Vụ mùa thu hoạch cà phê sắp kết thúc, và đây cũng là thời điểm phù hợp để bà con có thể chọn những hạt cà phê tốt để nhân giống cho vụ sau. Chuse24h xin được đăng lại bài viết về cách nhân giống của 2 loại cà phê phổ biến ở nước ta là cà phê Arabica (cà phê chè) và cà phê Robusta (cà phê vối) với hai phương pháp Nhân giống hữu tính và vô tính. Mời bà con theo dõi bài viết nhằm phục vụ tốt cho công việc nhân giống diễn ra thành công.
Cà phê là một cây công nghiệp dài ngày, chu kỳ kinh tế trên 40 năm tuỳ theo từng giống, điều kiện trồng chế độ chăm sóc và mục đích khai thác. Vì vậy để bảo đảm cho việc sản xuất kinh doanh thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao thì việc chọn giống cũng như kỹ thuật nhân giống thích hợp có tính quyết định.
I. Nguồn vật liệu để nhân giống
Hiện nay có 2 loại cà phê chè và giống cà phê vối. Đây là 2 loài mang những đặc điểm di truyền cũng như yêu cầu sinh lý, sinh thái hoàn toàn khác nhau. Do vậy phương pháp và kỹ thuật nhân giống đối với từng loại vật liệu của 2 loài này có những điểm cơ bản khác nhau.
1.1. Vật liệu giống cà phê chè.
Cà phê chè là một cây thụ phấn nên hầu hết các giống cây chè hiện đang được trồng ở trong nước như: Bourbon, Typica, Caturra,Catuai, mundo, Novo, Catimor, TH1,vvv…đều có độ thuần chủng rất cao. Vì vậy, việc nhân các giống này được thực hiện bằng phương pháp hữu tính. Tuy nhiên , để tránh bị lai tạp khi thiết lập các vườn nhân giống nhất thiết mỗi vườn chỉ trồng một loại giống và phải cách ly với các vườn giống khác.
Trong những năm gần đây Viện khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đang phổ biến ra sản xuất giống cà phê chè lai thế hệ F1. Do điều kiện hiện nay chưa thể tổ chức được sản xuất hạt giống lai F1 nên vẫn phải nhân giống bằng phương pháp vô tính.
1.2. Vật liệu cà phê vối (cà phê Robusta)
Khác với cà phê chè, cà phê vối là cây thụ phấn chéo bắt buộc do vậy không thể tạo ra được các dòng thuần để lấy hạt làm giống. Hiện nay, việc cung cấp hạt giống cà phê vối cho sản xuất đều là những hạt giống lai 2 hoặc đa dòng. Những vườn trồng bằng những loại hạt giống này không thể dùng để làm vườn để lấy hạt giống.
Muốn thiết lập các vườn sản xuất lai 2 hoặc đa dòng người ta phải sử dụng các cây bố, mẹ được nhân bằng phương pháp vô tính và trồng thành hàng xen kẽ nhau để đảm bảo cho sự thụ phấn được tốt nhất và phải có biện pháp cách ly với các vườn cà phê vối khác tránh bị tạp giao. Kích thước hạt cà phê thường được di truyền theo cây mẹ vì vậy nên chọn những dòng vô tính có kích thước hạt lớn làm cây mẹ để sản xuất hạt giống.
Ngoài hạt giống lai, nguồn vật liệu giống cà phê vối thường dùng hiện nay để nhân giống và trồng trong sản xuất là các dòng vô tính. Nhân các dòng này bắt buộc phải dùng phương pháp nhân vô tính.
II. Nhân hữu tính.
2.1. Chế biến, bảo quản và vận chuyển hạt giống.
Quả cà phê để chế biến hạt làm giống phải thu hái đúng tầm chín. Không thu hái những quả đã chín nẫu, còn ương, quả khô, quả bị khô hoặc bị dị dạng. Quả cà phê sau khi thu hoạch về phải đem chế biến ngay không để sang ngày hôm sau.
