Chuse24h.com – Giấc mơ Israel trên đất Đà Lạt. Từ chối cơ hội tiếp tục ở lại Israel làm việc trong các nông trại lớn, ba kỹ sư trẻ quay trở lại Đà Lạt.
Không chọn làm việc trong các công ty lớn, họ đầu quân vào những nông trại mới khởi động để tham gia xây dựng quy trình sản xuất nông sản công nghệ cao.
Đó là câu chuyện của nhóm kỹ sư đang làm việc tại Lâm Đồng: Nguyễn Văn Cao (25 tuổi), Bùi Quốc Việt (26 tuổi) và Trần Thị Lưu (25 tuổi).
Vất vả học nghề trên đất khách
Hoàn thành chương trình kỹ sư tại Đại học Đà Lạt, Cao, Việt và Lưu được sang Israel nghiên cứu và thực tập nông nghiệp trong vòng một năm. Với nhóm kỹ sư trẻ, một năm làm việc cật lực trên đất khách đã thay đổi toàn bộ tư duy nông nghiệp của họ.
Bước chân vào nông trại, các ông chủ đều nói với họ: hãy xóa bỏ điều bạn đang nghĩ về nông nghiệp già cỗi và nhỏ bé, ở đây nông nghiệp là niềm tự hào và nằm trong tay những người trẻ.
Kỹ sư Lưu nhớ như in lúc ông chủ đang dặn dò thì bên ngoài nông trại, những chiếc xe đang rải thảm đất trên cát sỏi. Những chiếc xe chở đất từ phía bắc Israel vào phía nam đầy cát để trồng rau.
Lưu lặng người khi biết những luống nông sản đang mơn mởn kia không phải đang mọc trên những mảnh đất màu mỡ mà là những thảm đất mỏng dính chỉ vừa đủ chỗ bám cho rễ cây.
Tò mò trước những “bí mật” lạ lùng về nông nghiệp, cô xin làm việc tại trung tâm nghiên cứu và lai tạo giống. Và như thế, những câu hỏi cứ vây lấy Lưu trong suốt những ngày tháng làm việc tại Israel, cô thắc mắc về từng công đoạn mà người Israel tạo ra những loại giống rau thích nghi với khí hậu khắc nghiệt. Lưu kể: “Ngay cả khi ngủ, nhiều lúc mình cũng mơ thấy những câu hỏi”.
Những thắc mắc đó dần được giải đáp sau những tháng ngày làm việc đến tưởng như đông cứng trong phòng lạnh vô trùng.
Cao và Việt cùng làm việc trong một nông trại ở phía bắc Israel. Một ngày làm việc của hai chàng trai này chưa bao giờ dưới 16 giờ. Hết công việc của kỹ sư, họ ra làm việc tại khu công nhân đóng hàng để tìm hiểu công nghệ sau thu hoạch và cách để giảm hao hụt trong quá trình sơ chế, vận chuyển. Công việc của hai chàng trai Đà Lạt là chăm sóc trang trại chuối và cà phê.
Tò mò về cách thiết lập chuỗi cung ứng, Cao và Việt xin ông chủ được đi giao hàng. 0 giờ, hai kỹ sư trẻ mới tạm ngưng công việc để ngủ nhưng đến 3 giờ sáng, giữa trời lạnh buốt hay nóng rát bởi ảnh hưởng từ bão cát, hai chàng trai đã có mặt trên cabin xe tải chở nông sản. Và cứ thế, từng ngày, họ hiểu ra cách thức các trang trại đưa rau đến từng nhà hàng, siêu thị với giá cạnh tranh.
Không ít lần họ theo cả những chuyến xe chở nông sản vào lãnh thổ Palestine với mong muốn hiểu được cách Israel xuất khẩu nông sản sang đây. Có lần, hải quan Palestine đã giữ Cao và Việt lại để thẩm vấn hơn nửa giờ vì bất ngờ khi thấy trên xe có những thanh niên da vàng. Hai bạn trẻ đã giải thích về việc đi giao nông sản của mình nhưng chỉ khi đưa ra những giấy tờ chứng minh đang du học thì họ mới được tự do.
