Đang nhậu nhẹt vui chơi cùng bạn bè, thậm chí đang đi du lịch nhưng chỉ cần nhấc điện thoại, bấm vài con số là vườn nhà được tưới nước đầy đủ, không phải nơm nớp lo vườn cây bị chết vì thiếu nước. Đó là cách mà anh nông dân thời hiện đại Nguyễn Duy Cơ (thôn 3, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) – đã và đang áp dụng đối với việc tắt, mở tự động hệ thống bơm tưới cho mảnh vườn của mình.
Chỉ một chiếc điện thoại “cùi bắp” cùng bộ điều khiển có giá khoảng 1,5 triệu đồng, giờ đây anh Cơ không phải “đụng tay, đụng chân”, thậm chí cũng chẳng cần phải có mặt mỗi khi tưới nước cho vườn cây.
Tưới tiêu bằng điện thoại
Từ ngày lắp đặt hệ thống tưới nước được kích hoạt tự động bằng điện thoại, anh Cơ đã không còn phải thức khuya, dậy sớm để canh tưới nước cho vườn tiêu và cà phê của mình. Tiện lợi nhất là không phải kéo đường ống, cầm vòi tưới nước, chạy tới chạy lui để bật, tắt cầu dao hay không còn thấp thỏm lo lắng cho vườn tiêu mỗi lúc anh theo công trình đến hàng tháng trời (anh Cơ đồng thời cũng là một chủ thầu-P.V). Giờ đây, chỉ cần nhìn thời tiết, thấy nắng quá thì anh lấy điện thoại ra và bấm số, chỉ trong vài giây là làn nước mát lan tỏa khắp vườn. Khi áng chừng vườn cây đủ nước thì lại lấy điện thoại ra “bấm bấm” là hệ thống nước ngừng tưới.
“Cách vận hành máy bơm rất đơn giản, ở bất kỳ nơi nào có sóng di động thì mình bấm số như gọi điện thoại thôi, khi gọi vào số máy được kết nối với bộ điều khiển sẽ kích hoạt máy bơm nước hoạt động, nước chảy vào hệ thống tưới nhỏ giọt và các béc phun nước. Tôi có đi sang Mỹ thì cũng mở được nước tưới cho vườn mình chứ đừng nói là ở TP. Pleiku”-anh Cơ phấn khởi chia sẻ.
Cũng chính vì sự tiện lợi này mà ông Nguyễn Phú Sáu (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đã “học đòi” làm theo, nhờ anh Cơ hướng dẫn và lắp đặt hệ thống tiện ích tắt mở tự động bằng điện thoại cho vườn nhà mình. “Thấy mấy anh em cứ tắt, mở máy bơm nước bằng điện thoại, tiện quá nên tôi lắp đặt, chi phí cũng chẳng đáng bao nhiêu. Mọi khi tưới là phải có người nhà canh máy, mỗi lần mở hay tắt máy bơm đều phải chạy lên chạy xuống quãng đường 500 mét đến 600 mét, giờ thì chỉ cần lấy điện thoại ra bấm là xong”-ông Sáu cười sảng khoái.
…Đến công nghệ tưới nước tiết kiệm
Áp dụng công nghệ số vào sản xuất hiện được nhiều nông dân trong nước và trên thế giới đang hướng tới. Nhiều nông dân huyện Chư Sê cũng đang “chập chững” bước vào cuộc chơi thú vị này. Điển hình như anh Cơ, khi tiếp cận được công nghệ tưới nước nhờ điện thoại, anh đã mạnh dạn đầu tư hơn 60 triệu đồng để lắp đặt thêm hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ mới, lắp đặt thêm nhiều béc tưới nước tự động để hoàn thiện thêm hệ thống tưới này và ứng dụng ngay trên vườn nhà.
Anh nông dân thời kỹ thuật số chia sẻ: Sử dụng điện thoại để kích hoạt hệ thống bơm tưới giúp anh tiết kiệm được 90% công tưới, 10% còn lại dành cho việc kiểm tra theo dõi xem các thiết bị có bị “trục trặc” gì không. Và cũng nhờ lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt mà vườn tiêu nhà anh không còn bị vàng lá, tươi tốt, ít sâu bệnh hơn mà còn tiết kiệm đủ đường. Cụ thể là tiết kiệm được 60% lượng nước tưới, điện tiêu dùng; tiết kiệm 50% lượng phân bón cho cây, đặc biệt phân thuốc được hòa tan trước khi được hệ thống này phân bố đều đến từng gốc, không sợ bị cháy rễ. Anh Cơ giải thích: Từ bộ phận điều khiển trung tâm, nước được dẫn theo đường ống chính qua hệ thống ống nhánh, rồi theo các ống nhỏ được bố trí xung quanh các gốc cây, khoảng cách mỗi giọt nước chảy ra là 3 cm, phân bón cũng được bổ sung cho cây qua hệ thống này. Giờ làm nông dân như anh, chỉ theo dõi thời tiết rồi bấm điện thoại, canh thời gian và lượng nước vừa đủ cho cây thì lại “alô” tắt nguồn nước.
Theo ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, thì hệ thống tưới nước nhờ kích hoạt bằng điện thoại di động chỉ mới có vài nông dân sử dụng nhưng việc ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt đã được khá nhiều nông dân trên địa bàn xã Ia Pal đầu tư áp dụng. Nhờ đó, người dân tiết kiệm được công tưới, lượng nước tưới. Hơn nữa, bón phân thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt này còn tiết kiệm được lượng phân bón, cây trồng cũng dễ hấp thụ mà không bị tiêu hao. Đất luôn tơi xốp, không bị xói mòn, kết cấu đất không bị phá vỡ, đặc biệt cách tưới này không làm lây lan dịch bệnh hay các bào tử nấm từ nơi này sang nơi khác theo kiểu tưới tràn.