Dùng các loại máy xát đĩa, trống hoặc trục côn để tách lớp vỏ quả. Trong điều kiện hộ gia đình, với khối lượng quả ít, không thể dùng chân đạp để tách lớp vỏ quả. Sau khi tách lớp vỏ quả, hạt thu được còn một lớp nhớt bám xung quanh bên ngoài lớp hạt cần phải được làm sạch bằng cách đem ủ khoảng 12-20 giờ tuỳ điều kiện khí hậu của từng vùng để cho lớp nhớt này bị phân huỷ sau đó đem rửa, đãi cho thật sạch.
Trong quá trính ủ cần đảo trộn đều 2-3 lần. Cũng có thể làm sạch ngay lớp nhớt này bằng việc dùng dung dịch có chứa một trong những loại hoá chất Na2CO3, NaOH hoặc NH4OH nồng độ khoảng 2-3% để tẩy rửa. Hạt cà phê sau khi được rửa, đãi sạch nhớt được hong ở nơi râm, mát cho ráo nước.
Hạt cà phê không có tính ngủ nghỉ và rất nhanh mất sức nảy mầm vì vậy sau khi chế biến xong nên đem đi gieo, ươm ngay và chỉ cần từ 7-15 ngày là nảy mầm hoàn toàn. Nếu chưa sử dụng ngay thì cần phải bảo quản hạt giống ở những nơi thoáng mát bằng cách rải thành từng lớp dày khoảng 10cm trên nong, nia, liếp đan hoặc trên nền xi măng khô ráo.
Trong thời gian bảo quản phải thường xuyên kiểm tra để loại bỏ kịp thời các hạt có lỗ mọt, hạt bong vỏ, hạt đen bị nấm mốc. Hạt giống được bảo quản trong môi trường độ ẩm không khí 85-90%, nhiệt độ 22-25oC và độ ẩm của hạt 20-22% thì sau 2-3 tháng tỷ lệ nảy mầm vẫn có thể đạt trên 80%. Quá thời gian đó thì tỷ lệ nảy mầm sẽ giảm đi một cách rất nhanh chóng. Khi vận chuyển đi xa hạt giống phải đựng trong các bao đay, bao dệt bằng PE với khối lượng không quá 30kg/bao. Phương tiện vận chuyển phải có mui che mưa, nắng, thoáng mát và sạch sẽ.
Không để hạt giống bị hấp hơi khi vận chuyển, bảo quản. Thường xuyên kiểm tra khi thấy nhiệt độ trong bao đựng hạt lên đến khoảng 40oC thì phải tạm thời cho hạt ra khỏi bao. Để tránh bị nhiễm bệnh trong quá trình bảo quản, vận chuyển có thể dùng các loại thuốc trừ nấm dạng bột như Benomyl, Captan, Captafol, benlat…trộn đều với hạt giống.
2.2. Xây dựng vườn ươm
Tuỳ theo quy mô, mục đích sử dụng mà xây dựng vườn ươm theo dạng cố định hay tạm thời. Cần chọn những nơi thuận tiện cho việc vận chuyển, đi lại, quản lý, chăm sóc, gần nguồn nước, không bị ngập úng, tương đối lặng gió và không có các chất độc hại cũng như nguồn bệnh gây hại cho cây trồng để xây dựng vườn ươm. Nếu vườn ươm được xây dựng trên nền đất mới có lớp đất mặt thích hợp để làm bầu thì cần dọn sạch cỏ rác, thân, gốc cây ra ngoài. Sau đó dùng bừa đĩa nhẹ hoặc phay làm tơi lớp đất mặt tới độ sâu 10-15cm.
