Ngày 1/12, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị thúc đẩy SX, chế biến và tiêu thụ hồ tiêu. Những thông tin tại hội nghị cho thấy giá cả và an toàn thực phẩm (ATTP) đang là những vấn đề nóng của ngành hàng hồ tiêu. Giá tiêu và an toàn thực phẩm.
Giá giảm mạnh
Sau một thời gian dài luôn đứng ở mức cao, trên dưới 200.000 đ/kg, giá hạt tiêu ở nước ta đang giảm khá mạnh và có xu hướng giảm xuống từ tháng 6, tháng 7 đến nay.
Nếu như hồi tháng 6, tháng 7, giá đầu giá (là giá quy định cho hạt tiêu đen có dung trọng 500 g/l, độ ẩm 13-14 độ, tỷ lệ tạp chất 1%; nếu tiêu của nông dân có dung trọng cao hơn, độ và tỷ lệ tạp chất thấp hơn thì sẽ được cộng thêm giá và ngược lại) bình quân là 200.000 đ/kg, thì đến tháng 10 và 11 đã giảm xuống chỉ còn 187.000 đ/kg.
Sang đầu tháng 12 này, giá đầu giá chỉ còn 173.000 đ/kg, thấp hơn tới 17.000 đ/kg so với giá đầu giá bình quân của tháng 12/2014.
Theo dự đoán của một số doanh nhân ngành hồ tiêu, sang năm 2016, giá tiêu nhiều khả năng còn giảm xuống nữa. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho biết, thực ra, từ năm 2014, VPA đã dự báo, sau khi lên đến đỉnh cao trong năm 2014, trong năm 2015, giá tiêu sẽ quay đầu đi xuống.
Tuy nhiên, nhờ hoạt động đầu cơ tăng mạnh ở Singapore, Trung Quốc, Dubai…, giá tiêu trong năm nay vẫn cao, thậm chí còn tăng cao hơn cả năm 2014. Thế nhưng những dấu hiệu khó khăn của thị trường đang đẩy giá tiêu đi xuống trong những tháng cuối năm nay và cả trong năm 2016.
Bà Nguyễn Mai Oanh, Tổng thư ký VPA, cho hay, do giá dầu giảm mạnh, nhiều nhà đầu cơ ở khu vực Trung Đông đã gần như ngừng mua hạt tiêu, thậm chí có những khách hàng còn trả lại hàng.
Trong khi đó, nhiều nông dân lại đang trữ hạt tiêu vì cho rằng thông tin Ấn Độ bị mất mùa niên vụ 2015-2016 có thể sẽ khiến cho giá tiêu thế giới tăng lên. Đúng là Ấn Độ có bị mất mùa, nhưng sản lượng tiêu của nước này chủ yếu được tiêu thụ trong nước, chỉ xuất khẩu một ít ra nước ngoài, vì thế không có nhiều tác động tới giá tiêu trên toàn cầu.
Không chỉ giảm mạnh, theo một chuyên gia trong ngành hồ tiêu, giá tiêu ở Việt Nam còn đang có dấu hiệu bất thường khi thấp hơn khá nhiều so với giá tiêu ở Ấn Độ. Bởi hiện tại, giá tiêu đầu giá ở Ấn Độ, nếu quy đổi ra tiền Việt Nam, thì vẫn đang ở mức hơn 200.000 đ/kg, cao hơn tới gần 40.000 đ/kg so với giá tiêu đầu giá ở nước ta. Đây là mức chênh lệch lớn nhất về giá tiêu nội địa giữa 2 nước trong nhiều năm nay.
Khó làm ATTP
Lâu nay, XK hạt tiêu ít bị ảnh hưởng bởi ATTP như một số sản phẩm chủ lực khác, nhưng cũng đã bắt đầu có những báo động về vấn đề này.
Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, cho biết, trong năm nay, Bộ NN-PTNT đã nhận được cảnh báo từ châu Âu về một số lô hàng hạt tiêu có tồn dư thuốc BVTV, nấm mốc…
Theo ông Đỗ Hà Nam, đã có một số lô hàng hạt tiêu của Việt Nam bị khách hàng trả về do không đảm bảo ATTP, khiến cho nhà xuất khẩu chịu thiệt hại không nhỏ.
Do lạm dụng thuốc BVTV, nên tỷ lệ hạt tiêu không đảm bảo ATTP ở nước ta hiện đang khá cao. Điều này đang gây khó khăn lớn cho các công ty đầu tư nhà máy chế biến.
Chẳng hạn, Cty TNHH KSS Việt Nam đã đầu tư công nghệ hiện đại, chế biến hạt tiêu XK sang Nhật Bản. Nhưng do khan hiếm nguồn hạt tiêu nguyên liệu trong nước đảm bảo được các tiêu chuẩn ATTP của nước này (hạt tiêu trước khi được nhập về nhà máy phải kiểm tra dư lượng trên 400 chất BVTV), nên KSS Việt Nam phải nhập khá nhiều hạt tiêu từ các nước khác, về chế biến XK sang Nhật Bản.
Ông Đỗ Hà Nam cho biết, Nhật Bản hiện có nhu cầu NK 8.000-9.000 tấn hạt tiêu/năm, nhưng chỉ mua từ Việt Nam chưa tới 1.000 tấn, bởi nước ta không đủ nguồn hạt tiêu đáp ứng các tiêu chuẩn ATTP mà Nhật Bản quy định.
Một điều đáng lo ngại là việc vận động, thuyết phục nông dân trồng tiêu đảm bảo ATTP là rất khó. Ông Hoàng Phước Bính, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), nói thẳng: “Chừng nào mà nông dân trồng tiêu theo kiểu lạm dụng thuốc BVTV mà vẫn bán tốt với giá trên trời, thì việc kêu gọi họ sản xuất tiêu ATTP là cực khó”.
Ông Lê Huy Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Gia Lai, cũng cho rằng vận động nông dân sản xuất tiêu VietGAP vào thời điểm này là cực khó khi mà sản xuất như lâu nay họ vẫn bán được tiêu với giá quá cao.
Không những thế, vấn đề dư lượng hóa chất trong hạt tiêu còn đang gây tranh cãi là không biết nguồn gốc từ đâu.
Ông Hoàng Phước Bính cho biết, không có người trồng tiêu nào mà trước khi thu hoạch 2 tháng vẫn còn phun Carbedazim (chất này chỉ sau 20 ngày là đã phân hủy hết).
Vậy mà có vườn tiêu phun Carbedazim trước khi thu hoạch 4 tháng, mà khi kiểm tra hạt tiêu có xuất xứ từ vườn đó, vẫn phát hiện dư lượng chất này, thì nó ở đâu ra? Ông Phan Văn Đon, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Phước cũng nêu ra thắc mắc tương tự và đề nghị Bộ NN-PTNT đánh giá lại môi trường vùng trồng hồ tiêu.
Để có nguồn nguyên liệu đáp ứng các yêu cầu về ATTP, một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết với nông dân.
Như Cty TNHH KSS Việt Nam đã xây dựng 1 trang trại trồng tiêu hữu cơ rộng 6 ha ở Bình Phước, đồng thời tiến hành hướng dẫn quy trình canh tác theo hướng an toàn cho nhiều hộ nông dân khác và thu mua lại sản phẩm.
Các doanh nghiệp như Pitco, Phúc Sinh… cũng đang xây dựng vùng nguyên liệu ở một số địa phương bằng hình thức đầu tư, hướng dẫn quy trình canh tác cho nông dân và thu mua lại sản phẩm. Tuy nhiên, ông Đỗ Hà Nam cho rằng, ở những vùng nguyên liệu này, các doanh nghiệp vẫn đang gặp phải nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan tới ATTP.