Hiện có khoảng 150 trường đại học, cao đẳng có đề án tuyển sinh trong đó sử dụng cả kết quả của thí sinh dự thi ở cụm thi địa phương do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì.
Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Mai Văn Trinh cho biết, Bộ Giáo dục chỉ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, còn phương án tuyển sinh đại học, cao đẳng là quyền tự chủ các trường.
Theo quy chế, thí sinh nếu chỉ đăng ký dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp thì sẽ không được dùng kết quả để xét tuyển vào đại học. Tuy nhiên, quy chế cũng mở một con đường cho những thí sinh này là được xét tuyển vào những trường đại học có phương án tuyển sinh riêng, chấp nhận kết quả thi này.
“Đến nay đã có 150 trường đại học, cao đẳng đồng ý tiếp nhận kết quả của thí sinh thi ở cụm thi địa phương do Sở Giáo dục chủ trì, nơi chỉ tổ chức cho thí sinh thi với mục đích tốt nghiệp. Các em có thể vào website các trường để cập nhật thông tin này”, Cục trưởng Mai Văn Trinh nói.
Ông Trinh cũng khẳng định, hình thức tuyển sinh bằng cách thi tuyển kết hợp xét tuyển là phổ biến trên thế giới. Các trường đại học quyết định lựa chọn tuyển sinh theo hình thức nào là phụ thuộc vào năng lực, điều kiện của trường đó.
Tuy nhiên, ông Cục trưởng Khảo thí cũng lưu ý thí sinh khi làm đăng ký dự thi, nếu các em đăng ký dự thi THPT quốc gia chỉ để lấy kết quả xét tốt nghiệp thì sẽ không được tham gia xét tuyển vào tất cả trường đại học mà chỉ được phép dự tuyển vào 150 trường đồng ý kết quả nói trên. Bộ Giáo dục cho phép thí sinh cân nhắc và được thay đổi việc đăng ký trước ngày 30/4.
Cả nước hiện có gần 500 trường đại học, cao đẳng. 150 trường có đề án xét tuyển sử dụng cả kết quả của thí sinh dự thi ở cụm thi địa phương là những trường mới thành lập, hoặc trường khó tuyển sinh. Số trường còn lại xét tuyển thí sinh thi ở 38 cụm thi quốc gia.