Trong quá trình này tiếp tục thu gom các loại rễ cây, đá, gạch còn sót lại… trước khi làm luống, vào bầu đất cần tiến hành dựng giàn che nắng. Giàn nên làm cao khoảng 2m để tiện cho việc đi lại. Có thể dùng cọc gỗ, tre…có đủ độ vững chắc để làm cột, phía trên gác cây để làm giàn. Hàng cột không làm trên lối đi giữa 2 luống. Vật liệu dùng để làm giàn che nắng có thể là tầu dừa, rơm rạ, cỏ tranh, liếp tre, nứa…hoặc lưới ly non sao cho dễ điều chỉnh được lượng chiếu sáng phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng của cây.
Lúc đầu giàn che chỉ để cho khoảng 20-30% ánh sáng tự nhiên đi qua. Xung quanh vườn cần có liếp che, hoặc trồng các băng cây anh để chắn gió, bên ngoài đào các mương vừa để thoát nước lại vừa để chống cháy. Luống đặt bầu nên làm theo hướng Bắc-Nam có chiều rộng khoảng 1,0-1,2m dài 20-25m, lối đi giữa 2 luống rộng 0,35-0,4m. Đối với những vườn ươm lớn, sử dụng lâu dài nên chọn vị trí thích hợp để xây bể chứa nước có ngâm các loại phân để tưới thúc, đồng thời thiết kế hệ thống dẫn nước hoặc giàn tưới phun mưa.
2.3. Bầu dùng để ươm cây giống
Dùng túi nylon có kích thước rộng từ 15-17cm, dài 23-25cm và đục 8 lỗ đường kính 0,5cm cách đáy bầu khoảng 2-4cm để dễ thoát nước. Đất dùng để vào bầu phải chọn lớp đất mặt từ 0-20cm, tơi xốp và nhiều mùn. Không nên dùng tầng đất quá sâu; đất sét, đất thịt nghèo chất dinh dưỡng, khó thoát nước cây sẽ bị còi cọc không phát triển được.
Dùng lớp đất mặt đã được làm tơi xốp trộn lẫn với phân chuồng đã hoại mục và phân lân theo tỷ lệ sau: 0,7-0,8m3 đất mặt+0,3-0,2m3 phân chuồng + 5-6kg phân lân nung chảy sẽ tạp thành 1 m3 hỗn hợp đủ đóng được 800-900 bầu có kích thước như trên. Khi cho đất vào bầu cần phải lèn chặt, bầu cân đối không gấp khúc và cách mép bầu khoảng 1cm.
2.4. Xử lý thúc mầm và cho hạt vào bầu
a. Xử lý thúc mầm với hạt còn nguyên vỏ thóc
Hoà nước vôi theo tỷ lệ 1kg vôi trong 50 lít nước, sau đó gạn lấy phần nước trong đem đun nóng tới khoảng 55-60oC rồi cho hạt vào ngâm 18-24 giờ. Vớt hạt giống ra đem đãi, rửa cho thật sạch nhớt bằng nước sạch. Trong quá trình đãi, rửa cần loại bỏ những hạt lép, đen, mốc. Dụng cụ để ủ hạt giống có thể dùng rổ, rá, thúng hoặc sọt đan dày tuỳ theo khối lượng giống cần ủ, với điều kiện dễ thoát nước.
Phía dưới lót một lớp lá chuối hay rơm khô sạch, sau đó một lớp bao đay sạch. Đổ hạt giống vào và dùng một hay hai bao tải sạch khác tủ lên trên và trên cùng tủ thêm các lớp rơm rạ để giữ nhiệt. Hàng ngày kiểm tra nếu thấy hạt giống bị khô thì phải dùng nước ấm (30-40oC) để tưới cho hạt đủ ẩm. Sau 5 ngày kể từ khi ủ hạt cần thường xuyên kiểm tra nếu thấy hạt đã nhú mầm thì đem ươm vào bầu ngay, đồng thời loại bỏ kịp thời những hạt bị thâm đen, nấm mốc để tránh lây lan.
