35.2 C
Chư Sê
Chủ Nhật, Tháng Tư 14, 2024

Lăn bánh xe qua muôn vàn điều không thể để đến với ‘cà phê tử tế’

Must read

Dù khó khăn chồng chất, dù có lúc từng nghĩ đến cái chết nhưng cậu trai khuyết tật Nguyễn Trung Hậu ngày nào đã trưởng thành.

Hậu đã lăn bánh xe qua những cơn bĩ cực để đi đến vị trí CEO của một công ty chuyên sản xuất cà phê, một Trung tâm tiếng Anh và tác giả của một cuốn sách về khởi nghiệp. 

Câu chuyện của Nguyễn Trung Hậu, 39 tuổi, quê tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi ít nhiều đã truyền cảm hứng cho cả một thế hệ khởi nghiệp trong thời kỳ khó khăn hay đâu đó những mảnh đời thuộc nhóm yếu thế đang loay hoay tìm kiếm cho mình một cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Thoát ly miền quê nghèo để đi làm cà phê tử tế

“Từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã quen với việc bị nói rằng mình không thể. Tôi không thể đi lại như anh hai và mấy đứa bạn trong xóm. Tôi không thể tiếp tục học cấp ba. Tôi không thể mở công ty…”, Nguyễn Trung Hậu, nhà sáng lập thương hiệu “Ngồi Cafe” và là chủ Trung tâm Anh ngữ “Con ơi” đã mở đầu câu chuyện như thế. Trong ánh mắt rạng ngời, xen lẫn chút kích động khi nhắc lại chuyện ngày xưa, Hậu bảo sau cơn sốt bại liệt năm lên 5 tuổi, anh ngã nhiều lắm, nhiều đến độ không nhớ nổi lần nào đau nhất.

Ai sống trên đời cũng ít nhiều gặp vấn đề, nhưng khởi điểm lúc đến với thế giới này thì hầu hết giống nhau, tựa như một tờ giấy trắng. Ai cũng có nền tảng không thể thay đổi là gene di truyền của ông bà, bố mẹ, nhưng đồng thời, trải nghiệm trong những năm đầu đời cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp định hình nhân cách sau này.

Nguyễn Trung Hậu chia sẻ câu chuyện của mình tại một buổi Workshop về giáo dục. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Nguyễn Trung Hậu chia sẻ câu chuyện của mình tại một buổi Workshop về giáo dục. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Là bậc làm cha mẹ, hẳn ai cũng muốn mang đến những điều tốt đẹp nhất cho con cái. Cha mẹ của Nguyễn Trung Hậu cũng vậy, nhưng cơn sốt bại liệt năm lên 5 tuổi đã khiến tâm lý non nớt và mong manh của cậu phải bước qua một trải nghiệm khắc nghiệt. Nó quặn đau đến mức, sau hơn 30 năm, mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, ánh mắt Hậu vẫn như ngấn lên dòng lệ như khi nằm im trên giường, chăm chăm nhìn lên trần nhà năm xưa.

Nhưng Hậu không để người nghe phải sa đà vào vết thương cũ. Rất nhanh, chàng trai đến từ xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi lái câu chuyện về hành trình đến với cà phê và khát khao làm “cà phê tử tế” của mình. Trên chiếc xe lăn, Hậu nhắc đến cơ duyên năm 2015, từ lần được một người bạn rủ về làm việc tại một công ty gia đình chuyên về cà phê ở Đà Lạt.

Đắm mình vào không gian của thủ phủ cà phê, càng tìm hiểu, anh càng thấy mình cần học hỏi nhiều hơn từ kho tàng kiến thức mới mẻ. Mọi thứ như quy trình canh tác, điều kiện thổ nhưỡng đất đai, khí hậu, độ pH, độ ẩm… để sản xuất ra những hạt cà phê bóng mẩy, đồng đều chất lượng anh đều phải nằm lòng. Từ sự thích thú ban sơ, tình yêu với cà phê được vun đắp dần trong anh sau 2 năm miệt mài học hỏi.

