28.8 C
Chư Sê
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Quản lý dinh dưỡng khi chăm vườn cà phê?

Must read

Quản lý dinh dưỡng khi chăm vườn cà phê? – Hỏi: Nông dân chúng tôi thường nghe đài báo nói “Muốn có cà phê năng suất và chất lượng phải biết quản lý dinh dưỡng”. Vậy quản lý dinh dưỡng là gì và như thế nào?

Quản lý dinh dưỡng khi chăm vườn cà phê?

Trả lời: Ngày xưa, khi đất còn rộng người còn thưa, canh tác theo lối quảng canh, năng suất rất thấp nên không cần đến quản lý dinh dưỡng vì những dinh dưỡng trong đất và không khí đủ cho cây trồng. Tuy nhiên dân số ngày nay đã tăng nhiều lần. Dân số không những tăng nhiều mà còn sống lâu, bình quân tuổi thọ năm 1950 mới 55 tuổi thì nay đã là 71 tuổi. Bởi vậy buộc phải thâm canh, tăng năng suất cây trồng.

Muốn tăng năng suất thì không những phải có giống tốt mà còn phải có chế độ dinh dưỡng tốt cho cây. Muốn cho cây dinh dưỡng tốt thì trước hết đất phải tốt. Đất tốt biểu hiện ở 3 mặt, một là phải có lý tính tốt (đất phải tơi xốp, độ ẩm vừa phải…), hai là có hóa tính tốt, độ pH trung bình, trong đất có nhiều đạm, lân, kali, các nguyên tố trung vi lượng và ba là có sinh tính tốt, trong đất phải có nhiều trùn, và nhất là hệ vi sinh vật trong đất phải dồi dào, cân bằng giữa vi sinh vật có ích và có hại. Quản lý dinh dưỡng có nghĩa việc sử dụng phân bón và bảo vệ, bồi bổ đất làm sao đảm bảo đất tốt, cây tốt, đạt năng suất, chất lượng cao mà chi phí lại thấp nhất.

Với cà phê cũng vậy, 30 năm trước, khi đất rừng Tây Nguyên mới khai hoang còn màu mỡ mà năng suất chỉ mới đạt 1 T/ha thì vấn đề quản lý dinh dưỡng chưa đặt ra, nhưng hiện nay do chúng ta đã khai thác, bóc lột đất quá lâu, lại kèm không còn rừng che phủ nên xói mòn và rửa trôi quá mạnh làm cho độ phì trong đất đã giảm gần đến ngưỡng của kiệt quệ mà lại còn muốn năng suất cà phê đạt 3-4 T/ha thì chúng ta phải biết quản lý dinh dưỡng.

Hỏi: Với cây cà phê thì cụ thể quản lý dinh dưỡng như thế nào?

Trả lời: Để tạo ra 1 tấn nhân, cây cà phê cần 34,2kg N (nguyên chất) + 6,1kg P2O5 + 46,9kg K2O + 4,1kg MgO + 4,3kg CaO kèm theo các chất vi lượng khác. Nếu muốn có năng suất 4 T/ha thì lượng dinh dưỡng trên phải được nhân lên 4 lần. Trước hết cần phải phân tích đất vườn mình xem có được bao nhiêu và bao nhiêu cần bổ sung bằng con đường phân bón rồi nhân với hệ số hấp thu của cây (thông thường 50%).

Thế nhưng nếu chỉ bón phân như trên thì đất vẫn không khỏe, cây vẫn không hấp thu được nên cây vẫn không khỏe, năng suất không cao và hiệu quả phân bón kém. Bởi vậy phải biết kết hợp với phân hữu cơ. Ngoài ra cà phê cũng như các cây trồng khác, mỗi giai đoạn sinh trưởng và phát triển lại cần tỷ lệ dinh dưỡng khác nhau, giai đoạn KTCB thì cần bón phân loại có hàm lượng đạm và lân cao như NPK 16.16.8 hoặc 20.20.15; giai đoạn bón sau thu hoạch cây cần nhiều đạm, giai đoạn nuôi trái cần đạm và kali cao… Nên phải biết cân đối các hàm lượng N, P, K thích hợp, phải cung cấp đủ các yếu tố trung vi lượng và phải biết sử dụng phân bón lá trong một số giai đoạn cần thiết.