Nhiệt độ thích hợp cho hạt nảy mầm là từ (30-32oC), do vậy ở những nơi có nhiệt độ thấp cần có biện pháp giữ nhiệt cho đủ ấm bằng việc thường xuyên tưới nước nóng, hoặc để trong nhà bếp và ban ngày đem phơi nắng nhưng phải đậy kín để tránh bị khô.
Ở những nơi trong giai đoạn ủ hạt nhiệt độ không thấp lắm có thể ủ hạt ngay trên luống đất. Luống ủ hạt cao 10-15cm, rộng 1,0-1,2m. Trước khi rải hạt cần rải một lớp cát sạch 1-2cm, tiếp đến là lớp hạt giống dày 3-4cm rồi phủ một lớp cát dày 1-2cm và trên cùng phủ một lớp bao đay hoặc rơm rạ để giữ nhiệt. Ban ngày để che nắng chiếu trực tiếp trên luống và tưới đủ ẩm. Ban đêm cần che tủ kỹ để giữ nhiệt.
b. Xử lý thúc mầm với hạt đã bóc vỏ thóc
Phương pháp này có ưu điểm là rút ngắn được thời gian ủ hạt, nhưng chỉ thích hợp khi số lượng hạt giống ít. Đối với số lượng hạt giống nhiều và đặc biệt là loại hạt giống đã qua thời gian bảo quản dài xử lý thúc mầm khó, hạt dễ bị hư hỏng.
Để hạt mọc mầm tốt cần đem hạt giống ra hong dưới nắng khi thấy vỏ thóc hơi giòn sau đó đem đi bóc bằng tay hoặc dùng chân chà nhẹ sao cho lớp vỏ thóc tách rời ra. Tiếp đó lựa bỏ những hạt dị dạng, sâu mọt, …rồi đem ngâm trong nước sạch nóng (50-55oC) trong khoảng thời gian 16-18 giờ. Sau đó đãi sạch lớp vỏ lụa bám xung quanh hạt rồi đem ủ thúc mầm như trường hợp hạt không bóc vỏ thóc. Điều cần lưu ý là trong thời gian 4-5 ngày đầu phải thường xuyên kiểm tra nếu thấy vẫn còn ít vỏ lụa lẫn trong khối hạt thì phải đem đi đãi lại cho thật sạch để tránh bị thối.
c. Cho hạt vào bầu
Thông thường sau 5 ngày kể từ khi ủ hạt đã bắt đầu nẩy mầm. Do hạt không nảy mầm cùng lúc nên hàng ngày tiến hành kiểm tra nếu thấy hạt đã nhú màm phải đem cho vào bầu ngay tránh để rễ dài ra bị gãy hoặc bị cong queo khi cho vào bầu. Dùng ngón tay trỏ hoặc que nhọn có đường kính khoảng 1cm chọc một lỗ ngay giữa bầu đất, rồi đặt hạt đã nẩy. Độ sâu đặt hạt cách mặt đất 1,5-2 cm và lấp đất lại. Sau khi cho hạt vào bầu xong có thể dùng trấu rải lên mặt bầu hoặc dùng rơm phủ lên một lớp mỏng để khi tưới hạt không bị xê dịch.
Trong trường hợp hạt ủ đã nhú mầm mà bầu đất chưa kịp đóng xong, để tránh cho rễ không bị gãy do phát triển quá dài trong lúc đợi bầu đất có thể ươm hạt ra luống đất đã làm sẵn. Gieo hạt thành từng hàng, hạt cách hạt khoảng 1cm và hàng cách hàng khoảng 3-4cm. Cách gieo hạt vào luống tương tự như gieo hạt vào bầu, sau đó phủ lên trên một lớp cát dày khoảng 0,5cm và tưới nước đủ ẩm.
Khi cây con còn ở giai đoạn đội mũ chưa bung lá sò tiến hành bứng cây để chuyển vào bầu đất. Dùng que nhọn đường kính khoảng 2-3cm chọc một lỗ ngay giữa bầu tới độ sâu 10-12cm, đưa bộ phận rễ xuống một cách cẩn thận sao cho không làm cong đầu rễ, cổ rễ hơi nằm sâu dưới mặt đất, sau đó dùng que lèn đất dọc theo chiều dài của rễ. Vừa lèn đất vừa lấy tay kéo nhẹ cây lên để cho rễ được thẳng.
