35.2 C
Chư Sê
Chủ Nhật, Tháng Tư 14, 2024

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiểm tra và chỉ đạo phát triền hồ tiêu Gia Lai bền vững

Must read

Sáng 2/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã có chuyến kiểm tra tình hình thiệt hại của các loại cây công nghiệp do ảnh hưởng của đợt mưa trái vụ vừa qua tại tỉnh Gia Lai.

Qua khảo sát tình hình thực tế tại địa phương, Thứ trưởng đã có những phương án chỉ đạo nhằm định hướng cho địa phương có những chính sách hợp lý để phát triển cây công nghiệp có hiệu quả trong tương lai.

Trong chuyến kiểm tra, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã đi thực tế tại một số địa điểm trồng cây công nghiệp tại Gia Lai như Nông trường cao su Ia Nhin (huyện Chư Pah), diện tích trồng tiêu và cà phê ở các huyện Chư Sê, Chư Pưh.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiểm tra mô hình trồng tiêu tại huyện Chư Pưh
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiểm tra mô hình trồng tiêu tại huyện Chư Pưh

Trong các loại cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Thứ trưởng đặc biệt quan tâm đến tình hình canh tác cây hồ tiêu vì trong thời gian qua, đây là loại cây bị ảnh hưởng nhiều nhất do mưa trái vụ dẫn đến cây nhiễm bệnh chết.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Gia Lai, trong những năm qua, Sở đã phối hợp với các địa phương có diện tích trồng hồ tiêu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích nông dân tập trung đầu tư thâm canh, tăng năng suất, nâng cao chất lượng hồ tiêu; khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích, phát triển hồ tiêu phải theo quy hoạch để đảm bảo sản xuất bền vững.

Tuy nhiên, do giá hồ tiêu những năm qua liên tục tăng cao nên người dân đã phát triển ồ ạt loại cây này, dẫn tới thực trạng vượt trên 10.000 ha so với diện tích quy hoạch của tỉnh. Điều này đã gây khó khăn cho công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất của ngành.

Trên địa bàn tỉnh, sâu bệnh hại hồ tiêu phát triển khá mạnh, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm, gây thiệt hại không nhỏ.

Theo Sở NN-PTNT Gia Lai, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu chết như: người dân mở rộng diện tích, thâm canh quá mức, sử dụng phân bón hóa học quá liều lượng, sử dụng phân phức hợp không cân đối tỷ lệ N, P, K và sử dụng các chất kích thích, phân bón lá đậm đặc để chạy đua năng suất làm cây mất cân bằng dinh dưỡng; mua nguồn giống thiếu chọn lọc, sử dụng không rõ nguồn gốc, bị nhiễm bệnh trước khi đưa ra vườn…

Từ thực tế trên, Sở NN-PTNT Gia Lai kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét hỗ trợ kinh phí và giúp tỉnh Gia Lai thực hiện dự án “Điều tra khảo sát, bình tuyển giống tiêu. Xây dựng vườn tiêu đầu dòng và sản xuất hom giống tiêu sạch bệnh virus, các mô hình sản xuất hồ tiêu bền vững” ở các vùng trọng điểm trồng hồ tiêu trong tỉnh (Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Đăk Đoa);

Giới thiệu và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Gia Lai: Xây dựng “Nhà máy chế biến hồ tiêu áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại” gắn với các vùng nguyên liệu hồ tiêu trọng điểm của tỉnh; Kiến nghị Chính phủ sớm thành lập Quỹ bình ổn giá hoặc Quỹ tạm trữ cho ngành hàng hồ tiêu nói riêng, từng ngành hàng cây công nghiệp dài ngày nói chung.

Qua khảo sát diện tích trồng tiêu trên địa bàn huyện Chư Sê, Chư Pưh, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, hiện nay, cây tiêu chết vẫn là do chăm sóc chưa đúng quy trình kỹ thuật. Việc sử dụng phân vô cơ quá nhiều thì cây tiêu không thể chống chịu và phát triển lâu dài được.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, các cây công nghiệp chết do sâu bệnh đều chưa chú ý thực hiện canh tác đúng kỹ thuật
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, các cây công nghiệp chết do sâu bệnh đều chưa chú ý thực hiện canh tác đúng kỹ thuật

Do đó, cần tăng cường lượng phân bón hữu cơ. Tuy nhiên để thực hiện được điều này tỉnh cần phải có các biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng để sản xuất các loại phân bón hữu cơ. Có như vậy mới tạo được sự chủ động, bón phân đúng thời vụ nhằm tăng hiệu quả.

Ngoài ra, Thứ trưởng nhận xét, hiện nay chi phí đầu tư cho cây tiêu là tương đối cao. Trong khi đó, bà con nông dân ở đây điều kiện kinh tế còn rất khó khăn. Do đó, cần phải nhanh chóng xây dựng một quy trình trồng cây riêng cho các hộ nghèo áp dụng. Tại huyện Chư Sê hiện đã có một số mô hình trồng tiêu chi phí thấp và bước đầu đem lại hiệu quả.

“Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trung tâm Hồ tiêu và các đơn vị có liên quan cần gấp rút khảo sát những mô hình như thế để làm ý kiến đề xuất xin sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT. Từ đó áp dụng vào thực tế để giúp bà con tăng hiệu quả kinh tế”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo.

Rate this post

More articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Latest article