Cũng trong thời gian này, Hậu kinh qua đủ mọi vị trí trong chuỗi sản xuất, kinh doanh cà phê. Trên chiếc xe lăn được tài trợ từ một chương trình quốc tế, chàng trai sinh năm 1985 không ngần ngại leo lên những đồi cà phê cao vút để phóng tầm mắt ra xa, rồi ao ước một ngày bản thân được làm chủ những cây trồng xanh mướt này. Anh cũng không ngần ngại lăn mình vào những công việc trái tay, ở phòng kinh doanh, nhân sự, trực tiếp tương tác với khách hàng, người tiêu dùng để hiểu hơn về nhu cầu, thị hiếu cà phê.

Xuất phát từ mong muốn quán của mình sẽ là nơi để mỗi người có thể ngồi xuống để nghỉ ngơi, thảnh thơi suy nghĩ về cuộc sống này, 'Ngồi Café' ra đời. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Xuất phát từ mong muốn quán của mình sẽ là nơi để mỗi người có thể ngồi xuống để nghỉ ngơi, thảnh thơi suy nghĩ về cuộc sống này, “Ngồi Café” ra đời. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Mỗi ngày của Hậu trôi qua với 16 tiếng bên cà phê. Ngoài giờ làm hành chính, anh còn đọc thêm tài liệu và thử nghiệm những kiến thức mày mò qua sách báo, Internet, bạn bè… trên chính những máy móc chuyên dụng của công ty.

“Không giống như khi sửa máy tính, dạy gia sư hay đi làm tại trung tâm khuyết tật, cà phê tạo cho tôi một cảm giác rất khác. Cảm giác say mê và khát khao gắn bó, giống như khi bạn tìm thấy tình yêu đích thực sau những mối quan hệ dở dang”, Hậu chiêm nghiệm sau gần 2 năm phiêu bạt trên đất trời Đà Lạt.

Mộng khởi nghiệp bắt đầu từ đó.

Đến năm 2017, gom góp tất cả vốn liếng, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, về lại Củ Chi, Hậu bắt đầu gây dựng “Ngồi Cafe”. Dù chưa có định hướng cụ thể, anh chỉ tâm niệm một điều “Mình phải làm cà phê”, như một món nợ ân tình với cả hai miền quê Củ Chi và Đà Lạt. Gần 700 ngày sau lần bẻ sim điện thoại, cùng lời nhắn “Đừng tìm con” tới cha mẹ, Hậu cũng có thể thẳng lưng quay trở về quê nhà với “danh phận” Giám đốc điều hành của “Ngồi Café” – trái ngọt đơm kết từ nỗ lực vượt qua giai đoạn mông lung tuổi trẻ. Chia sẻ về cái tên “Ngồi Cafe”, Hậu cho biết, xuất phát từ mong muốn quán của mình sẽ là nơi để mỗi người có thể ngồi xuống để nghỉ ngơi, thảnh thơi suy nghĩ về cuộc sống này.

Lăn bánh xe qua muôn vàn điều không thể để đến với 'cà phê tử tế' - Chư Sê 24h

Ở giai đoạn mới kiến tạo, “Ngồi Cafe” không hướng đến mục tiêu “định hình gu, vị” mà chỉ là “cho người tiêu dùng thêm sự lựa chọn”. Bởi trong suy nghĩ phần lớn người tiêu dùng ở Củ Chi thời bấy giờ, họ đã quen với vị cà phê đen đặc sệt truyền thống có trộn thêm bắp, bơ, đậu nành, caramel… Cho nên, cần phải có thêm thời gian để người tiêu dùng biết và hiểu thêm về cà phê mộc, cũng như cân nhắc giữa cà phê nguyên bản và cà phê tẩm ướp. Sau khi trải nghiệm, khách hàng mới có thể “định hình gu, vị” một cách chính xác. Chỉ sau 9 tháng khởi nghiệp, doanh nghiệp của Hậu đã tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương và thu hồi được vốn. Doanh thu đều đặn 5-6 triệu đồng/ngày.

