Cà phê là loại cây công nghiệp. Nó là một trong những cây chủ lực của chúng ta. Diện tích cà phê tăng mạnh từng năm. Hàng triệu nông dân sống chủ yếu bằng thu nhập từ cà phê…
Hiện có 2 giống cà phê được trồng chủ yếu ở nước ta là cà phê chè và cà phê vối. Riêng ở Tây Nguyên, cà phê vối phải chiếm tới khoảng 95% diện tích trồng cà phê.?Nó là đối tượng số 1 cần quan tâm!…
Lâu nay ta thường chú trọng tới năng suất và sản lượng nên vấn đề chất lượng của cà phê thường bị xem nhẹ. Điển hình nhất là việc thu cà phê non diễn ra tràn lan. Khâu phơi phóng và bảo quản cũng có nhiều thiếu sót. Vì vậy, cà phê của ta luôn luôn bị kém điểm.?Mặt khác, bệnh gỉ sắt khá phổ biến.?
Nó làm rụng lá và giảm năng suất của cà phê.?Nhưng một nguyên nhân rất quan trọng đó là giống.?Thời gian qua, do phát triển ồ ạt nên cà phê chủ yếu được trồng bằng hạt chưa được chọn lọc.?Vì vậy, nó không phát huy hết được tiềm năng về năng suất, và chất lượng, hạt lại bé và không đồng đều, trọng lượng nhân chỉ khoảng 13-14g/100 nhân…
Đối với cà phê vối, việc thụ phấn chéo là bắt buộc.?Vì vậy, người ta tập trung bình tuyển để chọn ra được những cây đầu dòng. Sau đó, bằng phương pháp nhân vô tính để giữ lấy các đặc điểm mong muốn. Ở chúng ta, công việc đó đã bắt đầu có những kết quả khả quan…
Tôi vào Tây Nguyên và tới làm việc với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp. Tiến sĩ Lê Ngọc Báu – Viện trưởng đã cho chúng tôi biết nhiều kết quả đáng mừng của Viện trong đó có việc chọn lọc ra được những dòng cà phê tuyệt vời.
Thạc sĩ Chế Thị Đa – Trưởng bộ môn Cây công nghiệp của Viện đưa tôi ra tận ruộng thí nghiệm. Điều bất ngờ đập ngay vào mắt. Tôi ngạc nhiên khi thấy những chùm quả cà phê lạ lẫm. Quả của chúng to hơn nhiều so với quả của các loại cà phê khác. Thật thú vị khi ta lấy 2 cành có quả để so sánh với nhau.
Bạn sẽ thấy sự khác biệt một trời một vực.? Chị Đa cho biết, từ năm 1999 Viện đã chọn lọc được 4 dòng vô tính (là TR 9, TR 11, TR 12 và TR 13) và đã được khu vực hóa từ năm 2006. Đặc biệt 2 giống TR 9 và TR 12 có quả rất to. Năng suất bình quân đạt từ 4,2-5,5 tấn/ha.
Đặc biệt, khối lượng 100 nhân đạt từ 18-25g và tỉ lệ hạt loại 1 đạt từ 93-98% (tức là gấp đôi so với sản xuất đại trà). Nhưng điều tôi mừng hơn là khả năng kháng bệnh gỉ sắt của chúng rất cao. Đây có lẽ là tín hiệu mừng nhất cho bà con đang trồng cà phê trên mọi miền đất nước.
Các nhà khoa học trên thế giới hiện nay đang tập trung chọn ra những giống cà phê có năng suất cao nhưng có cỡ hạt lớn. Chỉ riêng chỉ tiêu hạt lớn cũng nâng giá cà phê của mỗi tấn lên thêm 100USD. Người ta cho rằng, hạt lớn sẽ tích lũy được nhiều chất hơn và chất lượng sẽ cao hơn. Đối với bà con, quả cà phê lớn thu hoạch dễ hơn loại quả nhỏ.
Sẽ đến lúc cà phê Việt Nam ngang ngửa với cà phê của các cường quốc trên thế giới.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng
Để có giống cà phê hạt lớn, chất lượng cao, chống được bệnh gỉ sắt, bà con có thể liên hệ với thạc sĩ Chế Thị Đa qua điện thoại: 0905.062.602