35.2 C
Chư Sê
Chủ Nhật, Tháng Tư 14, 2024

Độc đáo hộp thư điện tử của đôi vợ chồng yêu rác Chư Sê

Must read

“Hồi mới vào làm rác, chúng tôi ăn cũng nghĩ đến rác, ngủ cũng nghĩ đến rác, vì thế mà chúng tôi lấy cái tên hộp thư điện tử của mình là [email protected]. Có người đọc mail xong rồi đùa là An rác hay ăn rác. Chúng tôi bảo, ai nghĩ gì cũng đều đúng cả”, bà Phương cười vui.

Cách đây 2 năm Chuse24h đã có đăng tải bài viết “Vợ chồng yêu rác ở Chư Sê“, các bạn có thể xem lại để hiểu rõ hơn.

Độc đáo hộp thư điện tử của đôi vợ chồng yêu rác Chư Sê
Bữa cơm đạm bạc của vợ chồng ông An ở ngay tại nhà máy rác của mình.

Bức bối rác thải

Theo xu thế hội nhập, nền kinh tế – xã hội ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đang ngày càng phát triển mạnh, đời sống của người dân trên địa bàn đang dần được ổn định và nâng cao. Lượng rác thải tại thị trấn Chư Sê cần phải xử lý trung bình mỗi ngày 40 tấn (tương đương 100m3) và một số xã lân cận đang là mối lo ngại bởi ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sinh hoạt ở các khu dân cư. Do vậy, chính quyền huyện đã quy hoạch khu xử lý rác thải tại địa bàn xã Ia Pal rộng 7,5ha và giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý Công trình đô thị – Vệ sinh môi trường Chư Sê thực hiện việc thu gom và xử lý lượng rác thải này trên địa bàn, đảm bảo môi trường sạch.

Tuy nhiên, do việc đầu tư còn nhiều khó khăn và chưa đồng bộ nên khâu xử lý rác thải của Ban Quản lý vẫn còn mang tính thủ công, không những môi trường chưa sạch mà còn gây lãng phí về nguồn “nguyên liệu” này. Hằng ngày, lượng rác thải được thu gom rồi đưa về bãi rác xử lý bằng cách đào hố chôn lấp, tuy nhiên mùi hôi thối nồng nặc của rác vẫn lan toả đến nhiều khu dân cư trong vùng, do chưa kịp chôn lấp hoặc còn đỗ tràn lan trên mặt nền.

Một người dân sống ở xã Ia Pal nhớ lại: “Hồi ấy, con đường đến bãi chôn lấp rác Cây số 9 ở xã bốc mùi hôi thối nồng nặc và bay xa hàng km. Vì rác thải đổ tràn lan, không kịp chôn lấp dẫn đến tình trạng rác gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan khiến người dân rất bức xúc”.

“Tôi và vợ đều mê rác cháy bỏng”

Đó là chuyện của gần 10 năm trước, còn bây giờ tại bãi chôn lập rác này đã thông thoáng, hết mùi nồng nặc. Có được điều đó là nhờ vợ chồng người nông dân Lê Thiện An (52 tuổi) và Kpă Thị Thu Phương (46 tuổi). Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, ông An bảo: “Tôi và vợ đều mê rác cháy bỏng. Người ta nói rằng rác là thứ tận cùng của hoạt động sống, nhưng với tôi nó là thứ bắt đầu. Thứ người ta vứt đi thì tôi có thể làm nó sống lại được, sinh lợi được. Tôi gom rác, xử lý, rồi dùng nguồn đó hỗ trợ người khó khăn, làm cho môi trường trong lành. Đó là cách tôi làm từ thiện”.

Ông An quê ở tỉnh Quảng Trị, năm 1986 ông đi bộ đội, đến năm 1990, ông về huyện Chư Sê lập gia đình. Công việc chính của ông lúc bấy giờ là làm rẫy, công nhân cầu đường. Trong quá trình đi làm, ông nhận thấy cuộc sống và sức khỏe của người dân nơi đây chịu nhiều tác hại từ rác thải. Từ đó, ông quyết tâm mày mò các phương thức xử lý rác thải.

Để tìm hiểu kỹ hơn, năm 2007, ông An đã tự bỏ chi phí tìm đến hơn 20 nhà máy xử lý rác thải của các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước, Hà Tĩnh… để học hỏi thêm kinh nghiệm thu gom và xử lý rác thải. Khi đã cập nhật được kiến thức cần thiết, ông bắt tay vào xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải và sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rác tại huyện Chư Sê.

Năm 2010, ông An đã bán hết nhà, đất rẫy, vay mượn thêm anh em để xây dựng nhà máy xử lý rác thải với tổng số vốn 15,7 tỷ đồng. Ông đặt tên cho nhà máy của mình là Công ty Cổ phân Đầu tư và Phát triển môi trường Phương Hướng. Nói là công ty cho oách chứ thật ra đó mới chỉ là mấy dãy nhà dựng lên giữa bãi rác, mấy phòng cho 23 công nhân người địa phương ở.

