn biến phức tạp, cho nên các phương án cũng như giải pháp đối phó phải có tầm nhìn dài hạn với một cách tiếp cận mới.
Thời gian tới, Kon Tum sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, kiên quyết chuyển đổi những vùng thường xảy ra hạn hán để chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với từng khu vực. Đối với một số vùng xảy ra hạn mà không chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì phải xây dựng phương án chống hạn cụ thể như: Chuẩn bị vật tư, nhân lực, máy móc cũng như tìm nguồn nước để bơm chống hạn. Ưu tiên đầu tư kinh phí sửa chữa các công trình thủy lợi hiện có, đồng thời xây dựng mới một số cụm công trình trọng điểm, đặc biệt các hồ chứa lớn thay thế cho một số đập dâng.
Xác định phòng chống hạn hiện nay là nhiệm vụ trọng tâm, các tỉnh Tây Nguyên, trong đó đặc biệt hai tỉnh đã công bố thiên tai là Gia Lai và Kon Tum đang chung tay cùng người dân gấp rút cứu những diện tích cây trồng còn lại, hạn chế đến mức tối đa thiệt hại. Tuy nhiên, để các giải pháp chống hạn thực sự hiệu quả không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà mỗi người dân cần “tự mình cứu mình” bằng việc nhanh chóng thay đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng những biện pháp tưới tiêu tiết kiệm nước, thay đổi lịch gieo trồng để hạn chế tối đa tác động của hạn hán đến mùa vụ…