Nhiều kết quả nổi bật
Trong năm 2023, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nên đã cơ bản thực hiện tốt việc phòng-chống dịch, các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đều đạt và vượt so với năm 2023; cơ cấu ngành kinh tế được chuyển dịch theo hướng tích cực và đúng Nghị quyết HĐND huyện đã đề ra.
Cụ thể, tổng giá trị sản xuất năm 2023 trên địa bàn huyện thực hiện được hơn 14.759 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), đạt 108,44% so với năm 2022. Trong đó, ngành nông-lâm nghiệp và thủy sản thực hiện trên 4.598 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch huyện giao; ngành công nghiệp-xây dựng gần 5.396 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch huyện giao; ngành thương mại-dịch vụ thực hiện trên 4.765 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch huyện giao.
Năm 2023, UBND huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các xã rà soát, đánh giá thực trạng xây dựng nông thôn mới (NTM) theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, từ đó đề xuất giải pháp thực hiện chương trình đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Đến nay, toàn huyện có 12/14 xã đạt chuẩn NTM; có 1/126 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn làng NTM. Huyện đã hoàn thành quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn tại xã Dun và xã Ia Pal; đang triển khai xây dựng phương án quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư thôn Hồ Nước và triển khai thực hiện nhiệm vụ quy hoạch vùng huyện Chư Sê.
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục được quan tâm. Lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực.
Thị trấn Chư Sê ngày càng khang trang, phát triển. Ảnh: Q.T |
Toàn huyện có 35/49 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, chiếm 71,42%; trong đó, 11 trường mầm non, 10 trường tiểu học, 14 trường THCS. Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành triển khai kịp thời các biện pháp phòng-chống dịch bệnh với tinh thần trách nhiệm cao. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí so với năm 2022.
Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số tồn tại, hạn chế như tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng giá trị sản xuất, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ hộ nghèo… không đạt so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt, tình hình thu ngân sách đạt thấp. Trong năm, huyện chỉ thu được 83,411 tỷ đồng, đạt 67,9% dự toán tỉnh giao và 36,99% dự toán HĐND huyện.
Cụ thể, có 8/12 nội dung thu không đạt tiến độ đề ra. Trong đó, một số khoản thu chiếm tỷ trọng lớn nhưng tỷ lệ thu đạt thấp làm ảnh hưởng đến tiến độ thu chung của huyện như: thu tiền sử dụng đất (chiếm 40,7% tổng thu) chỉ đạt 44% dự toán tỉnh giao và 14,41% dự toán HĐND huyện giao; lệ phí trước bạ (chiếm 17,91% tổng thu) chỉ đạt 64,55%; thuế thu nhập cá nhân (chiếm 17,91% tổng thu) chỉ đạt 74,55%.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thu không đạt là do các vị trí dự kiến có nguồn thu tiền sử dụng đất lớn vẫn chưa thực hiện được việc đấu giá quyền sử dụng đất như: khu dân cư mới đường Nguyễn Tri Phương (Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cũ), khu dân cư xã Dun-Ia Pal…
Quyết liệt triển khai các giải pháp
Trên cơ sở phân tích nguyên nhân những tồn tại, hạn chế cũng như dự báo tình hình thực tế, huyện Chư Sê đã đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm làm cơ sở để thực hiện trong năm 2024.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 10,12%; tổng giá trị sản xuất (theo giá năm 2010) đạt 16.252 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 76,8 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 686,752 tỷ đồng (trong đó, thu ngân sách huyện hưởng theo phân cấp đạt 149,2 tỷ đồng); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,24%; số lao động được giải quyết việc làm 3.000 người; tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch hợp vệ sinh chiếm 97,9%…
Để đạt mục tiêu đề ra trong năm 2024, bên cạnh tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra trong năm 2023, nhất là các chỉ tiêu kinh tế-xã hội không đạt Nghị quyết HĐND huyện đã đề ra, UBND huyện sẽ tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng cường thu hút đầu tư.
Đồng thời, tiếp tục chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và xuất khẩu.
Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất trồng lúa, mì, điều kém hiệu quả sang trồng rau, cây ăn quả, cây dược liệu; triển khai và nhân rộng các mô hình khuyến nông, hỗ trợ phát triển sản xuất có hiệu quả cao; đẩy mạnh công tác phòng-chống dịch bệnh động vật; khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại.
Tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng vật tư nông nghiệp, không để tình trạng thiếu giống, vật tư phân bón hoặc giống vật tư, phân bón kém chất lượng được đưa vào sản xuất, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nên đời sống kinh tế người dân huyện Chư Sê được nâng lên đáng kể. Ảnh: Q.T |
Đặc biệt, huyện tập trung đầu tư phát triển đồng bộ về kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế; trong đó, chú trọng xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp huyện nhằm thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến. Tổ chức lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch làm cơ sở triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng các dự án như năng lượng, chế biến sau thu hoạch, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp tạo lập nguồn thu ngân sách ổn định, lâu dài; đảm bảo khai thác các nguồn thu địa phương một cách hợp lý, tích cực, bền vững từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện. Đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống thất thu nợ đọng thuế ngay từ đầu năm, góp phần nâng dần tỷ lệ tự cân đối, giảm phần bổ sung từ ngân sách cấp trên.
Cùng với đó, triển khai thực hiện có hiệu quả và giải ngân kịp thời nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chú trọng nâng cao năng lực điều hành, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động của hệ thống hành chính các cấp. Thực hiện đồng bộ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành pháp luật.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy và học; đẩy mạnh công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, phấn đấu có 100% trường chuẩn quốc gia vào cuối năm 2024.
Giải quyết kịp thời các chính sách ưu đãi cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định. Đồng thời, triển khai có hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, đấu tranh với các âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, không để xảy ra biểu tình, bạo loạn trong mọi tình huống; giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo tại cơ sở.