Nhằm góp phần hỗ trợ cộng đồng nông dân trồng tiêu trên cả nước trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại tiêu, chư sê 24h xin giới thiệu bài viết sau đây của Trung tâm Giống nông lâm nghiệp tỉnh Bình Phước. Để phù hợp với khuôn khổ trang tin, chúng tôi xin lượt bớt phần đầu.
Với gần 10.500 ha diện tích đất trồng tiêu, sản lượng bình quân khoảng 25.000 tấn/năm, Bình Phước là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng tiêu lớn nhất cả nước. Những năm gần đây giá tiêu tăng mang lại lợi nhuận kinh tế cao nên bà con nông dân đã đầu tư mở rộng diện tích trồng tiêu. Tuy nhiên vấn đề sâu bệnh luôn là nỗi trăn trở của người nông dân và là trở ngại lớn đối với sự phát triển của cây tiêu.
- Trong quá trình trồng tiêu cần chú ý thực hiện tốt một số kỹ thuật canh tác và phòng trừ sau:
– Thực hiện đảm bảo kỹ thuật canh tác như: giống sạch bệnh, hệ thống tưới tiêu hợp lý, bón phân cân đối, thực hiện phòng trừ các đối tượng gây hại gián tiếp và vệ sinh vườn.
– Xây dựng hệ thống tưới và nguồn nước tưới đảm bảo trong mùa khô.
– Sử dụng các chế phẩm vi sinh, nấm trichoderma bón cho tiêu để cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh hại tiêu đặc biệt là tuyến trùng, bệnh chết nhanh và chết chậm.
– Bón phân khoáng, vi lượng khi tiêu có biểu hiện thiếu để làm tăng khả năng sinh trưởng, phát triển cân đối và tăng đề kháng cho cây trồng.
– Bón phân, làm cỏ tránh gây tổn thương bộ rễ. Sử dụng phân bón cho cây tiêu phải căn cứ vào tính chất đất đai, khí hậu, thời tiết của địa phương, tác dụng của từng loại phân, kỹ thuật canh tác, loại trụ và loại giống tiêu. Đối với tiêu trồng trên đất xám cần bón nhiều phân hơn tiêu trồng trên đất đỏ bazan, trên đất chua không nên bón phân Sufat đạm.
Trong quá trình làm cỏ không được xới xáo quá sâu làm tổn thương rễ.
– Thường xuyên quan sát phát hiện sâu bệnh kịp thời.
– Phun phòng sâu bệnh định kỳ: 1- 2 lần/ tháng
– Khi sử dụng thuốc hóa học phải theo nguyên tắc 4 đúng.
– Thuốc hóa học phải dùng luân phiên, không dùng một loại thuốc trong thời gian dài nhằm tránh hiện tượng quen thuốc, tránh sự phát sinh đặc tính gây hại mới.
– Phun thuốc cần tiến hành đồng bộ để tránh sự lây lan, phát tán sâu bệnh cả vùng.
- Nhận biết một số sâu bệnh chính:
– Bệnh chết nhanh:(bệnh thối gốc, chết dây – Quick wilt, Phytophthora foot rot):
Bệnh do nấmPhytophthora sp gây ra, khi bị nhiễm bệnh chết nhanh, cây tiêu bị héo nhanh, mép lá hơi co lại và trở nên vàng trước khi rụng. Từ khi tiêu rụng lá, dây tiêu héo thì tiêu sẽ chết trong vài tuần lễ sau đó. Sau khi lá rụng quả bắt đầu nhăn nheo và khô. Bệnh thường gây chết hàng loạt nọc tiêu, phòng trị rất khó khăn, tốn kém. Khi các triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài thì bộ rễ đã bị nấm tấn công 1 – 2 tháng trước đó. Toàn bộ rễ bị thối đen nhất là phần cổ rễ, thân sát mặt đất bị thối rã, vỏ bong ra ( lở cổ rễ)
Nấm Phytophthora sp sống dưới đất, thích ẩm, chủ yếu phát sinh phát triển và lây lan trong mùa mưa, nhất là giai đoạn giữa và cuối mùa mưa, đầu mùa khô.Thông thường nấm Phytophthora kết hợp tuyến trùng, rệp sáp và với các loại nấm sống trong đất khác như Pythium, Fusarium, Rhizoctonia… cùng tấn công lên tiêu làm cây tiêu chết rất nhanh. Nấm bệnh có thể lây lan đến hầu hết các bộ phận của cây như lá, rễ, thân, nhánh…. đặc biệt là các bộ phận nằm trong và sát mặt đất.
