(Chuse24h)- Qua 3 năm triển khai, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây chanh leo gắn với tiêu thụ sản phẩm đã mang lại hiệu quả tích cực khi giúp người trồng chanh leo ở Gia Lai nhận biết và phòng trừ dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Các đại biểu tham quan mô hình trồng mới và thâm canh chanh leo theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê). Ảnh: Lê Nam |
Đây là mô hình do Viện Bảo vệ thực vật phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai từ năm 2021-2023 tại một số xã của huyện Ia Grai, Chư Sê và TP. Pleiku.
Theo đánh giá của Viện Bảo vệ thực vật, những năm qua, diện tích trồng chanh leo trong cả nước tăng nhanh từ 1.500 ha (năm 2015) lên hơn 10.000 ha (năm 2022). Tuy nhiên, trước nhu cầu mở rộng diện tích của người dân, các cơ sở sản xuất giống không đáp ứng đủ nhu cầu nên bà con đã tự nhân giống dẫn đến chất lượng giống kém, phát sinh các loại bệnh hại, đặc biệt là bệnh cứng trái do virus gây ra làm giảm năng suất và chất lượng của chanh leo.
Qua điều tra của viện Bảo vệ thực vật, ngoài đồng ruộng tỷ lệ cây nhiễm các bệnh do virus gây ra trong giai đoạn cho quả từ 30-50%, cá biệt có những diện tích bị nhiễm 100% khiến người dân phải chặt bỏ.
Đối với các diện tích chanh leo trồng chu kỳ 2, 3 trở lên hoặc trồng xen trên các vườn cao su, cà phê, hồ tiêu người dân không có các biện pháp xử lý đất trồng, cây giống trước khi trồng dẫn đến nhiều dịch hại trong đất phát sinh gây ra bệnh lở cổ rễ, thối gốc phình thân, tuyến trùng và một số sâu bệnh hại khác..
Trước thực trạng trên, Viện Bảo vệ thực vật đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao thực hiện dự án khuyến nông “Xây dựng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên chanh leo gắn với tiêu thụ sản phẩm cho các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên”.
Theo đó, từ năm 2021-2023, Viện Bảo vệ thực vật triển khai, với quy mô 15 ha, cho 15 hộ dân tại các xã Ia Pếch (huyện Ia Grai), xã Gào (TP. Pleiku) và xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê).
Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ cây giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc chanh leo. Vườn chanh leo được áp dụng quy trình chăm sóc và quản lý khai thác chồi ghép; sản xuất cây giống chanh leo sạch bệnh; quy trình quản lý tổng hợp sâu bệnh hại chính trên cây chanh leo và quy trình chẩn đoán các bệnh do virus trên chanh leo. Sử dụng cây giống chanh leo Đài Nông 1 sạch bệnh đạt tiêu chuẩn về hình thái, kích thước.
Anh Trần Bình Trọng-thôn 19 (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê; bìa phải) giới thiệu vườn chanh leo của gia đình. Ảnh: Lê Nam |
Anh Trần Tấn Thành-làng O Pếch (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) là một trong những hộ tham gia mô hình-cho hay: “Năm 2021, tôi tham gia mô hình và được hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Nhờ đó, cây chanh leo phát triển tốt, hạn chế được nhiều dịch bệnh nên năng suất đạt hơn 30 tấn/ha, trong đó có khoảng 60% chanh leo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Với giá bán trung bình 38-40 ngàn đồng/kg loại chanh xuất khẩu và 10-15 ngàn đồng/kg chanh múc, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi đạt lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng”.
Ngoài việc hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc chanh leo, Dự án đã liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân với Hợp tác xã (HTX) chanh leo Năm Lộc (xã Gào, TP. Pleiku).
Anh Phạm Ngọc Chiến-thành viên HTX Chanh leo Năm Lộc-cho biết: Hợp tác xã đang thu mua sản phẩm và cung cấp vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất chanh leo trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và liên kết với người dân trồng 400 ha chanh leo tại các tỉnh Gia Lai, Đak Lak và Kon Tum. Hàng năm, HTX thu mua khoảng 1.500 tấn chanh đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu và 2.500 tấn chanh múc nhập cho Công ty cổ phần Nafood Tây Nguyên.
Từ năm 2021, HTX đã đồng hành cùng với Viện Bảo vệ thực vật xây dựng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây chanh leo gắn với tiêu thụ sản phẩm cho người dân tham gia mô hình ở các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên.
Người dân thôn Hợp Thành (xã Ia Bă, huyện Ia Grai) chăm sóc vườn chanh leo. Ảnh: Lê Nam |
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc-Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật: Mô hình này bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực khi năng suất chanh leo đạt 30-35 tấn/ha, tỷ lệ bệnh do virus sau trồng 6 tháng thấp (dưới 10%).
Ngoài ra, giá trị kinh tế của chanh leo cũng tăng lên rõ rệt khi trong năm 2021, người dân tham gia mô hình có tổng thu 586,7 triệu đồng/ha, lãi ròng hơn 440 triệu đồng (cao hơn so với ngoài mô hình 138,2 triệu đồng); năm 2022, tổng thu 685,3 triệu đồng/ha, lãi ròng gần 600 triệu đồng (cao hơn so với ngoài mô hình 155,8 triệu đồng); năm 2023, tổng thu 325,1 triệu đồng/ha, lãi ròng 184,5 triệu đồng (cao hơn so với ngoài mô hình 43,3 triệu đồng).
“Mục đích triển khai mô hình nhằm tuyên truyền, phổ biến tiến bộ kỹ thuật, quy trình quản lý tổng hợp sâu bệnh gây hại chính trên cây chanh leo, giúp người trồng nâng cao kiến thức về nhận biết và phòng trừ dịch hại tổng hợp, đặc biệt đối với các bệnh do virus gây ra. Từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng và mẫu mã quả chanh leo, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng.
Dự án cũng đưa các quy trình chẩn đoán nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống có được nguồn cây mẹ sạch bệnh, kiểm soát cây giống sạch bệnh trước khi cung ứng ra thị trường”-bà Ngọc thông tin thêm.
Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Gia Lai có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nhất là rau, hoa và cây ăn quả.
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả đến năm 2030, định hướng đến năm 2040. Trong đó, cây chanh leo được xác định là một trong 5 cây ăn quả chủ lực của tỉnh (chanh leo, chuối, bơ, dứa, sầu riêng).
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và HTX tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nhất là các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, năng lực quản lý. Việc liên kết giữa các doanh nghiệp với HTX và người dân cần có hợp đồng chặt chẽ, tránh tình trạng chèn ép người nông dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, cần đẩy nhanh việc chuyển giao, nhân rộng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên chanh leo, kiểm soát tốt nguồn giống sạch bệnh để phát triển chanh leo bền vững, hiệu quả.