Chiều 15/7, tại kỳ họp HĐND tỉnh Gia Lai khóa X, kỳ họp thứ 9, các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả tham vấn ý kiến của nhân dân về địa giới hành chính giữa tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Tin nhanh cho hay, tại cuộc họp, ông Đinh Duy Vượt, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai trình bày kết quả tham vấn ý kiến nhân dân. Theo đó, vào năm 1991, tỉnh Gia Lai Kon Tum (cũ) được chia tách làm 2 thành tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum. Theo sự phân chia ban đầu, tỉnh Gia Lai có 11 đơn vị hành chính với tổng diện tích tự nhiên là 12.000km2; tỉnh Kon Tum có 6 đơn vị hành chính với tổng diện tích là 13.000km2.
Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, điều hành, UBND tỉnh Kon Tum cho rằng diện tích được phân chia như thỏa thuận ban đầu vẫn còn thiếu nên đã gửi văn bản lên Chính phủ, Bộ Nội vụ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu được giải quyết đủ số diện tích đất còn thiếu.
Kỳ họp HĐND tỉnh Gia Lai khóa X, kỳ họp thứ 9
Theo công văn gửi các cơ quan TW, tỉnh Kon Tum đề nghị được chuyển 4 xã ở Gia Lai nằm tại vùng giáp ranh là Ia Khươl, Ia Phí (huyện Chư Pah), Kon Pne và Đak Rong (huyện Kbang) về địa phương mình quản lý.
Trước đề nghị này, tại thông báo số 724/TB-BNV ngày 17/3/2010, Bộ trưởng Bộ Nội vụ kết luận, địa giới hành chính của 2 tỉnh đã có quá trình ổn định lâu dài; diện tích thực tế của mỗi tỉnh sẽ bằng tổng diện tích các đơn vị hành chính thuộc tỉnh; tôn trọng hiện trạng quản lý về địa giới hành chính theo Nghị quyết ngày 17/10/1991 của HĐND tỉnh Gia Lai-Kon Tum khóa VI kỳ họp bất thường và biên bản cuộc họp ngày 19/10/1991 của UBND 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân.
Các đại biểu đã được nghe báo cáo về kết quả tham vấn ý kiến của nhân dân về địa giới hành chính giữa tỉnh Gia Lai và Kon Tum
Không đồng ý với kết luận này, ngày 10/6/2014 và ngày 20/6/2014, UBND tỉnh Kon Tum lại tiếp tục có văn bản gửi Bội Nội vụ và Chính phủ yêu cầu giải quyết “tranh chấp” đất đai và đề nghị được chia đủ số diện tích hiện đang còn thiếu. Trước vấn đề này, Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai đã lấy ý kiến của đại diện nhân dân các thôn như già làng, người có uy tín, các vị lão thành cách mạng của 4 xã.
Theo đó, có 100% ý kiến bày tỏ nguyện vọng không đồng ý chuyển về tỉnh Kon Tum; giữ nguyên hiện trạng do tỉnh Gia Lai quản lý từ trước đến nay để được ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất.
Tại kỳ họp, nhiều đại biểu HĐND tỉnh ý kiến giữ nguyên hiện trạng địa giới hành chính của 2 tỉnh. Đồng thời lập tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đính chính lại số liệu diện tích tự nhiên không đúng với thực trạng đang quản lý từ trước đến nay.