Một ngày nọ, cư dân nơi đây đã phát hiện ra cả một nghĩa địa khổng lồ dưới đáy hồ làm dấy lên tin đồn “người tiền sử” thổi sáo quyến rũ người dương gian tìm đến cái chết…
Biển Hồ (còn gọi là hồ Tơ Nưng hoặc Ia Nueng, nằm trên địa phận xã Biển Hồ, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) là một thắng cảnh nổi tiếng ở Tây Nguyên. Nơi đây tìm thấy rất nhiều xác chết nạn nhân sau nhiều ngày mất tích, cũng đã có rất nhiều người tìm đến đây để kết liễu cuộc đời. Một ngày nọ, cư dân nơi đây đã phát hiện ra cả một nghĩa địa khổng lồ dưới đáy hồ làm cho dư luận xôn xao. Từ đó xuất hiện những lời đồn thổi vô căn cứ về hồn ma “người tiền sử” thổi sáo trên mặt hồ, quyến rũ người dương gian tự tìm đến cái chết…
Cả bản làng bị hủy diệt?
Đến Biển Hồ (hồ Tơ Nưng), du khách không chỉ được ngắm nhìn thắng cảnh thơ mộng, trữ tình, được chèo thuyền độc mộc lãng du trên mặt hồ mênh mông, mà còn được nghe những câu chuyện huyền thoại, ẩn chứa biết bao thú vị của một nền văn hóa xa xưa. Theo tin tức một già làng kể lại rằng, thủa hoang mang, hồ Tơ Nưng chưa được hình thành như bây giờ.
Trên đó vốn là một bản làng trù phú tươi đẹp, dân làng sống hòa thuận, trai gái tối ngày say mê với những vũ điệu nhảy, tiếng cồng chiêng rộn rã suốt ngày đêm. Nhưng rồi một hôm tai họa ập đến vùng đất Tơ Nưng bình yên, khiến cho trâu bò trong làng lăn ra chết hết. Dân làng nghĩ Yàng đang tức giận nên bảo nhau vào rừng săn bắt nai mang về cúng, và tổ chức ăn mừng.
Không ngờ, khi mọi người đang vui say thì bỗng dưng đất trời rung chuyển, đất sụt lún, cả bản làng bị rơi xuống vực sâu hun hút. Riêng có vợ chồng Mạc Mây bận đi thăm bà con ở xa nên đã tránh được kiếp nạn. Lúc về đến nơi, không thấy dân làng đâu nên buồn bã, thương nhớ mà khóc lóc suốt mấy ngày đêm rồi cũng qua đời. Nước mắt họ chảy tràn đầy vực sâu, biến thành hồ nước đau thương như bây giờ. Hồ Tơ Nưng chính là tên bản làng đã bị huỷ diệt.
Người Jrai cũng giải thích về huyền thoại hồ Tơ Nưng bằng những câu chuyện cổ, nơi đây khi xưa là bến nước uống chung của cả làng. Một hôm, trên đường đi đến bến để lấy nước, có hai người dân trong làng là Yă Pôm và Yă Chao phát hiện một con lợn trắng rất đẹp. Yă Chao đã bắt con lợn trắng kia về nuôi ở nhà mình. Hằng ngày, anh ta mang cho nó đủ thứ ăn ngon nhưng nó không ăn gì cả.
Một lần, Yă Chao mang những vỏ quả bầu đi lấy nước ở bến về dính những hạt cát trắng thì bỗng nhiên chú lợn con liếm hết những hạt cát một cách ngon lành. Sửng sốt trước hiện tượng lạ, thế là Yă Chao cứ đi lấy cát trắng về cho chú lợn ăn và nó lớn nhanh như thổi. Sau ba lần trăng tròn, con lợn trắng đã lớn bằng con trâu to khiến cả dân làng ngạc nhiên. Đến khi dân làng làm nhà rông mới, họ cần một con lợn thật to để cúng Yàng, làm lễ ăn mừng.