Không thể ngồi im tìm giá trị cốt lõi

Đâu là khác biệt lớn nhất giữa gánh bún riêu nhỏ và quán cà phê có hàng chục người làm? Nguyễn Trung Hậu từng trăn trở như vậy khi một thương hiệu cà phê lớn đổ bộ về Củ Chi, ít lâu sau thời điểm anh có cảm giác mình ăn nên làm ra. Ban đầu, Hậu cho rằng vấn đề nằm ở quy mô. Gánh bún riêu không cần nhiều vốn nên xoay vòng nhanh, làm ăn nhì nhằng vẫn có lãi, ngược lại, quán cà phê cần tiền đầu tư ban đầu lớn, nhiều chi phí cố định như tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên, chưa kể máy móc, trang thiết bị và chi phí trang trí quán.

Ngày khởi nghiệp, Hậu tâm niệm chỉ cần chất lượng phục vụ, chất lượng sản phẩm, giá thành, chăm sóc khách hàng tốt là đủ. Nhưng khi phải gồng mình chịu lỗ gần một năm, rà đi tính lại mãi không biết thiếu sót ở đâu để tăng sức cạnh tranh, chàng trai nhỏ bé mới giật mình nhận ra “Con người không thể biết điều mình không biết”. Cũng trong khoảng thời gian được mô tả là tối tăm, u tối, ông chủ “Ngồi Café” mới nhận ra một nguyên tắc tưởng chư đơn giản: Thay đổi hay là chết.

“Khi xã hội vận hành, bánh xe cuộc đời ta cũng cần lăn bánh. Nếu không, ta sẽ rất dễ văng ra khỏi quỹ đạo cuộc sống”, Hậu bộc bạch. Để cầm cự, ông chủ nhỏ – như cách mô tả của anh – đã xin đi làm quản lý quán cà phê cho một công ty tận Bình Dương, mục đích không gì khác ngoài lấy ngắn nuôi dài.

Nhưng cũng nhờ khoảng thời gian “sống chậm” lại để nghiền ngẫm và cứu lấy “Ngồi Café”, Hậu mới nhìn ra. Cơ sự của quán cà phê nhỏ anh quản lý không phải đến từ thương hiệu nổi tiếng kia, bởi không có thương hiệu A thì sẽ có nhãn hàng B, C tìm tới quê anh. Mọi chuyện nằm ở chỗ “Chỉ bán cà phê không sẽ không tạo nên bản sắc”. Chẳng hạn, điều làm nên sức hút của những thương hiệu lớn là vị thế đẹp, không gian đẹp, phục vụ chuyên nghiệp, cập nhật đồ uống thường xuyên. Thế thì giá trị của một quán nhỏ, đi theo triết lý “làm cà phê tử tế” và muốn “lan tỏa các giá trị cộng đồng” là gì?

Đại dịch Covid-19 ập đến sau đó càng thôi thúc CEO của “Ngồi Café” triệt để thay đổi. Mất một thời gian dài vật lộn, doanh nghiệp của Hậu mới có thể hồi sinh nhờ tận dụng sàn thương mại điện tử khi thói quen người tiêu dùng thay đổi từ trực tiếp sang trực tuyến. Với chất lượng cà phê rang xay đạt chuẩn, đơn hàng của Hậu trên các sàn giao dịch ngày càng nhiều, cái tên “Ngồi Cafe” cũng vì thế mà thân thuộc hơn với khách hàng.

Tuy nhiên, bước ngoặt thực sự của “Ngồi Café” lại là định hướng biến nơi này thành không gian kể chuyện. Ban đầu, là chính ông chủ Nguyễn Trung Hậu ngồi lọt thỏm giữa những bạn trẻ với khuôn mặt hào hứng. Họ đến để nghe câu chuyện về một người đàn ông khuyết tật trở thành ông chủ. Họ tò mò về những điều anh đã làm và đã học.

May mắn, câu chuyện ấy giúp Hậu tạo nên một cộng đồng những người trẻ yêu cà phê, thích đến “Ngồi Café” để trò chuyện, tâm tình. Dần dà, người đàn ông ngồi xe lăn không còn giữ vai trò “host” nữa. Anh được thành người lắng nghe, được chiêm nghiệm những câu chuyện của người trẻ nói về bản thân, gia đình, sự nghiệp, tình yêu.