Hằng ngày, vợ chồng ông An chẳng về ngôi nhà sạch sẽ của mình tại thị trấn Chư Sê mà ở luôn trong những dãy nhà đó, suốt ngày miệt mài với rác. “Tôi nói anh không tin chứ một giờ không ở bãi rác tôi không chịu được. Vợ tôi cũng bảo thế”, ông An nói.

Nhà máy xử lý rác của vợ chồng ông An đến nay đã đầu tư số tiền 27,8 tỷ đồng. Nhà máy với hệ thống phân loại rác bán tự động, hệ thống lò đốt, lò ủ phân vi sinh. Mỗi ngày nhà máy tiêu thụ khoảng 100 tấn rác nhưng ông An cho biết hiện nay do nguồn rác chưa đủ, ông mới chỉ xử lý rác ở quanh huyện, đang tính mở rộng thu gom qua các huyện khác. Doanh thu của nhà máy dựa trên ba nguồn: phí xử lý rác từ Nhà nước, phân vi sinh từ rác, phụ phẩm tái chế.

Vợ chồng yêu rác ở Chư Sê
Ông Lê Thiện An gắn bó với xử lý rác nên đã lấy địa chỉ email của mình là [email protected]

An rác…

Từ khi thành lập công ty, vợ chồng An lại đi vào làng tuyển người làm, cứ ai thuộc diện hộ nghèo, con cái nheo nhóc, làm ăn khó khăn là ông đưa vào. Những người dân Ja Rai vốn quen với cuốc xẻng, lúa bắp bỗng được vào làm công nhân ai cũng vui hẳn.

Khi tuyển nhân công, ông An đã trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ tiền ăn, trả lương 4 triệu đồng/tháng, được đóng BHXH, BHYT. Ông vừa dạy nghề, vừa tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường cho công nhân, để công nhân về tuyên truyền lại cho thôn làng mình. Hiện công ty đang có 20 công nhân đang làm việc.

Anh Rlanh Yên (35 tuổi, ngụ làng Queen Thoa, xã Ia Pal) chia sẻ: “Tôi được ông An nhận vào làm việc, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Nếu không có gạo ăn thì được công ty hỗ trợ thêm. Con cái được đi học đầy đủ. Bây giờ tôi biết tác hại và cách xử lý các loại rác thải. Về nhà, tôi nói với vợ con và bà con trong làng biết giữ gìn vệ sinh, đảm bảo sức khỏe, bảo vệ môi trường”.

“Trước đây, mình ở làng chủ yếu là đi làm thuê kiếm tiền nuôi vợ con nên lúc đói, lúc no; nay mình được tiếp nhận vào làm công nhân trong nhà máy xử lý rác thải, không những có nguồn thu ổn định mà còn được đơn vị đóng BHXH, BHYT nữa… Làng mình cũng không còn phải chịu cảnh mùi hôi thối của rác thải như trước đây nữa”, anh Rơ Lan Hạnh (ngụ làng Queen Thoa) tâm sự.

Ông An bảo mình đã trải qua nhiều nghề, nhưng mỗi lần đứng nhìn nhà máy chạy băng chuyền, đưa những đụn rác nhơ nhớp vào máy nghiền rồi phân loại, ép thành các bịch nhựa, các đống phân hữu cơ… lòng ông vui đến lạ lùng.

“Người ta bảo tôi điên. Rác rưởi là thứ hôi hám, người ta vứt đi thì tôi lại tìm nhặt. Nhưng tôi có lý lẽ của riêng mình. Rác là thứ vô cùng kỳ diệu”, ông An vừa xòe đôi lòng bàn tay to bẹ đặc trưng của mình ra ôm mớ rác rồi thả rơi xuống đất vừa xuýt xoa.

Nghe chồng bảo vậy, bà Phương tiếp lời, cười vui: “Hồi mới vào làm rác, chúng tôi ăn cũng nghĩ đến rác, ngủ cũng nghĩ đến rác, vì thế mà chúng tôi lấy cái tên hộp thư điện tử của mình là [email protected]. Có người đọc mail xong rồi đùa là An rác hay ăn rác. Chúng tôi bảo, ai nghĩ gì cũng đều đúng cả”.

Ông Phạm Duy Du – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai, cho biết: “Nhà máy xử lý rác thải của ông Lê Thiện An là mô hình xã hội hóa trong lĩnh vực xử lý rác thải đầu tiên ở tỉnh Gia Lai. Rác thải là lĩnh vực “khó xơi”, vốn đầu tư lớn và lợi nhuận không cao nên nhiều đơn vị e dè. Việc ông An là một nông dân nhưng đã trút ra một số tiền lớn đầu tư nhà máy rác thải là việc rất được tỉnh khích lệ, ủng hộ, góp phần làm sạch môi trường vùng nông thôn”.

Phố Nhơn

Rate this post

More articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Latest article