(Chuse24h)- Bên cạnh đổi mới trong công tác tổ chức và đánh giá dự án, Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 10, năm học 2023-2024 còn ghi nhận nhiều ý tưởng sáng tạo, có tính khả thi cao.
Gắn nghiên cứu với thực tiễn
Mang đến cuộc thi Dự án “Nghiên cứu bào chế một số sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh đường hô hấp từ các hoạt chất được tách chiết trong cây đại bi (Blumea Balsamifera)” thuộc lĩnh vực hóa-sinh, nhóm tác giả Nguyễn Việt Hoàng, Đỗ Thị Quỳnh Hương-học sinh lớp 11A1, Trường THPT Chi Lăng (TP. Pleiku) mong muốn có thể góp sức cho công tác phòng ngừa, điều trị các bệnh về đường hô hấp ở người.
Theo 2 em, những năm gần đây, trên thế giới xuất hiện nhiều loại dịch bệnh liên quan đến đường hô hấp, chủ yếu do các loại vi rút, vi khuẩn gây ra. Gần đây nhất, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, làm suy yếu hệ miễn dịch, gây tử vong cho hàng trăm triệu người và hiện vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe con người bởi xuất hiện nhiều biến chủng phức tạp.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Bá Công trao thưởng cho các dự án đạt giải nhất. Ảnh: M.T |
“Qua tìm hiểu, chúng em được biết, tinh dầu chiết xuất từ lá cây đại bi có khả năng chống oxy hóa và kháng khuẩn rất tốt. Trong khi đó, đây là cây dược liệu khá phổ biến ở Gia Lai và các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên nên chúng em đã quyết định thực hiện dự án này. Mục tiêu là tạo ra những sản phẩm từ tinh dầu đại bi nhằm phòng ngừa, hỗ trợ điều trị một số bệnh về đường hô hấp và ức chế được vi rút SARS-CoV-2”-Hoàng cho hay.
Với sự sáng tạo và tính ứng dụng cao, dự án của đôi bạn cùng lớp đã giành giải nhất tại cuộc thi năm nay.
“Sân chơi này đã tạo cơ hội để chúng em được khám phá và phát triển năng lực của bản thân, nhất là niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Chúng em rất vui khi đạt được thành tích cao và sẽ tiếp tục cố gắng hoàn thiện dự án”-Hương bày tỏ.
Cũng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, nhóm tác giả Đồng Tấn Khang (lớp 11A4) và Từ Thị Bảo Thi (lớp 10A4), Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Chư Sê) đã bắt tay thực hiện Dự án “Bít tất kháng khuẩn và khử mùi”.
Thi nêu thực trạng: “Học sinh thường vận động khá nhiều, nhất là trong các tiết học giáo dục thể chất. Suốt quá trình đó, cơ thể sẽ tiết ra nhiều mồ hôi, nhất là ở chân. Môi trường kín (mang tất, đi giày) dẫn đến việc vi khuẩn dễ phát triển và gây mùi. Điều này khiến nhiều bạn cảm thấy mất tự tin trước mọi người. Vì vậy, chúng em đã nảy ra ý tưởng biến những chiếc bít tất thông thường thành bít tất có khả năng kháng khuẩn và khử mùi nhằm tạo sự thoải mái cho người sử dụng”.
Sau khi tìm hiểu và khảo sát trên diện rộng, Thi và Khang đã quyết định chế tạo nano bạc từ dịch chiết của quả mướp đắng và sử dụng nó để phủ lên bít tất. Bởi lẽ, đây là vật liệu có khả năng kháng khuẩn tốt và không gây hại cho sức khỏe con người. Sản phẩm này đã nhận được phản hồi tích cực từ những người trải nghiệm cũng như Hội đồng giám khảo cuộc thi.
Hai em Đồng Tấn Khang (bìa phải) và Từ Thị Bảo Thi (Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Chư Sê) phấn khởi bên giáo viên hướng dẫn sau khi đạt được giải nhất tại cuộc thi. Ảnh: Mộc Trà |
Đồng hành cùng học trò trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng, cô Vũ Thị Thu Thương-giáo viên Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm-chia sẻ: “Tôi thấy đề tài của các em khá hay và thiết thực. Khi sử dụng nano bạc phủ lên bít tất, độ kháng khuẩn và khử mùi có thể kéo dài đến 8 lần giặt và sử dụng.
Điều đáng nói là giá thành sản phẩm rất rẻ, chỉ nhỉnh hơn 500 đồng so với giá bít tất bình thường trên thị trường. Giải nhất tại cuộc thi không chỉ là trái ngọt mà còn là bước đệm để các em tiếp tục phát triển dự án, tiến tới thương mại hóa sản phẩm”.