Sau khi sai người đi tìm kiếm khắp nơi nhưng không lấy đâu ra con lợn to như già làng mong muốn nên trở về nhà Yă Chao xin bắt con lợn trắng để làm thịt. Yă Chao kiên quyết từ chối, dù có đổi bao nhiêu tài sản của dân làng cũng không chịu. Cuối cùng dân làng đã cử 2 người to khỏe đến bắt cho bằng được con lợn trắng về làm thịt cúng Yàng và chia đều thịt cho các gia đình trong làng để ăn mừng. Riêng Yă Chao không nhận thịt và thề rằng: “Nếu gia đình tôi ăn thịt này thì đất sẽ động, bến nước sẽ sụp lở”.
Nhưng con trai của Yă Chao đòi ăn, nó khóc cả ngày đêm nên người vợ không cầm được lòng mà phải cho đứa con ăn thịt lợn trắng. Không ngờ, bỗng chốc trời đất, núi rừng rung chuyển, nhà cửa ngả nghiêng, vùi lấp cả dân làng. Chính vì thế nhiều người vẫn tin rằng, hồ Tơ Nưng sâu không đáy và thông ra tận biển Đông. Vì thế, họ người làm gỗ ở Gia Lai, họ chỉ cần thả những lóng gỗ xuống hồ, một đêm xuống cảng biển Quy Nhơn (Bình Định) là có thể lấy gỗ đem bán.
Sự rộng lớn của hồ nước này mênh mông như biển khơi nên người dân địa phương đặt tên là Biển Hồ. Dù thời tiết có nắng hạn đến đâu nhưng nước trong hồ thì không bao giờ cạn. Nó cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hàng chục ngàn người dân thành phố Pleiku. Phong cảnh xung quanh hồ rất thơ mộng, là nơi hẹn hò của nhiều đôi nam nữ yêu đương. Có lẽ vì những nét độc đáo đó mà một nhạc sĩ đã ví Biển Hồ như đôi mắt đẹp của thiếu nữ tuổi trăng tròn.
Phát lộ khu nghĩa địa “khổng lồ” dưới đáy hồ
Theo tìm hiểu, đã nhiều nhà khảo cổ học người nước ngoài đã tìm đến để nghiên cứu về Biển Hồ suốt một thời gian khá dài. Nhiều đề tài khoa học đã chứng minh, Pleiku chính là nơi bao chứa “nền văn hóa Biển Hồ”. Ở đó, nhiều trầm tích văn hóa được phát hiện, từ xa xưa từng có dấu chân người tiền sử để lại. Khi Biển Hồ vẫn còn là một điều bí mật với nhiều nhà khoa học thì một sự việc xảy ra khiến dư luận phải xôn xao. Việc phát hiện ra khu nghĩa địa “khổng lồ” dưới lòng hồ đã được bàn tán suốt một thời gian khá dài.
Được biết, người đầu tiên phát hiện ra sự việc là ông Quách Trọng Hoan (SN 1939, ngụ xã Biển Hồ, thành phố Plieku, tỉnh Gia Lai). Ông Hoan trầm tư kể lại: “Mùa khô năm 2011, nước lòng hồ cạn xuống mức kỷ lục, khiến một phần hồ cạn trơ đáy. Đang thả lưới bắt cá, thì thấy có rất nhiều mô đất nhô cao. Xem xét kỹ thì có cả những dấu tích của ngôi mộ cổ, có tấm bia hẳn hoi. Thấy vậy, tôi liền dùng cọc tre để đánh dấu, đếm được hơn 140 ngôi mộ tất thảy. Tôi nghĩ rất có khả năng vẫn còn nhiều mộ hơn nữa vì nước rút đến đâu mộ lại lộ ra đến đấy”.