Trong quá trình bứng cây cho vào bầu cần loại bỏ tất cả những cây có bộ rễ cong rễ bị xoắn hoặc có hai, ba rễ cọc. Nên dành một số bầu ở mép hàng để ươm 2 cây dùng trồng giặm vào những bầu có cây chết.
2.5. Chăm sóc, huấn luyện cây con
2.5.1. Tưới nước – làm cỏ
Dùng ô doa cứ 2-3 ngày tưới một lần. Thời gian đầu tưới bằng nước lã, khi cây đã có từ 1-2 cặp lá thật có thể dùng phân urê hoà loãng 0,1-0,15% để tưới. Khi cây có từ 3 cặp lá thật, tăng nồng độ lên 0,2-0,3%, sau khi tưới xong đợi cho lá khô ráo thì tưới lại bằng nước lã. Tưới phân vào lúc buổi sáng và cách nhau 15-20 ngày tưới một lần. Ngoài ra nên dùng thêm nước ngâm phân hữu cơ, khô dầu pha thật loãng để tưới. Sau khi tưới xong cần tưới lại bằng nước lã để phân không bám trên mặt lá làm lá bị cháy.
Nếu thấy có cỏ dại xuất hiện trên mặt bầu phải kịp thời nhổ bỏ. Thường xuyên phá vỡ lớp váng trên mặt bầu bằng cách dùng tay bóp nhẹ xung quanh miệng bầu hoặc dùng que xăm bới.
2.5.2. Điều chỉnh ánh sáng
Từ mọc cho đến khi cây có một cặp lá thật chỉ để khoảng 15-20% lượng ánh sáng tự nhiên chiếu xuống. Khi cây được 2-3 cặp lá thật điều chỉnh tăng độ chiếu sáng lên 30-40%. Từ 3-4 cặp lá để khoảng 50-70% lượng chiếu sáng và trước khi đem trồng khoản một tháng dỡ bỏ hoàn toàn giàn che để cây quen dần với ánh sáng ngoài đồng ruộng. Cây con đủ tiêu chuẩn trồng khi đã có 5-6 cặp lá thật, cao từ 20-30 cm và có đường kính thân trên 3mm.
III. Nhân vô tính.
Nhân giống cà phê vô tính bằng nhiều phương pháp như ghép khác nhau như giâm cành, nuôi cấy mô…nhưng chỉ có phương pháp ghép và giâm cành là được áp dụng rộng rãi nhất trong sản xuất vì không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, trang thiết bị chuyên dùng, giá thành thấp.
1. Nhân giống vô tính bằng phương pháp ghép
1.1. Thiết lập vườn nhan chồi ghép
Để đảm bảo đủ chồi ghép có chất lượng tốt cần phải thiết lập các vườn nhân chồi ghép. Vườn nhân chồi ghép nên bố trí gần với vườn ươm, vừa tiện lợi cho việc quản lý, chăm sóc, vừa thuận lợi cho việc thu hoạch, bảo quản và vận chuyển chồi. Thiết kế vườn thành các luống rộng khoảng 1,2-1,6m dài 10-20m tuỳ theo địa điểm, số dòng vô tính và số lượng mỗi dòng vô tính cần nhân.
Cày, xới làm tơi lớp đất sâu tới 30-40cm sau đó trộn đầu với phân chuồng đã hoai mục và phân lân theo tỷ lệ mỗi 1m2 trộn 15-20 kg phân chuồng + 2-3 kg phân lân . Giữa các luống chừa một lối đi khoảng 0,5m đắp cao hơn luống khoảng 15-20cm. Mật độ trồng tuỳ theo khả năng sinh trưởng của mỗi dòng vô tính. Thời vụ trồng tốt nhất là vào đầu mùa mưa khi cây con đã có khoảng 3-4 cặp lá.