Trong điều kiện mùa khô, nấm tồn tại dưới dạng bào tử vách dầy, hầu như không hoạt động. Khi mùa mưa đến chúng hoạt động trở lại và lây lan trên đồng ruộng theo nước mưa. Ở các vườn có độ tuổi cây càng cao thì khả năng nhiễm bệnh càng lớn do sự tích lũy nguồn bệnh ở trong đất, cây sinh trưởng kém, sức kháng bệnh giảm. Bệnh phụ thuộc rất nhiều vào địa hình vườn hồ tiêu, nhất là ở vùng trũng và khu chân đồi do mưa chảy dồn về, khó tiêu thoát, độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho nấm lây lan, phát sinh và gây bệnh cho cây hồ tiêu.
Phòng trừ:Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật nêu trên, cần thực hiện các biện pháp chống ngập, úng cho rễ tiêu như đất trồng tiêu cần được thiết kế rãnh thoát nước hợp lý để thoát nước trong mùa mưa. Đối với vườn tiêu trũng thấp cần ngăn bờ xung quanh vườn để không cho nước từ ngoài tràn vào. Đối với những vườn tiêu tưới bồn cần chú ý tháo bồn cho rốc nước trong mùa mưa.
+ Xử lý bằng hóa chất: Vườn tiêu 2, 3 năm tuổi đã có thể bắt đầu nhiễm bệnh, do đó sau trồng một năm nên chú ý phòng bệnh bằng cách: Đầu mùa mưa nên đổ gốc dung dịch Bordeaux 1% hay oxit chlorua đồng 0.2%, giữa hay cuối mùa mưa tưới thêm một lần nữa. Sử dụng các thuốc hóa học đặc trị như Phosphonate, Aliette 80WP, Alpine 80WP, Ridomil Gold 68WG,… để phun quanh gốc và toàn bộ tán lá theo hướng dẫn. Nếu vườn kế bên bị bệnh thì có thể xử lý xen kẻ các thuốc đặc trị này với thuốc gốc đồng mỗi tháng một lần. Nếu trồng trên vườn đã bị nhiễm bệnh trước đó thì nên phòng trừ ngay từ năm đầu tiên.
– Bệnh chết chậm:Bệnh do nấmFusarium solani, Fusarium oxysporum kết hợp tuyến trùng gây hại. Nấm làm cho rễ non bị thối và chết dần, cây không hấp thụ được dinh dưỡng, sinh trưởng kém, lá vàng và rụng. Lá và đốt rụng từ dưới gốc lên ngọn, chứ không rụng và héo từ trên đọt xuống như bệnh chết nhanh. Khi bệnh nặng, toàn bộ gốc và rễ cây tiêu bị thâm đen, sau đó cây bị chết khô. Bệnh có thể kéo dài từ vài tháng đến một năm trước khi cây tiêu bị hư hại hoàn toàn nên thường được gọi là bệnh chết chậm.
Phòng trừ: Các biện pháp phòng bệnh chết chậm cũng tương tự như bệnh chết nhanh, tuy nhiên bệnh chết chậm nếu phát hiện sớm thì có thể kìm hãm sự phát triển của bệnh. Do đó cần kiễm tra vườn thường xuyên, khi phát hiện triệu chứng, cần sử dụng các thuốc hóa học đặc trị kết hợp vệ sinh vườn.
Sử dung các thuốc hóa học phòng trừ như: Aliette 80WP, Ridomil Gold 68WG, Topsin-M 70WP, Benzeb và Mocap 10H để phun và rải gốc.
– Tuyến trùng:Tuyến trùng gây hại bộ rễ làm cây tiêu sinh trưởng kém, lá vàng nếu bị nặng cây sẽ héo và chết. Các loại tuyến trùng phổ biến trên tiêu là Meloidogyne, Pratylenchus, Xiphinema…Khi tuyến trùng đục vết thương ở rễ chích hút, tạo điều kiện cho các loài nấm như: Phytophthora sp, Furasium sp, và vi khuẩn xâm nhập hủy hoại cây tiêu làm tiêu càng nhanh chết.
Phòng trừ: Thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật canh tác như đối với bệnh chết nhanh chết chậm, đặc biệt không làm tổn thương bộ rễ trong quá trình làm cỏ, bón phân và xới xáo. Không để trụ tiêu bị úng nước.
Sử dụng các thuốc hóa học phòng trừ tuyến trùng như Basudin 10H, Mocap 10G, NOKAPH .
