Niên vụ cà phê chính thức hơn 1 tháng, nhiều nông dân phấn khởi do được mùa, được giá. Tuy nhiên, nhiều vườn cà phê chín rộ nhưng nhà vườn vẫn chưa tìm được nhân công thu hái. Nhiều hộ phải chạy đôn chạy đáo, thậm chí về tận Bình Định, Phú Yên tìm người…
Đỏ mắt tìm nhân công
Bà Lê Thị Tâm (55 tuổi), trú tại Ia Băng-huyện Chư Prông cho biết: “Có 3 ha cà đã chín rộ nhưng cả tháng nay tôi mất ăn mất ngủ vì không tìm được người thu hái”. Bà cho biết, mọi năm, vào mùa vụ tình trạng khan hiếm lao động vẫn diễn ra nhưng nếu trả giá cao thì vẫn tìm được người, còn năm nay có tiền chưa chắc có người.
Tình hình khan hiếm nhân công diễn ra trầm trọng tại tất cả các huyện trọng điểm về cà phê của tỉnh như: Ia Grai, Chư Pah, Đak Đoa, Chư Prông… làm đau đầu không ít nhà nông. Ông Nguyễn Văn Thính (50 tuổi), xã Trang, huyện Đak Đoa ngậm ngùi: Chưa năm nào nhà tôi rơi vào tình cảnh “một vườn một chủ” như thế này. Nhà có gần 5 ha cà phê nhưng chỉ có một mình tôi làm vì các con đều đang đi học, chưa giúp đỡ được gì. Năm nay giá thuê nhân công “trên trời” trong khi cả gia đình tôi trông chờ vào vườn cà phê, xót của nên tôi phải lăn lưng ra để thu hái”. Ông cho biết thêm, năm nay do giá cà phê tăng cao nên nhà vườn còn phải thuê người trông chừng kẻ cắp, khó khăn chồng chất lên vai người nông dân. Lau vội lau giọt mồ hôi trên trán, ông tất tưởi chạy đi khi biết tin nhà hàng xóm có người bà con ở quê lên đang kiếm việc làm.
Trung bình 1 ha cà phê cần khoảng 3-4 nhân công thu hái. Như vườn của ông Thính cần ít nhất từ 15-20 nhân công thì thu hoạch mới kịp mùa. Cùng thời điểm này năm ngoái, giá thuê nhân công bao ăn chỉ từ 1,5 đến 1,7 triệu đồng/người/tháng, nhưng năm nay, giá dao động từ 2,5-3 triệu đồng, thậm chí có nhà vườn phải trả 3,5 triệu đồng. Dù giá cao nhưng nhiều chủ vườn vẫn phải “bấm bụng” thuê để tránh nguy cơ mất cắp và tiêu hao sản lượng.
Khổ vì “cò” nhân công
Cứ đến mùa cao điểm thu hoạch cà phê, “cò” nhân công cà phê cũng xuất hiện. Ngay từ trước khi vào vụ thu hoạch, họ đã đi khắp nơi, tìm lao động cho những vườn cà phê có diện tích lớn. Các tỉnh Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung là nơi họ thường tìm đến bởi ở đây nhiều lao động mà giá lại thấp. Có hai loại “cò”: “cò” bé thì cứ tìm được một người, họ nhận tiền hoa hồng từ cả hai bên là người làm thuê và chủ vườn. Còn “cò” lớn thì đứng ra tổ chức lao động, nghĩa là tìm thuê nhân công với số lượng lớn, lấy tiền “cục”.
Không thể phủ nhận, nhờ những “cò” lao động này, nhiều chủ vườn đỡ tốn thời gian tìm nhân công, nhiều người lao động cũng tìm được việc làm với mức thu nhập thích hợp. Nhưng nhiều “cò” bắt chẹt “thế bí” của các chủ vườn, ngang nhiên cắt hợp đồng, hoặc hợp đồng một đằng đòi tiền một nẻo. Ngoài ra, lương tháng của người làm thuê cũng phải từ chủ vườn, qua tay họ rồi mới đến người làm thuê. Biết là bị ăn chặn, nhưng nhiều người vẫn phải chấp nhận.
Rút kinh nghiệm những năm trước, từ đầu vụ, gia đình ông Nguyễn Văn Đạo (58 tuổi), xã Chư Pơng (huyện Chư Sê) đã hợp đồng “chắc ăn” với một nhóm nhân công từ Phú Yên với mức lương khá cao. Nhưng chỉ làm được mươi ngày, lấy cớ về quê thu hoạch mùa vụ (gặt lúa), cả nhóm công nhân đồng loạt nghỉ việc. Báo hại khổ chủ dở khóc dở cười với vườn cà phê hơn 8 ha đang chín rộ. Chạy vạy khắp nơi tìm nhân công vẫn không ra, ông than thở: “Thuê nhân công từ đầu vụ dễ hơn nhiều so với chính vụ nhưng họ sẵn sàng bỏ đi nếu có chỗ trả cao hơn. Thường là các “cò” nhân công dụ dỗ”.
Cách đây mấy hôm, một “cò” giới thiệu với tôi 3 người ở tỉnh Quảng Trị. Tôi đồng ý đặt cọc và trả mức lương “trên trời”. Nhưng đợi dài cổ mà tiền mất, người vẫn chưa thấy, còn tôi lòng nóng như lửa khi nhìn vườn cà chín đỏ và bắt đầu rụng quả.
Theo Báo Gia Lai điện tử