“Điểm số trong quá trình học đại học đóng vai trò như thế nào đối với nhà tuyển dụng?”
Một sinh viên đã hỏi tôi như vậy trong một buổi hướng nghiệp tại trường Đại học Bách Khoa Tp. HCM.
Và tôi trả lời rằng: đó là bằng chứng về khả năng cạnh tranh và phát triển của bạn.
Câu hỏi tiếp theo là: “Nếu ứng viên không đi học đại học hay bỏ dở việc học thì nhà tuyển dụng sẽ nhìn họ ra sao?”
Tôi sẽ trả lời với ý kiến cá nhân của mình:
Có rất nhiều người vẫn thành công dù không học hết đại học. Nhưng tại Việt Nam, có rất ít những Bill Gates hay Steve Jobs và tấm bằng đại học vẫn được đánh giá cao. Vậy, giá trị của tấm bằng đại học là gì?
- Chứng minh bạn có khả năng
Nếu bạn không thể vào được đại học vì không đủ khả năng về toán hay lý thì con đường trở thành programmer của bạn sẽ vô cùng chông gai, nếu không muốn nói là không thể!
Còn nếu bạn có khả năng nhưng kết quả học tập lại không phản ánh đúng điều đó? Rất có thể là bạn thiếu đam mê với công việc của mình. Vì nếu bạn thật sự yêu thích điều gì, bạn luôn có khả năng thực hiện điều đó một cách tốt nhất!
- Bạn có trách nhiệm
Bạn quyết định nghỉ học vì bạn có một ý tưởng phải thực hiện ngay? Rất tốt, nếu sau này bạn không phải đi xin việc!
Vì khi đó, nhà tuyển dụng sẽ đặt câu hỏi về tinh thần trách nhiệm của bạn. Bạn đã sẵn sàng gạt bỏ kết quả học tập của mình cũng như sự hy sinh của gia đình để chạy theo đam mê thì không có gì đảm bảo bạn sẽ không bỏ việc nếu có một cơ hội khác tốt hơn.
Hơn nữa, liệu rằng đây sẽ là công việc bạn muốn gắn bó hay chỉ là một bước đệm để bạn đạt đến mục tiêu riêng?
Tấm bằng đại học chính là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm của bạn!
Vậy nếu không có tấm bằng đại học trong tay thì bạn sẽ thất nghiệp? Không hẳn, nếu bạn thật sự có khả năng:
- Bạn không có đủ tiền để học đại học?
Hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn làm gì để bù đắp cho những kiến thức còn thiếu. Những khóa học chuyên ngành ngắn hạn có thể sẽ là giải pháp cho bạn.
- Bạn có cách khác để học nhanh hơn so với đại học?
Chứng minh ngay cho nhà tuyển dụng bằng những phần mềm do chính bạn viết. Cuối cùng thì, sản phẩm vẫn là cái nhà tuyển dụng quan tâm nhất!
Lời khuyên cuối cùng là: Hãy luôn thành thật và thẳng thắn với nhà tuyển dụng về khả năng của mình. Không được offer việc thì tệ thật, nhưng được tuyển cho một vị trí mà bạn không có khả năng làm còn tệ hơn, cho bản thân bạn và cả công ty!
Còn bạn thì sao? Học đại học có giúp bạn trở thành một developer giỏi? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn dưới đây nhé!