Sau khi trồng khoảng 3-4 tháng có thể thu lứa chồi đầu tiên. Để kích thích cho cây ra chồi cần cắt sát mặt đất khoảng 10-15cm và chừa lại đôi lá gốc (đối với cây trồng bằng cành giâm) và chừa lại một đốt cùng cặp lá của phần ngọn ghép (đối với cây trồng bằng cây ghép). Các chồi mới khi đã có từ 2 đốt trở lên là tiến hành thu chồi. Khi cắt cũng chừa lại một đôi lá gốc. Sau mỗi lần cắt bón phân hoá học với mức 150 g urê + 30 – 40g K2SO4/m2. Đồng thời thường xuyên tưới nước đủ ẩm, bón phân hữu cơ và phòng ngừa trừ sâu bệnh hại để cho chồi luôn phát triển khoẻ mạnh, khi ghep đạt tỷ lệ sống cao.
Cứ sau 10 – 15 ngày kiểm tra các chồi nếu thấy các cành ngang đã hình thành thì kịp thời ngắt bỏ các cành ngang này. Tốt nhất mỗi gốc chỉ nên duy trì 3-4 chồi. Vườn nhân chồi nếu được quản lý, chăm sóc tốt có thể khai thác được tới 3-4 năm và mỗi năm một ha vườn nhân chồi có thể cung cấp được 1,5 – 2 triệu chồi/năm. .
1.2. Kỹ thuật ghép
Hầu hết các phương pháp ghép áp dụng cho các loại cây ăn quả đều có thể dùng để ghép cho cây cà phê. Tuy nhiên từ những kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn cho thấy phương pháp ghép nối ngọn là thích hợp hơn cả. Vì vậy, trong phần này chỉ trình bày phương pháp ghép nối ngọn trong cả hai trường hợp đối với gốc ghép đã được ươm trong bầu 4-6 tháng tuổi và đối với gốc ghép còn non đang ở giai đoạn đội mũ (ghép dưới trục hạ diệp).
Cho đến nay chưa thấy một ghi nhận nào về sự không tương thích cũng như ảnh hưởng xấu của chồi ghép và gốc ghép giữa 3 loài cà phê chè, vối và mít. Do vậy ghép không những là một phương pháp nhân vô tính mà còn là một phương pháp nhân giống tạo tính kháng tuyến trùng đặc bịêt là đối với các giống cà phê chè bằng cách ghép trên gốc cà phê vối có mang tính kháng cao.
a. Gốc ghép có từ 4-6 tháng tuổi
Những cây non được nhân bằng con đường hữu tính như đã trình bày ở mục II trên đây khi đã có từ 3 cặp lá thật trở lên là có thể sử dụng để làm gốc ghép. Dùng kéo cắt bỏ phần ngọn non cách cặp lá phía dưới khoảng 3-4 cm sau đó từ đỉnh vết cắt bổ dọc đoạn thân xuống phía dưới dài chừng 2-3cm.
Chồi ghép là một đoạn ngọn thu từ vườn nhân chồi ghép dài chừng 4-5cm có mang một cặp lá còn non hoặc bánh tẻ và một đỉnh sinh trưởng. Dùng kéo cắt bớt 2/3 phiến lá để làm giảm quá trình mất nước sau đó dùng dao sắc cắt vát hai phía của đoạn chồi phía dưới tương ứng với 2 phía mang lá để tạo thành hình một cái nêm. Đoạn vát dài từ 2-3cm.