– Rệp sáp: (Pseudococcus sp) Rệp sáp sống thành từng đám bám chặt vào gié bông, trái, kẽ cành hoặc mặt dưới của lá để hút nhựa cây, làm lá và trái bị héo khô. Ngoài ra rệp còn chui vào đất bám và chíc hút dịch ở gốc thân, cổ rễ. Rêp thường sinh sản rất nhanh và phát triển mạnh vào cuối mùa mưa. Đặc biệt trong quá trình chích hút, rệp sáp thải ra dịch có chất đường tạo điều kiện tốt cho nấm bồ hóng phát triển dẫn đến giảm khả năng quang hợp của lá cũng như tạo môi trường cho vi khuẩn xâm nhập làm cây bị bệnh càng nặng.
Phòng trừ: Đảm bảo kỹ thuật canh tác, thường xuyên kiễm tra các dây thân trong trụ tiêu. Khi phát hiện rệp sáp cần sử dụng các thuốc hóa học đặc trị để phun. Nếu thấy nấm bồ hóng đen, kiến bò nhiều trên trụ tiêu, từng đám rệp trắng trên thân, lá thì có thể trụ tiêu đã bị ảnh hưởng cả gốc rễ. Lúc đấy cần phun phòng trừ tổng hợp vời tuyến trùng và bệnh chết nhanh, chết chậm.
Sử dụng các thuốc hóa học đặc trị như: Fenbis 10ND, Sevin 80WP, Supracide 40 EC, Daragon 585EC, MARSHAL 200SC….
– Bệnh virus:Bệnh do virus gây ra, thường gặp ba dạng chính:
+ Khảm lá: Trên các lá trưởng thành xuất hiện các khảm giống triệu chứng thiếu vi lượng, tuy nhiên lá không bị biến dạng.
+ Khảm lá biến dạng: Lá bị biến dạng, mép lá bị xoăn, cuốn vào trong, lá dày và giòn. Khi bị nặng lá xuất hiện các khảm đốm vàng hoặc sọc trắng do mất diệp lục.
+ Xoăn lùn: Lá tiêu nhỏ lại và biến dạng, mặt lá sần sùi và giòn. Ngọn và đốt tiêu nhỏ lại làm cho chiều cao trụ tiêu giảm nhiều so với trụ bình thường, do đó bà con thường gọi là bệnh tiêu điên.
Khi bị bệnh virus tiêu vẫn cho quả nhưng năng suất và chất lượng giảm dần. Hầu hết bà con nông dân chỉ để ý đến dạng tiêu điên, dạng khảm lá giống với triệu chứng thiếu vi lượng nên rất dễ nhầm lẫn khi lấy giống.
Phòng trừ:Bệnh virus không có thuốc đặc trị nên thực hiện các biện pháp phòng là chính. Để hạn chế giống bị nhiễm bệnh thì không lấy giống ở những trụ tiêu có triệu chứng nghi ngờ, phải dùng cồn 70o để sát trùng dụng cụ cắt hom tiêu mỗi khi cắt xong một trụ. Thực hiện phòng trừ con trùng, nhện chích hút vì chúng là yếu tố trung gian truyền bệnh virus trên tiêu.
– Một số sâu bệnh hại tiêu khác như: Thán thư, đen đầu lá, đốm lá, khô vằn, rỉ sắt, rầy, sâu đục thân… là những sâu bệnh tương đối dễ nhận biết và phòng trị. Tuy nhiên cần thường xuyên kiễm tra vườn, kịp thời phát hiện bệnh. Cắt tỉa gốc và những cành bị sâu bệnh, nếu một vài cây bị nặng có thể nhổ bỏ. Khi phát hiện bệnh có diễn biến xấu cần sử dụng các loại thuốc hóa học đặc trị. Ví dụ đối với thán thư, đen đầu lá có thể phun Topsin M 70WP, Ridomil, Carbenzim 50WP, 500SL; với rầy, sâu đục thân thì có thể phun Basudin 40EC, Vibasu 50ND, MARSHAl 200SC hoặc bón gốc Basudin 10G, Furadan 3G.
Thực tế cho thấy nếu thực hiện đảm bảo kỹ thuật canh tác: giống sạch bệnh, thiết kế hệ thống tưới tiêu nước đảm bảo, bón phân cân đối, phun phòng định kỳ thì sẽ hạn chế tối đa sâu bệnh hại từ đó tăng năng suất chất lượng cho vườn tiêu. Còn khi vườn tiêu đã bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết châm, tuyến trùng thì việc phòng trừ rất tốn kém, hiệu quả không cao. Đồng thời ảnh hưởng đến năng suất chất lượng hạt tiêu, đến môi trường và con người. Do đó để phát triển cây hồ tiêu bền vững bà con nông dân cần nắm vững kỹ thuật canh tác cũng như các biện pháp phòng trừ sâu bệnh.
TheoTTGNLN Bình Phước