Sau khi những thông tin về khu nghĩa địa “khổng lồ” này được phát tán, nhiều người dân trên khắp tỉnh Gia Lai đã kéo về đây. Người thì tò mò vì biết đâu kiếm chác được cái gì đó, người vì mong muốn tìm lại được hài cốt của người thân. Không ngờ, trong số đó cũng đã có gia đình tìm lại được mộ của thân nhân mình. Trường hợp đó là của gia đình ông Tô Hồng Nam (SN 1967, ngụ xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah), đã tìm thấy mộ của ông nội mình là ông Tô Tường.
Ngay sau đó, các ngành chức năng đã vào cuộc tìm hiểu, nghiên cứu, xác minh sự việc. Đến ngày 6/4/2011, đội công tác bốc cất và di dời do UBND thành phố Pleiku thành lập đã tiến hành kiểm tra, di dời các ngôi mộ ở khu vực này. Sau khi khai quật, đội công tác phát hiện một số mảnh xương nhỏ đã mục vụn thành đất, chỉ một số rất ít còn cứng.
Các ngành chức năng nhận định, khu nghĩa địa này sẽ bị ngập nước khi mùa mưa đến nên đã thông báo và hỗ trợ kinh phí cho tất cả các hộ dân có thân nhân chôn cất trong khu vực thực hiện việc di dời. Đối với các ngôi mộ không có người thân, chính quyền sở tại cũng đã bố trí lực lượng tiến hành di dời đến chôn cất tại khu vực thuộc địa phận thành phố Pleiku.
Hoang mang vì lời đồn rợn tóc gáy
Thật không ngờ, sự việc tìm thấy hài cốt dưới lòng Biển Hồ đã gây nên một cơn sóng tin đồn lan truyền làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Biết bao nhiêu lời kể không đầu, không cuối có nội dung về khu nghĩa địa dưới lòng hồ huyền thoại này. Một người tham gia bốc hài cốt tại khu nghĩa địa nhớ lại: Hồi đó được người ta thuê bốc những hài cốt thân nhân ở khu nghĩa địa “ngầm”. Khi đào một ngôi mộ lên, mở ván ra thì thấy xác của một phụ nữ vẫn còn nguyên vẹn chưa bị phân hủy nằm dưới đó, quá hoảng sợ nên người này liền lấp đất lại rồi bỏ đi.
Nhiều người cũng cho rằng, chính mắt họ đã nhìn thấy hàng tá hòm gỗ, từ trong hài cốt đó bốc lên mùi uế, khí tanh, hôi bốc lên nồng nặc. Vì thế đã có nhiều người dân ở các nơi khác đến nhận mộ người thân và cũng chẳng biết thực hư ra sao. Cũng có nhiều người mang hương đến để cầu khấn xin lộc.
Sự việc không chỉ dừng lại ở đó, mà nó còn diễn biến theo chiều hướng xấu hơn. Vì ngay ngày hôm sau, người dân lại bàng hoàng vì cái chết của một chàng trai. Nạn nhân này đã nhảy xuống con thác hung dữ ở ngay cạnh hồ, dưới chân thác nước chảy xiết đó có những hang, hố sâu hun hút, đó là nơi rất nhiều người chết mất xác.
Người nhà nạn nhân phải nhờ đến hàng chục thợ lặn có tiếng ở vùng biển Quy Nhơn lên, nhưng vẫn vô vọng. Ba ngày sau, thì xác chết kia nổi lên mặt hồ. Thế là, người dân lại kể cho nhau nghe về những xác chết nỗi trên mặt hồ và những vụ tự tử đầy bí ẩn trước đây. Một người nhanh nhẹn xâu chuỗi các sự kiện lại một cách lô-gic và kết luận: “Chính tiếng sáo của hồn ma người tiền sử kia đã “quyến rũ” người đàn ông kia tìm đến hồ tự vẫn. Và đó cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người phải bỏ mạng”.
Còn tiếp…