35.2 C
Chư Sê
Chủ Nhật, Tháng Tư 14, 2024

Trả giá từ việc phát triển trồng tiêu ồ ạt

Must read

Để phát triển cây tiêu bền vững, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền trong triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến, các mô hình chuyển giao kỹ thuật và thu hút đầu tư, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế…

Vào thời điểm 2-3 năm trước, giá một kilogam hồ tiêu dao động trên dưới 200 ngàn đồng, tương đương với khoảng 40kg lúa; gấp khoảng 6 lần cà phê. Thế là tại Tây Nguyên, câu chuyện về cây hồ tiêu có thể nghe kể ở bất cứ nơi đâu từ trên xe buýt, từ chợ… đến quán cà phê, quầy tạp hóa… Ai ai cũng kháo nhau trồng được bao nhiêu trụ, bao nhiêu hecta, vụ vừa rồi thu được bao nhiêu tấn.

Cả vườn tiêu chết hàng loạt.
Cả vườn tiêu chết hàng loạt.

Hàng trăm câu chuyện không đầu không đuôi xung quanh cây tiêu được truyền nhau trong nhiều năm liền… Đúng như thực tế, vào thời điểm đó, cả Tây Nguyên nhà nhà trồng tiêu, người người trồng tiêu. Bất cứ ở đâu có đất thì người nông dân lại đúc trụ cắm xuống, mua giống về trồng. Thậm chí, có nhà không còn đất, xuống tay chặt hạ hàng hecta các loại cây trồng khác như cà phê, cao su… để trồng tiêu, mặc kệ cho cây tiêu có phù hợp với thổ nhưỡng hay không.

Rồi việc gì đến cũng sẽ đến, đùng một cái, giá hồ tiêu lao dốc như xe mất thắng… từ 200 ngàn đồng/kg vào thời điểm 2015-2016… xuống còn khoảng 70 ngàn đồng/kg, rồi chạm đáy 50.000 – 54.000 đồng/kg như hiện nay. Nhiều nông dân té ngửa… Bởi trót vay mượn quá nhiều để đầu tư trồng tiêu. Chưa nói đến chuyện, nhiều vườn vì không phù hợp chất đất, cây tiêu không phát triển, xuất hiện chết nhanh chết chậm. Nhiều hộ vỡ nợ bỏ của chạy lấy người.

Đơn cử, ông Trần Văn Quốc ở xã Nâm N’Jang, huyện Đăk Song (Đăk Nông), có 4ha hồ tiêu. Thời điểm năm 2013-2016, cây tiêu được mùa, được giá, gia đình ông Quốc mỗi vụ thu về trên 1,5 tỷ đồng lãi từ cây tiêu mang lại.

Sau mấy năm trồng tiêu, ông Quốc có của ăn của để, gửi ngân hàng cả chục tỷ đồng. Những năm sau đó, giá cả hồ tiêu luôn ở mức cao, nhiều người ở Đăk Song thừa thắng xông lên, ồ ạt mở rộng diện tích. Nóng lòng vì người dân đổ xô trồng tiêu, ông Quốc cũng rút hết tiền gửi ngân hàng về mua đất mở rộng diện tích trồng. Ban đầu mua đất gần nhà, sau đó mua sang các xã lân cận… nghe ở đâu có người bán rẫy, bán vườn là lao đến xuống tiền mua đất trồng tiêu. Nhưng không ngờ có ngày, tỷ phú chân đất lại rơi vào cảnh nợ nần.

Ông Quốc cho hay, đổ gần hết số tiền dành dụm được ra mua đất, khi tiêu có giá 1ha đất bình thường, không trồng được cây gì, cũng lên đến 200 – 300 triệu đồng. Đâu phải mua đất không. Muốn đầu tư hoàn chỉnh cho một vườn tiêu, 1ha phải chi cỡ 400 – 500 triệu đồng kiến thiết. Tính cả đất và kiến thiết vườn tổng giá thành lên đến 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha.

Điều đáng nói, sau khi vung hết 12 tỷ đồng đầu tư trồng tiêu, ông Quốc tiếp tục vay ngân hàng hơn 4 tỷ đồng để đầu tư trồng tiêu. Song với giá hồ tiêu như hiện nay, không biết đến khi nào ông Quốc mới thu hồi được vốn… Tuy nhiên, ông Quốc cũng còn may hơn hàng ngàn nông hộ trồng tiêu khác. Bởi diện tích tiêu của ông Quốc trồng mở rộng vẫn cho thu hoạch, không bị chết như nông hộ ở Gia Lai.

Không riêng ông Quốc, hiện tại hầu hết các tỉnh Tây Nguyên, địa phương nào cũng có hàng ngàn hộ nông dân khốn đốn vì trồng hồ tiêu. Có trường hợp, chán nán bỏ vườn, bỏ đất đi nơi khác làm ăn. Bởi sau khi trồng được vài năm, cây tiêu đang tươi tốt lại phát bệnh khô lá chết hàng loạt. Do nhiễm bệnh chết nhanh chết chậm diễn ra trên cây tiêu. Đây là loại bệnh chưa có thuốc đặc trị đối với loại nông sản này.

Tình trạng tiêu chết đã xuất hiện tại nhiều địa phương trên địa bàn Gia Lai như Chư Sê, Chư Pưh, Đức Cơ, Đăk Đoa… Trong đó, có nhiều diện tích tiêu non. Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, tiêu chết đa phần vẫn là bởi bệnh chết nhanh. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng sâu bệnh này là bởi thời gian qua diện tích tiêu trên địa bàn phát triển quá nóng, vượt gấp 3 lần so với quy hoạch của tỉnh Gia Lai. Bệnh chính từ nguồn giống ban đầu.

Nghĩa là, vì thiếu giống, nông dân mua giống trôi nổi, nhiễm bệnh nhưng không hề hay biết, về trồng gặp thời tiết mưa nhiều kéo dài, độ ẩm không khí cao… dẫn đến bệnh lây lan trên diện rộng.

Một chuyên gia về nông nghiệp ở Tây Nguyên cho rằng, điều khác biệt so với trước đây là bệnh này gây hại ngay cả với tiêu non. Qua tìm hiểu thực tế tình hình tại một số vườn tiêu của nông dân cho thấy, diễn biến bệnh chết nhanh trên cây tiêu năm nay có nhiều diễn biến khác thường so với quy luật. Trước đây bệnh chết nhanh từ gốc và rễ, tức là thối rễ rồi lan dần lên và làm chết cây. Thế nhưng trong thời gian gần đây, chu trình này bị đảo ngược lại, bắt đầu từ thối nhũn lá, lây lan qua cành, dây… và làm chết toàn bộ trụ tiêu.

Đó là hậu quả từ việc phát triển nóng trong nông nghiệp tại Tây Nguyên. Để giảm thiểu rủi ro cho nông dân, gần đây, chính quyền các địa phương đang triển khai các giải pháp để phát triển cây tiêu bền vững. Trong đó, chú trọng đến rà soát, quy hoạch vùng sản xuất gắn với vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện sản xuất hồ tiêu sinh học, hữu cơ gắn với chế biến sâu để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm.

Song để phát triển cây tiêu bền vững, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền trong triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến; các mô hình chuyển giao kỹ thuật và thu hút đầu tư, tạo mối liên kết giữa DN với nông dân theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế… Có như thế mới mong ổn định được ngành tiêu trong những năm tới.

Rate this post

More articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Latest article