Nguyễn Trung Hậu chia sẻ câu chuyện về hành trình xây dựng thương hiệu cà phê cùng những khó khăn đã trả qua với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Linh Linh.

Nguyễn Trung Hậu chia sẻ câu chuyện về hành trình xây dựng thương hiệu cà phê cùng những khó khăn đã trả qua với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Linh Linh.

Cùng với việc tổ chức những buổi chia sẻ cho học sinh, sinh viên để người trẻ nói lên quan điểm về vấn đề trong cuộc sống, như “Đại học hay học đại”, không gian cà phê của Hậu từng chút một trở thành không gian công khai, đáng tin cậy để các bạn trẻ tìm đến, kết nối, chia sẻ và tìm thấy những lời khuyên, hoặc chí ít là sự đồng cảm.

Đến nay, Hậu đã điều hành một khu phức hợp bao gồm nhà xưởng, văn phòng, khu lưu trú, nơi làm việc rộng khoảng 1.200m2. Không dừng lại ở đó, 6 tháng trước, anh cùng người bạn đời mở Trung tâm Anh ngữ “Con ơi”. Tháng 10/2023, Hậu ‍xuất bản cuốn sách có tựa đề “Khởi nghiệp trên xe lăn” – tự thuật của một người khuyết tật từng sống trong sự bế tắc, vượt qua nghịch cảnh bằng nghị lực và vươn lên trở thành chủ một thương hiệu cà phê.

Nói về nghị lực vượt qua khó khăn với một người trưởng thành có lẽ là hơi thừa. Nguyễn Trung Hậu cũng cười xòa khi được hỏi về động lực vượt qua những thời điểm khó khăn trong cuộc đời. Phải một lúc, như để tâm hồn dạo chơi trên những tầng mây cao vút, người con xã Tân Thạnh Đông mới trầm ngâm: “Tôi không muốn bản thân thua thằng bé 5 tuổi”. Tất nhiên, thằng bé 5 tuổi ấy là anh, thuở mới bị cơn sốt bại liệt tước đi khả năng đi lại bình thường.

Trong dòng ký ức dài dằng dặc ấy, có một kỷ niệm Hậu không thể nào quên, ấy là cú ngã trong ngày đầu nhập học lớp Một. Nỗ lực ngồi thẳng, ngay ngắn trên bàn đầu và luôn cố vươn mình để nhìn thấy dòng chữ trắng trên bảng đen vượt quá sức chịu đựng của cột sống, vốn đã 3 năm quen dựa vào chiếc ghế ba đóng. Chưa đầy vài phút, Hậu nghiêng ngả rồi ngã nhào khỏi ghế. Đầu đập vào bàn, máu rỉ ra, chảy ròng ròng xuống trán. Những đứa trẻ vô tư, hiếu kỳ dưới lớp cười ồ, gieo vào lòng cậu bé 8 tuổi nhận thức sâu sắc về sự khác biệt với đám bạn.

Dĩ nhiên là sau cú ngã đấy, Hậu nằng nặc đòi ở nhà không chịu đến lớp. Một ngày, hai ngày, rồi gần một tuần trôi qua. Cậu nhận ra, rằng con đường đến trường đầy sỏi đá, với hoa dại ngập tràn hai bên đường cùng tiếng cười nói rôm rả của chúng bạn ít nhất cũng rộn ràng hơn nhiều so với 4 bức tường xám xịt, nhìn thẳng lên mái nhà trống hoác lợp bằng lá mía, vốn chỉ có hai mùa là mùa nóng và mùa nóng hơn gấp bội.

