Thị trường hạt tiêu tuần qua giá tiếp tục tăng nóng.
Ngay từ những ngày đầu tuần giá tăng 1.000 đồng so với cuối tuần trước và tiếp tục tăng cho đến cuối tuần.
Kết thúc tuần đến ngày 21/4 giá hạt tiêu đã biến động tăng ba lần, tổng cộng tăng 2.000 đồng/kg. Hiện giá tiêu đạt quanh mức 58.000 – 61.000 đồng/kg, duy tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đạt mức giá cao nhất 62.000 đồng/kg.
Diễn biến giá hạt tiêu tại một số vùng nguyên liệu tuần qua
ĐVT: Đồng/kg
Hiện nay giá tiêu đã đạt mốc trên 60.000 đồng/kg, tuy nhiên mức giá vẫn thấp so với cùng kỳ năm trước và thời điểm đầu năm 2018.
Nguyên nhân giá tiêu giảm và ở mức thấp do phát triển nóng diện tích trồng tiêu. Thời điểm 2-3 năm trước, giá một kg hạt tiêu dao động trên dưới 200 ngàn đồng, tương đương với khoảng 40 kg lúa, gấp khoảng 6 lần cà phê, người dân đã ồ ạt mở rộng diện tích trồng tiêu. Tuy nhiên, sau khi trồng được vài năm, tình trạng tiêu chết đã xuất hiện tại nhiều địa phương trên địa bàn Gia Lai như Chư Sê, Chư Pưh, Đức Cơ, Đăk Đoa… Trong đó, có nhiều diện tích tiêu non. Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, tiêu chết đa phần do bệnh chết nhanh. Nguyên nhân, do thời gian qua diện tích tiêu trên địa bàn phát triển quá nóng, vượt gấp 3 lần so với quy hoạch của tỉnh Gia Lai. Bệnh chính từ nguồn giống ban đầu, vì thiếu giống nên nông dân mua giống trôi nổi, nhiễm bệnh nhưng không hề hay biết, về trồng gặp thời tiết mưa nhiều kéo dài, độ ẩm không khí cao… dẫn đến bệnh lây lan trên diện rộng.
Để giảm thiểu rủi ro cho nông dân, gần đây chính quyền các địa phương đang triển khai các giải pháp để phát triển cây tiêu bền vững. Trong đó, chú trọng đến rà soát, quy hoạch vùng sản xuất gắn với vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện sản xuất hồ tiêu sinh học, hữu cơ gắn với chế biến sâu để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm. Song để phát triển cây tiêu bền vững, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền trong triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến, các mô hình chuyển giao kỹ thuật và thu hút đầu tư, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế…
Hiện nay tiêu Việt Nam cạnh tranh gay gắt tiêu từ Campuchia. Kể từ năm 2005 nông dân Campuchia đã khôi phục nghề trồng tiêu và gia tăng diện tích trồng từ 2008 và trở thành nhà sản xuất hạt tiêu xếp thứ 6 thế giới, chiếm khoảng 4% tổng sản lượng, là quốc gia có khối lượng tiêu xuất khẩu xếp thứ 4 toàn cầu. Với nhu cầu tiêu thụ nội địa ước chỉ khoảng hơn 1.000 tấn nên hầu hết sản lượng hồ tiêu Campuchia dành cho xuất khẩu. Theo ước tính, trên 75% sản lượng tiêu được bán sang Việt Nam, 20% bán cho Thái Lan và số còn lại bán trực tiếp cho các nước tiêu thụ khác.
Nông dân Campuchia nói chung không tồn trữ hồ tiêu mà bán hết trong khoảng 1 – 2 tháng sau thu hoạch. Do thu hoạch vụ mùa trùng với các vùng sản xuất tiêu trọng điểm ở Việt Nam nên mọi động thái bán ra đều ảnh hưởng giá hạt tiêu tại Việt Nam.
Người dân Campuchia chăm sóc hạt tiêu theo hướng hữu cơ bền vững. Hầu hết không sử dụng các loại phân thuốc hóa học, tuy vẫn có thể thấy một số nhưng không đáng kể. Sản lượng bình quân tương đối cao ở 4,5 – 5 tấn/ha, một số trang trại đạt trên 7 tấn/ha. Đây là nguyên nhân chính vì sao giá tiêu tại Campuchia lại cao hơn Việt Nam.