Đưa chồi ghép vào gốc ghép sao cho hai lớp vỏ của chồi ghép và gốc ghép tiếp giáp thật tốt với nhau, sau đó dùng dây nylon rộng 1-1,2cm, dài 25-30cm buộc thật chặt phần tiếp xúc giữa gốc ghép và chồi ghép nếu độ ẩm không khí quá thấp thì sau khi ghép xong dùng một bao nylon buộc chụp lên phần chồi ghép trong tuần đầu sau khi ghép để hạn chế sự bốc thoát hơi nước. Sau thời gian ghép khoảng một tháng khi thấy chồi ghép đã tiếp hợp tốt bắt đầu ra lá mới thì cắt bỏ dây buộc.
b. Gốc ghép còn non (giai đoạn đội mũ)
Phương pháp này thường được sử dụng để ghép các giống cà phê chè trên gốc cà phê vối có khả năng kháng được tuyến trùng hại rễ nhằm tạo ra các giống cà phê chè có khả năng kháng được tuyến trùng. Thực chất đây không phải là phương pháp nhân giống vô tính mà là nhân giống hữu tính vì chồi ghép được dùng là những cây cà phê chè được gieo ươm bằng hạt.
+ Chuẩn bị gốc ghép
Dùng hạt của các giống cà phê vối có khả năng kháng cao với tuyến trùng hạt rễ để gieo ương làm gốc ghép. Khi hạt ủ đã bắt đầu nhú mầm có thể đem ươm trực tiếp trên luống rộng từ 1-1,2m (nếu ương cây con trên luống) theo khoảng cách 20×20 cm hoặc trực tiếp vào bầu như trường hợp nhân hữu tính đã nêu ở phần trên. Khi cây mọc tới giai đoạn đội mũ (hình dạng trông giống que diêm) có thể dùng làm gốc ghép. Dùng kéo cắt bỏ phần ngọn, sau đó dùng dao mỏng, sắc vát nhẹ 2 bên gốc của ngọn ghép chừng 0,5-1cm.
Dùng tay đưa nhẹ phần vát của ngọn vào vị trí đã bổ của gốc ghép tự hoại buộc chặt phần tiếp giáp giữa gốc và chồi ghép. Kỹ thuật chăm sóc huấn luyện cây sau khi ghép tương tự như phương pháp nhân giống hữu tính. Sau khi ghép xong dùng lớp nylon trắng làm thành vòm che kín trên luống để giữ ẩm trong tuần đầu.
2. Nhân giống vô tính bằng phương pháp giâm cành
2.1. Bể giâm
Bể giâm có thể xây gạch đóng bằng ván gỗ hoặc dùng tre làm thành khung dạng vòm, phía trên/ ngoài đậy nắp kính hoặc bọc một lớp nylon thấu quang đủ độ bền với điều kiện sao cho thật kín để giữ độ ẩm bên trong luôn ở mức gần bão hoà và nhiệt độ ổn định trong khoảng 24-28oC, đồng thời phải cho ánh sáng tán xạ đi qua chừng 20-25% lượng ánh sáng tự nhiên.
Toàn bộ bể giâm cành phải được đặt dưới một giàn che cao khoảng 2-2,5cm, như giàn che cho vườn ươm. Trong 2 tuần lễ đầu nên che bớt khoảng 75-80% ánh sáng tự nhiên sau điều chỉnh dần chỉ để khoảng 40%. Có thể dùng cát sạch, mùn cưa, vỏ trấu, vỏ cà phê khô đã hoai dùng riêng hoặc trộn lẫn với nhau dùng làm nên (giá thể). Để bể ngâm thoát nước tốt phía dưới đáy rải một lớp đá, sỏi dày chừng 20-30cm sau đó mới rải lớp chất nền dày chừng 25-30cm. Sau khi rải xong dùng các loại thuốc trừ nấm như Zinep, Manep …(trừ các loại thuốc có gốc đồng) phun đều lên trên chất nền.
2.2. Chọn và xử lý giâm cành
Chỉ sử dụng các loại chồi vượt và thân chính để làm cành giâm, không được sử dụng các cành ngang. Chọn các chồi vượt từ vườn nhân chồi có từ 6-8 đốt đang ở giai đoạn bánh tẻ, vỏ còn xanh, đường kính trên 400 để thu hoạch.Trước khi thu hoạch khoảng một tuần đến 10 ngày cắt bỏ phần ngọn còn non. Thời gian thu hoạch chồi trước 9 giờ sáng mỗi ngày để tránh bị khô héo.