Những ngày không làm việc, Cao và Việt vác balô đi đến những trang trại nổi tiếng xin học việc. Cao nói: “Nếu chỉ học cách sản xuất chuối và cà phê thì chỉ cần hai tháng đã thành thục. Chúng tôi tận dụng tối đa thời gian ở Israel để học hỏi kinh nghiệm sản xuất nhiều loại rau khác nhau, may mắn là những kỹ sư tốt bụng ở các nông trại không từ chối trước bất cứ thắc mắc nào của chúng tôi”.
Sáng tạo trong từng chi tiết nhỏ
Đầu năm 2013, cả ba kỹ sư trẻ rời Israel về nước. Dẫu cơ hội ở lại làm việc với mức lương ổn định đã mở ra nhưng tất cả đều từ chối. Việt nói: “Nước bạn phát triển công nghệ sản xuất nông sản đến choáng ngợp, nhưng đó là chuyện của nước bạn. Với chúng tôi, nông nghiệp Israel là giấc mơ đẹp sau một giấc ngủ còn đọng lại trong đầu. Chúng tôi chọn thay đổi nông nghiệp từ những điều nhỏ nhất và mong trong tương lai nông nghiệp Đà Lạt sẽ được như vậy”.
Việc chọn làm việc ở những công ty khởi nghiệp cho các kỹ sư trẻ có cơ hội sáng tạo nhiều hơn. Tại Đà Lạt, gặp họ ở những nông trại, nếu không biết trước sẽ khó thể tưởng tượng họ là những kỹ sư được học và thực hành bài bản tại Israel trong những trang trại lớn. Ai nấy đều đen nhẻm trong bộ áo quần lấm lem đất đỏ.
Lưu làm việc cho một nông trại đang hoàn thiện quy trình để xuất khẩu rau sang Nhật và các thị trường khó tính khác. Khi bước chân vào làm việc cho trang trại này, ngoài mức lương đã thỏa thuận, Lưu yêu cầu mình có một khoảnh đất nhỏ để thử nghiệm giống mới hoặc những quy trình trồng trọt mới.
Những thử nghiệm liên tục là cách Lưu tạo ra những điều mới mẻ trong nông trại. Và khoảnh đất nhỏ của Lưu trở thành linh hồn của trang trại, những sản phẩm và cải tiến mới nhất áp dụng cho toàn trang trại đều xuất phát từ đây.
Chỉ sau gần một năm làm việc, Lưu đã được chủ trang trại tin tưởng giao toàn quyền quyết định những vấn đề quan trọng về kế hoạch sản xuất và xây dựng quy trình để sản xuất những giống mới lạ nhập ngoại theo tiêu chuẩn sạch.
Trong lúc Lưu đang hào hứng với những món rau củ công nghệ cao thì Cao say mê với những cây cà phê chín đỏ nằm sâu trong vùng núi xã Tà Nung của Đà Lạt để thử thách mình. Nông trại cà phê Cao đang làm trưởng bộ phận kỹ thuật là của một công ty Singapore lần đầu qua Việt Nam đầu tư trồng cà phê theo quy trình hữu cơ.
Cao nhận lời cải tạo hơn 20 ha cà phê đã nhiều năm bỏ hoang dù biết ngay cả với những “lão làng” trồng cà phê, thử thách này cũng quá sức. Sau một năm, năng suất cà phê của trang trại từ chỗ hầu như không cho thu hoạch giờ đã đạt 6 tấn/ha, vượt năng suất trung bình 2 tấn/ha.
Điều bất ngờ mà Cao tạo ra là ngoài việc khôi phục thành công năng suất cà phê còn tiết kiệm được 50% chi phí dự trù. Cao đã đưa ra sáng kiến dùng men vi sinh ủ vỏ cà phê tươi và bón cho cây như một loại phân hữu cơ.