Với một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi nghịch, bỗng dưng phải nằm một chỗ, rồi học lại từ đầu những kỹ năng sống cơ bản như ngồi dậy, tập đi, tự xúc cơm ăn, trong suy nghĩ của nhiều người, đã là điều rất khó. Để đứa trẻ ấy đến trường, hòa nhập với môi trường sống của bạn bè đồng trang lứa càng là điều không tưởng. Rất nhiều thứ tưởng chừng không thể như vậy đổ ập lên đôi chân lúc nào cũng chực chờ co rút khiến Nguyễn Trung Hậu nhiều lúc thấy bản thân như một chiếc lá trơ trọi giữa bầu trời. Dù muốn tung bay giữa khoảng trời đầy nắng, chiếc lá nhỏ bé cứ cuộn lòng vòng và bay vô định giữa tầng không.

Trong khoảng 3 năm đầu vật lộn với cơ thể mới, việc Hậu làm nhiều nhất là nằm im trên giường, nhìn lên trần nhà, đến độ thuộc lòng từng vết ố trên tường và tưởng tượng chúng thành những hình người hoặc con vật. Vài bận, cậu còn như thấy chúng nhảy ra khỏi bức tường để trò chuyện. Trẻ con, thứ mà chúng làm tốt nhất luôn là tưởng tượng. Cũng bởi trí tưởng tượng ấy đã thôi thúc cậu một cách mãnh liệt về mong ước có một người bạn, để có thể cùng nhau bắt dế, thả diều.

Để rồi cậu nói với nội về quyết định tưởng như không thể là trở lại lớp học. Đến tận sau này, chàng trai ở ngoại thành TP.HCM vẫn tin, đó là quyết định sáng suốt nhất cuộc đời.

Tiếp tục với hành trình chia sẻ trách nhiệm xã hội

Cả hành trình khó khăn trôi qua gói gọn trong một nụ cười xoàng ngày hôm nay vì “mọi thứ qua rồi, chả quan trọng ánh nhìn của người khác nữa”. Hành trình đi tìm “danh phận” mà chàng trai năm ấy từng quyết tâm thay đổi bằng nước mắt và nỗ lực không ngừng nghỉ, nay đã được thay thế bằng những kế hoạch, mục tiêu phát triển nhằm góp phần kiến tạo nên một văn hóa cà phê mới, tạo ra một giá trị uống được nâng tầm ở vùng đất Củ Chi.

Doanh nghiệp cà phê của Hậu đã mang lại việc làm cho người dân Củ Chi. Tiến tới, doanh nghiệp sẽ chia sẻ 'trách nhiệm cộng đồng' để người khuyết tật, những người thuộc nhóm yếu thế có thể hòa nhập vào cộng đồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Doanh nghiệp cà phê của Hậu đã mang lại việc làm cho người dân Củ Chi. Tiến tới, doanh nghiệp sẽ chia sẻ “trách nhiệm cộng đồng” để người khuyết tật, những người thuộc nhóm yếu thế có thể hòa nhập vào cộng đồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Mang trong mình giá trị cốt lõi là “cà phê tử tế”, phương châm hoạt động của “Ngồi Cafe” cũng bao hàm cả cà phê bền vững. Với gần 10 năm lăn lộn trong ngành cà phê, Hậu hiểu rõ về tính rộng lớn của sự bền vững. Theo quan điểm của anh, cà phê bền vững khi người nông dân có thể sống khỏe nhờ canh tác, người chế biến có thể bán ra một sản phẩm chất lượng và người tiêu dùng được hưởng trọn vẹn hương vị cà phê rang xay. Khi mọi đối tượng trong chuỗi cà phê đều được hưởng lợi, đó là sự bền vững.

Người đàn ông sắp bước sang tuổi 40 cũng có một niềm tin mãnh liệt rằng mỗi người cứ làm tốt công việc của mình, nhất định ngành cà phê sẽ thay đổi. “Người nông dân cứ chuyên tâm trồng cà phê, hãy dùng tất cả tình thương để chăm bón cho cây tốt tươi, đừng dùng phân bón hóa học, đừng cải tạo đất vô tội vạ, đừng phá rừng. Người thu mua hãy mua cà phê của nông dân với giá cao hơn giá thị trường, còn người rang xay như chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ thành phẩm cuối và bán cho khách hàng giá hợp lý”, anh chiêm nghiệm.