Chồi thu về dùng kéo cắt thành từng đoạn, mỗi đoạn là một lóng đốt dài 5-6cm có mang một cặp lá. Vết cắt phía trên cọc lá hơi xiên và cách cuống lá từ 4-5mm, không gây xước hoặc dập nát lớp vỏ. Cặp lá này được cắt bỏ bớt chỉ giữ lại 1/3 đến 1/4 diện tích mỗi lá. Phân đuôi được cắt vát hai bên tạo thành hình cái nêm. Sau khi chuẩn bị xong nhúng cành vào nước sạch rồi đem cắm cào bể giâm. Mật độ căm khoảng từ 400-500 cành/m2. Hàng ngày dùng nước sạch tưới 2 lần vào sáng sớm và xế chiều mỗi lần 1-2 lít nước/m2 và nhặt bỏ kịp thời những lá rụng và cành bị thối.
Thời gian từ khi đưa cành vào bể giâm cho đến khi ra ngôi khoảng 10-15 ngày dỡ bỏ dần tấm che phía trên và hạn chế tưới nước để cành giâm quen dần với môi trường mới. Sau khi ra ngôi xong nếu muốn giâm lại đợt khác thì phải để cho nền được nghỉ khoảng 2 tuần. Trong 2 tuần đó tiến hành xới xáo lại lớp nền, nhặt bỏ các đoạn chồi, lá thối có lẫn trong nền, dội nước rửa sạch và dùng thuốc diệt nấm để phun trước khi đưa cành vào giâm lại. Sau 2-3 đợt giâm thì mới thay chất nền.
2.3. Ra ngôi và chăm sóc cây trong vườn ươm
Sau thời gian 2,5-3,5 tháng trong bể giâm cành đã có bộ rễ dài trên 7 cm và thường thì mỗi cành có 1-3 rễ chính mọc thẳng đứng và hệ thống rễ tơ. Chỉ chọn những cành giâm có bộ rễ phát triển tốt để ra ngôi và loại bỏ những cành có bộ rễ kém phát triển. Sau khi bứng cành ra khỏi bể giâm kiểm tra lại bộ rễ trước khi cho vào bầu đất. Nếu thấy có từ 2 rễ chính trở lên thì tiến hành cắt bỏ bớt chỉ giữ lại một rễ to khoẻ.
Trường hợp rễ chính quá dài cũng nên cắt ngắn lại chỉ để dài từ 7-10 cm nhằm tránh bị cong rễ khi cho vào bầu. Do cây giâm cành phát triển nhanh và khoẻ hơn so với cây thực sinh nên bầu dùng để ươm cây giâm cành nên làm to hơn. Tốt nhất là sử dụng loại bầu có kích thước 20x30cm. Đất vào bầu tương tự như đất vào bầu đối với cây thực sinh. Dùng một que gỗ nhọn đường kính 2-3cm chọc một lỗ ngay giữa bầu đất sâu 15cm, đưa bộ rễ cành giâm xuống sao cho không bị gấp khúc hoặc cong queo, cuốn lá cách mặt bầu 1-1,5cm rồi nén đất chặt đều bốn phía.
Cành giâm đã ra ngôi xong đem đặt thành luống trong vườn ươm như vườn cây thực sinh. Những ngày đầu cần che mát hoàn toàn phía trên và tưới nước đủ ấm. Việc chăm sóc sau khi ra ngôi tương tự như chăm sóc cây thực sinh. Sau khoảng 4-5 tháng cây đã đạt chiều cao từ 17-20cm, có từ 5 cặp lá và 1-2 cặp cành ngang là có thể đem trồng. Trước khi đem trồng cắt bỏ cành ngang mọc sát đất.
Chúc bà con thành công và có được những cây con ưng ý.