37.9 C
Chư Sê
Chủ Nhật, Tháng Tư 14, 2024

Tái canh cây cà phê: Ai chi tiền?

Must read

Xác định xây dựng nguồn nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế là cần thiết, song lấy tiền ở đâu, ai chi, để tái canh hàng trăm ngàn ha cà phê già cỗi tại các tỉnh Tây Nguyên.

Trên thực tế, hầu hết các DN xuất khẩu cà phê chỉ thu, mua cà phê để phục vụ xuất khẩu chứ chưa chú trọng tới việc hỗ trợ vốn đầu tư vùng nguyên liệu cho nông dân.

Gần 30% diện tích cà phê cần được “trẻ hóa”

Những năm qua, ngành cà phê Việt Nam không chỉ phát triển nhanh cả về diện tích, năng suất, chất lượng mà còn tạo được vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu. Theo Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT), năm 2011, cả nước có 548.200 ha cà phê, trong đó, diện tích ở 5 tỉnh Tây Nguyên là 491.500ha. Nếu tuổi cây cà phê cho thu hoạch hiệu quả là 20 năm, thì diện tích già cỗi phải trồng thay thế là trên 135.000 ha, chiếm gần 30%, tập trung tại 2 tỉnh Đăk Lăk, Lâm Đồng.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Lăk, cho biết, Đăk Lăk có trên 185.000 ha cà phê, mỗi năm cho thu hoạch từ 380.000 tấn trở lên. Nhưng hiện nay, trên 51% diện tích cà phê đã hơn 15 tuổi, cho năng suất thấp dần. Cái khó là trong số hơn 180.000 hộ trồng cà phê, có tới 70% hộ có quy mô dưới 1 ha. Vì vậy, nếu buộc phải cưa đốn cây để tái canh sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.

Tương tự, tỉnh Lâm Đồng có khoảng hơn 40.000 ha cà phê có độ tuổi từ 15-30 năm, (chiếm hơn 27% tổng diện tích cà phê của tỉnh) cần được tái canh. Hiện nay, nhiều hộ dù biết là vườn cà phê của mình đã trồng hơn 15 năm mà vẫn không dám tái canh. Lâm Đồng đã đưa ra chiến lược đến năm 2015 sẽ trồng mới thay thế hơn 33.000 ha cà phê bằng phương pháp ghép chồi, trồng cây ghép và trồng cây thực sinh. Song để thực hiện đề án này điều trở ngại nhất vẫn là nguồn vốn hỗ trợ bà con nông dân chủ động đốn bỏ diện tích cà phê già cỗi để trồng mới.

Tái canh cây cà phê: Ai chi tiền?
Cải thiện vườn cà phê già cổi bằng cách ghép chồi

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, tỉnh Đăk Lăk đã và đang triển khai thực hiện đề án Phát triển cà phê bền vững đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, với tổng đầu tư 1.647 tỷ đồng để duy trì ổn định 150.000 ha, sản lượng đạt bình quân 400.000 tấn/niên vụ. Cùng với đó, Đăc Lăk cũng đã xây dựng 4 vườn nhân chồi, cây giống ghép tại các huyện Cư M’gar, Krông Pắk, Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi, Viện Khoa học kỹ thuật nông – lâm nghiệp Tây Nguyên để đáp ứng yêu cầu cây giống, chồi ghép cho các địa phương, doanh nghiệp (DN) nhằm cải tạo, làm trẻ hóa lại vườn cà phê.

Ai chi tiền để tái canh cà phê

Ông Đoàn Triệu Nhạn – Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (Vicofa), ước tính, chi phí tái canh bao gồm giống, phân bón, kỹ thuật chuyển giao công nghệ… cho 1ha cà phê là hơn 100 triệu đồng, tổng chi phí tái canh cho 135.000 ha cà phê khoảng 10.000 tỷ đồng. Toàn bộ số giống để trồng lại, nông dân có thể mua tại Viện Khoa học kỹ thuật nông – lâm nghiệp Tây Nguyên.

Vấn đề đặt ra hiện nay là ai sẽ bỏ tiền ra để giúp nông dân làm “trẻ hóa” hàng trăm ngàn ha cà phê đang già cỗi kia? Trên thực tế, hầu hết các DN xuất khẩu cà phê chỉ thu, mua cà phê để phục vụ xuất khẩu chứ chưa chú trọng tới việc hỗ trợ vốn đầu tư vùng nguyên liệu cho nông dân. Dù họ biết rằng, nếu đầu tư cho nông dân thì chắc chắn DN sẽ có nguồn nguyên liệu chất lượng, ổn định còn nông dân thì đảm bảo được đầu ra.

Để tái canh cây cà phê, theo ông Đoàn Triệu Nhạn, ngành cà phê cần có kế hoạch cụ thể cho từng địa phương. Đặc biệt, để tránh tình trạng sản lượng cà phê sụt giảm trong quá trình tái canh cần tập hợp các hộ cà phê nhỏ, lẻ lại thành các hợp tác xã (HTX), trong đó mỗi HTX có diện tích khoảng vài chục ha, sau đó chia vùng tiến hành tái canh thành nhiều đợt để nông dân không bị “thất thu”.

Để hỗ trợ nông dân trồng cà phê, Vicofa (nơi tập trung gần 150 DN kinh doanh xuất khẩu cà phê) đã quyết định thành lập Quỹ Bảo hiểm ngành hàng cà phê (tháng 12/2011), dự kiến sẽ bắt đầu thu phí 2 USD/tấn cà phê xuất khẩu từ đầu tháng 10/2012. Số tiền quỹ thu được sẽ chi 50% cho tái canh cà phê, 30% hỗ trợ lãi suất vay vốn tạm trữ, 10% nâng cao chất lượng cà phê và 10% xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, nhiều DN thành viên Vicofa lại tỏ ra không đồng tình.

Theo các DN này, nếu các DN ngoài Vicofa không phải nộp quỹ sẽ tạo sân chơi không bình đẳng giữa các thành phần DN, do đó việc thu phí cho Quỹ Bảo hiểm Cà phê sẽ khó hiện thực hóa. Ông Nguyễn Hoàng Thủy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Hoàng Thủy, cho hay, do chỉ tập trung làm thương mại nên công ty không chú trọng đầu tư trồng cà phê cho nông dân. Tuy nhiên, nếu hộ nông dân nào yêu cầu cung cấp tiền mua giống, phân bón công ty sẽ hỗ trợ với điều kiện họ phải cam kết bán sản phẩm cho Đại Hoàng Thủy với giá thấp hơn so với giá thị trường.

Ông Quách Văn Đức – Tổng giám đốc Công ty Tín Nghĩa, cho biết, hàng năm công ty đã xuất khẩu trên 73.000 tấn cà phê các loại, đạt kim ngạch hơn 155 triệu USD nhưng chỉ là làm cà phê thương mại thuần túy. Công ty đang xem xét việc hỗ trợ nông dân trồng cà phê và đầu tư vùng nguyên liệu trong nước, song đó mới chỉ là kế hoạch.

Tái canh cây cà phê, một vấn đề lớn đối với ngành cà phê Việt Nam, đòi hỏi một chiến lược cụ thể, tránh ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh cà phê. Thiết nghĩ, để ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững, thay vì đổ trách nhiệm cho nhau, các DN cần cùng nhau liên kết lại để hỗ trợ nông dân xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế. Có như thế cà phê Việt Nam mới mong tạo dựng được thương hiệu và chỗ đứng vững chắc trên thương trường quốc tế.

Rate this post

More articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Latest article