Thực tế sản xuất cà phê thấy muốn tăng năng suất lên 1 T nhân thì cần tăng thêm 1 T phân bón. Liều lượng (kg/ha) bón sau đây được nhiều người chấp nhận (năng suất đạt 3,5 – 4 T/ha):

Mùa khô: Bón 300 kg NPK Đầu trâu : 20.5.5 + TE.

Đầu mùa mưa bón 450 – 600 kg NPK Đầu trâu Agrotain Cà phê (16.16.8 + TE).

Giữa mùa mưa bón 700 kg – 1.000 kg/ha Đầu Trâu Agrotain Cà phê 16.8.16 + TE.

Cuối mùa mưa bón 700 – 800 kg/ha Đầu Trâu 16.8.16 + TE.

Hỏi: Trên thị trường hiện có cả phân lỏng, việc sử dụng phân này cho cà phê như thế nào?

Trả lời: Phân dạng lỏng vẫn sử dụng bình thường như các phân khác. Bao bì phân dạng lỏng vẫn ghi các hàm lượng dinh dưỡng có trong đó, căn cứ vào giai đoạn bón mà cân đối, nếu thiếu thì bổ sung bằng phân viên hoặc bột.

Hỏi: Trên thị trường có bán phân siêu Bo, siêu kẽm. Việc sử dụng phân này cho cà phê như thế nào?

Trả lời: Bo và kẽm là 2 nguyên tố vi lượng rất quan trọng cho cây cà phê, nhưng số lượng không nhiều. Ngoài các nguyên tố dinh dưỡng thiết yếu là đạm, kali, lân thì cây cà phê còn cần nhiều lưu huỳnh, can xi, ma giê và 2 nguyên tố vi lượng là Bo và kẽm. Tuy nhiên, với những người sử dụng phân đơn mới cần quan tâm đến bón bổ sung phân vi lượng, còn nếu sử dụng phân bón chuyên dùng cho cà phê thì không cần phải bón thêm nữa vì các nhà sản xuất đã phối trộn với lượng vừa đủ. Tất cả các loại phân chuyên dùng của Bình Điền đều đã có bổ sung TE (trung vi lượng) với hàm lượng thích hợp.

Hỏi: Vào mùa mưa cà phê thường rụng trái non. Nguyên nhân và cách khắc phục?

Trả lời: Vào mùa mưa, nhất là tháng 6, tháng 7 cà phê thường bị rụng trái non. Nguyên nhân có thể là do hiện tượng rụng sinh lý hoặc bệnh hại. Khác với một số cây trồng khác, trong mùa mưa cây cà phê vừa cần nhiều dinh dưỡng để vừa nuôi trái và vừa tạo cành lá cho mùa năm sau. Hơn nữa, thông thường cà phê đậu rất nhiều trái nên cây phải tự rụng bớt. Cần đánh giá dinh dưỡng và bộ lá của cà phê để xem có thiếu dinh dưỡng không. Nếu rụng nhiều thì phải “cấp cứu” ngay bằng phân bón lá, sau đó bổ sung bằng phân bón gốc. Nếu sử dụng phân chuyên dùng cho cà phê và bón đủ lượng thì việc rụng một số trái non sẽ không ảnh hưởng đến năng suất. Trường hợp bị rụng trái do nấm bệnh, do mọt thì trước đó phải có biện pháp phòng và sử dụng thuốc BVTV.

Hỏi: Hiện tượng cà phê trái to nhưng hạt lại nhỏ. Nguyên nhân và cách khắc phục?

Trả lời: Có thể do đặc tính giống hoặc dinh dưỡng. Nếu trong vườn chỉ một số cây bị thì chắc do giống xấu lẫn vào, nếu cả vườn bị thì do dinh dưỡng.

TS Tôn Nữ Tuấn Nam – ThS. Phạm Anh Cường

Theo Nông Nghiệp

Rate this post

More articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Latest article