Cao chia sẻ: “Tôi xác định được thời gian sống của vi sinh dùng ủ vỏ cà phê nên chọn được thời điểm bón cây thích hợp và cho hiệu quả tốt hơn”. Nhìn những cây cà phê trĩu quả, người dân Tà Nung mới hiểu ra vì sao cách đây sáu tháng, có chàng trai đi gom vỏ cà phê tươi rồi thuê xe chở về trang trại đổ đống.
Đến thời điểm này, vị giám đốc nước ngoài đã đồng ý đầu tư máy móc để những sáng tạo của Cao mau chóng có hiệu quả. “Những ngày đầu tiên chưa được ủng hộ, tôi chọn một khoảnh vườn cà phê xấu nhất và tự bỏ tiền túi áp dụng quy trình do mình xây dựng, tự bỏ tiền túi phân tích và khi thành công tôi làm báo cáo gửi thẳng cho ông chủ.
Những con số ấn tượng về kinh phí và hiệu quả đã khiến ông chủ đồng ý để tôi ứng dụng quy trình cho cả một nông trại rộng lớn”, Cao nhớ lại khoảng thời gian đầu khó khăn và liều lĩnh của mình. Chỉ tay vào đàn gà lang thang khắp vườn cà phê, Cao bảo đó là “công nhân” dọn cỏ, bắt sâu. Khi sản xuất cà phê hữu cơ, đây sẽ là những “công nhân” diệt côn trùng gây hại.
Vườn nông sản trái vụ
Ở đầu ngược lại của thành phố, Việt vay mượn hơn 300 triệu đồng thuê đất, xây dựng nhà kính bắt đầu cuộc phiêu lưu trồng nông sản trái vụ trong nhà kính. Cuộc phiêu lưu bắt đầu với giống khoai tây Đà Lạt. Việt kể khi thấy một nông dân trẻ măng dựng nhà kính thì ai cũng nghĩ Việt trồng dâu tây như nhiều bạn trẻ Đà Lạt, nhưng khi thấy Việt xuống giống khoai tây thì ai cũng thắc mắc.
Họ nhìn chàng kỹ sư mà bảo: “Trồng ngoài trời đón nắng mà chưa ăn ai, trồng trái vụ mà còn núp vô nhà kính thì làm sao có củ”. Việt vẫn tự tin thực hiện. Việt bảo: “Khoai tây Đà Lạt ai cũng thích nhưng mỗi năm chỉ trồng được một vụ. Vụ còn lại không có khoai nên mới có chuyện lấy khoai tây Trung Quốc làm giả khoai tây Đà Lạt. Nếu không nghiên cứu thì thiệt hại dài dài”. Việt tính toán khoảng sáu tháng sau quy trình sẽ hoàn thành và chuyển giao cho nông dân.
Theo Việt, trồng khoai tây trong nhà kính có người đã thực hiện rồi nhưng năng suất thấp do phải trồng thưa và tốn quá nhiều chi phí thắp đèn điện suốt ngày đêm. Đào lên một cụm khoai tây đã ló dạng những củ nhỏ, Việt cho biết sẽ cải tiến quy trình để làm sao cho khoai tây trồng trong nhà kính đạt năng suất như trồng ngoài trời dù trái vụ hay thuận vụ. Việt nói chắc nịch: “Sau khoai tây tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu quy trình trồng trái vụ các loại rau củ đặc sản của Đà Lạt”.
[quote_box_left]Nhóm kỹ sư trẻ này gặp nhau hằng tháng. Họ kể những câu chuyện khó khăn nhiều hơn thành công. Những lần cảm thấy loay hoay không thấy lối ra cho những ý tưởng mới, họ lại kể về những luống rau xanh mát trên những luống đất cát khô khốc, thô ráp tại Israel. Những thắc mắc về sự thần kỳ trên mảnh đất cằn cỗi của quốc gia nhiều bão cát Israel trở thành động lực để họ tiếp tục với những sáng tạo nho nhỏ của mình, tiếp tục ước mơ, tiếp tục tìm cách thực hiện.[/quote_box_left]
Những thành viên trẻ tuổi Phố Núi Khởi Nghiệp