Mối lo ngại nguồn cung ở khu vực châu Á hỗ trợ xu hướng giá tăng, trong khi tâm điểm của thị trường cà phê thế giới vào lúc này vẫn xoay quanh điều kiện thời tiết ở Brasil và sự phát triển của vụ mùa mới 2024/2025…
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng hồi phục. Kỳ hạn giao tháng 3 tăng 31 USD, lên 2.786 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 27 USD, lên 2.714 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì dưới mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York nối tiếp xu hướng giảm. Kỳ hạn giao tháng 3 giảm thêm 0,70 cent, xuống 185,55 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 0,60 cent, còn 183,50 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 500 – 600 đồng, lên dao động trong khung 66.600 – 67.400 đồng/kg. Giá cà phê tươi giao dịch quanh mức 15.500 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn hiệu chỉnh trái chiều sau thông tin thời tiết Brasil đã có mưa, bên cạnh báo cáo xuất khẩu cà phê toàn cầu tháng 11 tăng của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO). Trong khi đó dữ liệu báo cáo của the ICE Report Center cho thấy tồn kho trên cả hai sàn vẫn chưa ghi nhận có sự cải thiện nào đáng kể, Arabica còn đứng ở mức thấp nhất 24 năm, Robusta không có sự bổ sung từ nguồn cung châu Á.
Theo các nhà quan sát, cà phê Indonesia hiện có mức chênh lệch cộng 500 – 600 USD/tấn so với giá kỳ hạn London, trong khi Robusta hàng giao ngay của Việt Nam đã tăng lên 100 – 120 USD/tấn, tăng gấp đôi so với tuần trước. Thực tế nguồn cung không dồi dào nên các thương nhân địa phương phải nâng giá lên mới mua được hàng.
Thị trường hàng hóa toàn cầu tiếp tục dao động với tâm lý không chắc chắn Fed sẽ bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất sau báo cáo việc làm của Mỹ không như kỳ vọng và giá dầu thô có xu hướng tăng theo căng thẳng liên quan cuộc chiến Hamas – Israel.
Anh Văn (chuse24h.com)