Đổi mới và thực chất
Diễn ra từ ngày 11 đến 13-1, Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 10 có 147 học sinh thuộc 30 trường THPT và 10 phòng giáo dục và đào tạo tham gia với 75 dự án; dưới sự hướng dẫn nghiên cứu của 76 giáo viên.
Các dự án được chia thành 4 nhóm lĩnh vực gồm: khoa học xã hội và hành vi (38 dự án); hóa học, hóa-sinh, khoa học thực vật, vi sinh, khoa học trái đất và môi trường, y sinh và khoa học sức khỏe (13 dự án); năng lượng vật lý, khoa học vật liệu, kỹ thuật cơ khí, phần mềm hệ thống (13 dự án); rô bốt và máy thông minh, sinh học trên máy tính và sinh-tin, hệ thống nhúng (11 dự án).
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Duy Định-Trưởng ban tổ chức cuộc thi-thông tin: Qua 9 năm triển khai, phong trào nghiên cứu khoa học của học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh đã gặt hái được kết quả quan trọng, có vị trí nhất định trong cả nước. Năm nay, Ban tổ chức đã đưa ra nhiều điểm mới nhằm hoàn thiện về công tác tổ chức và đánh giá cuộc thi.
Cụ thể, công tác đánh giá hồ sơ dự án được chấm tập trung tại hội trường; công tác đánh giá gian trưng bày và phỏng vấn thực hiện trực tiếp tại nhà đa năng của Trường THPT chuyên Hùng Vương; đội ngũ giám khảo là các nhà khoa học có trình độ cao và kinh nghiệm của 5 trường đại học: Duy Tân (Đà Nẵng), Quy Nhơn, Khoa học Huế, Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.
Những thế mạnh về bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương hay tiềm năng du lịch của tỉnh trong tương lai cũng được học sinh khai thác để làm dự án. Ảnh: Mộc Trà |
Các dự án đạt giải nhất tại cuộc thi gồm: “Đánh giá hiệu quả việc sử dụng bộ công cụ giáo dục kiến thức phòng tránh tai nạn thương tích dành cho trẻ em (8-10 tuổi) vùng dân tộc thiểu số huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai” của học sinh Trường THPT Pleime (huyện Chư Prông); “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa và bảo vật quốc gia tỉnh Gia Lai thông qua bảo tàng ảo” của học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương; “Bít tất kháng khuẩn và khử mùi” của học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Chư Sê); “Nghiên cứu bào chế một số sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh đường hô hấp từ các hoạt chất được tách chiết trong cây đại bi (Blumea Balsamifera)” và “Robots with artificial intelligence and internet of things connection inclassifying waste” đều của học sinh Trường THPT Chi Lăng (TP. Pleiku).
Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, các dự án năm nay có sự đồng đều giữa các lĩnh vực; một số dự án có hàm lượng khoa học cao. Các tác giả, nhóm tác giả có phương pháp nghiên cứu khoa học, đầu tư theo chiều sâu. Minh chứng khoa học về quá trình nghiên cứu được thể hiện rõ trong hồ sơ đăng ký dự thi và sổ tay nghiên cứu khoa học của học sinh…
Về nội dung, nhiều dự án quan tâm đến vấn đề mang tính thời sự địa phương, môi trường, tâm-sinh lý và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, những thế mạnh về bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương hay tiềm năng du lịch của tỉnh trong tương lai cũng được học sinh khai thác để làm dự án.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Ngọc Tuyền-Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Huế, thành viên Hội đồng giám khảo-nhìn nhận: “Cuộc thi đã tạo ra sân chơi bổ ích, trí tuệ và khoa học; khơi dậy được tiềm năng, tư duy sáng tạo và niềm đam mê nghiên cứu khoa học của học sinh trung học; tạo tiền đề để các em bước vào giảng đường đại học sau này.
Năm nay, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đã tổ chức cuộc thi hết sức chuyên nghiệp; công tác tổ chức đánh giá các dự án đảm bảo khách quan, công tâm, công bằng. Qua quá trình chấm thi, tôi nhận thấy nhiều dự án có sự đầu tư bài bản, chất lượng; nội dung sáng tạo, có tính mới và phù hợp với thực tiễn”.
Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao giải cho 37/75 dự án với 5 giải nhất, 7 giải nhì, 12 giải ba và 13 giải tư; đồng thời, chọn 2 dự án xuất sắc nhất đại diện cho tỉnh tham dự cuộc thi cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024.
Dịp này, Trường Đại học Duy Tân đã bình chọn và trao thưởng cho 50 dự án theo tiêu chí của trường; trong đó có 38 dự án tiềm năng (500 ngàn đồng/dự án), 7 dự án sáng tạo (900 ngàn đồng/dự án) và 5 dự án đặc biệt (1 triệu đồng/dự án).