Với hành trình vượt qua nghịch cảnh, Hậu thường xuyên được mời đến các buổi nói chuyện truyền cảm hứng cho cộng đồng. Tháng 3/2024, anh sẽ bắt đầu dự án từ thiện cho người khuyết tật “Buy by heart – Từ trái tim đến trái tim”. Đây là quỹ sinh kế hỗ trợ người khuyết tật và cùng lan tỏa những giá trị ý nghĩa của một người “khởi nghiệp trên xe lăn”.

Cụ thể, với sứ mệnh “thúc đẩy hành vi tiêu dùng vì người khuyết tật”, mỗi sản phẩm bán ra, “Ngồi Cafe” sẽ đóng góp 5% doanh thu vào quỹ sinh kế giúp người khuyết tật có cơ hội tiếp cận nguồn vốn kinh doanh. Theo Hậu, đây là biện pháp cấp “chiếc cần câu” để người khuyết tật hay nhóm đối tượng yếu thế có thể thoát ly khỏi cái bóng mặc cảm, hòa nhập xã hội bằng chính tình thương của xã hội.

Hậu thành thật chia sẻ, là người khuyết tật nhưng chưa bao giờ anh làm việc trong môi trường khuyết tật. Những đối tác, đồng nghiệp của anh đều là người bình thường. Chỉ khi nhận được câu hỏi về “trách nhiệm xã hội” đối với những người giống như mình, Hậu mới suy nghĩ đến một dự án sẻ chia mang đậm tính nhân văn này. Anh mong muốn, cộng đồng người yếu thế sẽ tránh được cảm giác tủi thân hay tiêu cực, như anh từng chạm phải lúc không thể hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Hậu vẫn tiếp tục 'lăn bánh xe' doanh nghiệp cà phê tử tế với câu chuyện truyền cảm hứng của mình. Ảnh: Nhân vật chung cấp. 

Hậu vẫn tiếp tục “lăn bánh xe” doanh nghiệp cà phê tử tế với câu chuyện truyền cảm hứng của mình. Ảnh: Nhân vật chung cấp. 

Ngoài cà phê, Hậu cũng rất mê tiếng Anh. Không biết trong suốt quãng thời gian qua lại các trung tâm Anh ngữ, có khi nào chàng trai giàu nghị lực đã nghe ca khúc “Stronger” (Mạnh mẽ hơn) của Kelly Clarkson, quán quân America Idol mùa đầu tiên hay chưa, nhưng ca từ trong bài hát thật đúng với những gì đã xảy ra trong cuộc đời Hậu. “What doesn’t kill you makes you stronger”, nghĩa là: “Thứ gì không giết được bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn”.

Thực tế, là Hậu từng một lần nghĩ đến cái chết và quyết định tự tử vào năm lớp 11. Khi chớm qua cánh cửa tử thần, hình ảnh cậu bé 5 tuổi năm nào lại hiện về trong tâm trí anh. Đúng là sẽ có nhiều thời điểm trong cuộc đời, bản thân thấy chẳng còn gì, thậm chí xem chết là một cách để cứu rỗi tâm hồn. Nhưng tựa như khi bắt đầu cuộc sống mới, trên chiếc xe lăn, Hậu cũng nghiệm ra rằng, chỉ cần còn sống là thế cục vẫn có thể thay đổi được, tình hình vẫn có thể xoay chuyển.

“Cuộc sống luôn trao cho chúng ta một cơ hội, đó là ngày mai. Tôi có thể chậm một chút, thay vì bước qua khó khăn thì phải lăn bánh xe qua cơn bĩ cực, nhưng như thế nào có sao. Sớm hay muộn không quan trọng, chỉ cần bạn dám bắt đầu. Nếu ai hỏi, làm thế nào để xuất phát từ điểm âm, tôi sẽ nói dễ thôi, hãy vẽ thêm một gạch dọc ở giữa dấu âm, thế là nó trở thành dương”, CEO của “Ngồi Café” cười nói.

Rate this post

More articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Latest article