Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024
22.5 C
Chư Sê

Tri thức nghề nông: Trại nuôi loài chim nặng hàng tạ, quy mô lớn nhất Việt Nam

Tri thức nghề nông: Trại nuôi loài chim nặng hàng tạ, quy mô lớn nhất Việt Nam

Chăn nuôi đà điểu thương phẩm tại Trung tâm Giống đà điểu Khatoco Ninh Hòa tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Kim Sơ.

Chăn nuôi đà điểu thương phẩm tại Trung tâm Giống đà điểu Khatoco Ninh Hòa tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Kim Sơ.

Loài chim đẻ trứng nặng 2kg/quả

Trung tâm Giống đà điểu Khatoco Ninh Hòa thuộc Tổng Công ty Khánh Việt nằm ở thôn Đại Cát, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) là nơi nuôi đà điểu lớn nhất Việt Nam hiện nay. Hiện Trung tâm này nuôi đà điểu tại 3 xã trên địa bàn thị xã Ninh Hòa gồm Ninh Phụng, Ninh Thân và Ninh Tây với tổng diện tích khoảng 122ha.

Tham quan khu nuôi đà điểu sinh sản, chúng tôi chứng kiến loài chim lớn nhất thế giới với chiều cao lên đến hơn 2m. Đà điểu vốn là giống chim hoang dã được thuần hóa thành vật nuôi, thích nghi với khí hậu tại Việt Nam, mang lại giá trị kinh tế cao.

Thông thường từ tháng 12 năm trước đến tháng 9 năm sau, Trung tâm Giống đà điểu Khatoco Ninh Hòa bắt đầu thực hiện ghép đà điểu trống – mái trong một chuồng nuôi với diện tích rộng khoảng 150m2 để giao phối, thu trứng giống.

Khu nuôi đà điểu sinh sản. Ảnh: Kim Sơ.

Khu nuôi đà điểu sinh sản. Ảnh: Kim Sơ.

Với 14 năm kinh nghiệm, anh Nguyễn Minh Dũng, công nhân đang quản lý 350 con đà điểu sinh sản cho biết, mỗi chuồng ghép hai con mái với một con trống sẽ thu trứng có chất lượng phôi tốt nhất. Bên cạnh đó, việc chăm sóc, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho đà điều sinh sản cũng rất quan trọng. Ở đây, mỗi ngày đà điều sinh sản được cho ăn với khẩu phần 1kg thức ăn tinh và 2,5kg rau muống hoặc cỏ voi/con. Ngoài ra, còn bổ sung vitamin và giá đỗ là những loại thực phẩm rất có lợi cho đà điểu sinh sản. Hiện nay, các loại thức ăn trên đều được Trung tâm tự sản xuất tại chỗ để phục vụ nuôi đà điểu.

Để phân biệt con trống, con mái, anh Nguyễn Minh Dũng cho biết đà điểu trống to hơn con mái, lông màu đen, hai cánh có nhúm lông màu trắng, chân và mỏ có màu đỏ. Còn con mái nhỏ hơn, lông màu hơi xám.

Đà điểu thành thục về tính là khoảng 2 năm đối với con mái và 3 năm đối với con trống. Con mái thường đẻ 2 trứng/tuần. Trung bình mỗi năm một con đẻ từ 50 – 60 trứng và thường đẻ vào buổi chiều. Sau khi thu trứng, công nhân sẽ vệ sinh cẩn thận, ghi thông tin ngày tháng, chuồng nuôi, bố mẹ trước khi đem vào máy ấp trứng nhân tạo.

Rời khu nuôi đà điểu sinh sản, chúng tôi đến khu ấp sinh sản cách đó không xa. Tại đây, trứng đà điểu được các công nhân phân loại, khử trùng rồi đưa vào máy ấp. Trung bình mỗi quả trứng đà điểu có trọng lượng từ 1,2 – 2kg. Những quả trứng không đạt tiêu chuẩn sẽ được dùng làm thực phẩm hoặc dùng chế tác đồ mỹ nghệ.

Mỗi chuồng nuôi đà điểu sinh sản được bố trí một công trống, hai con mái. Ảnh: Kim Sơ.

Mỗi chuồng nuôi đà điểu sinh sản được bố trí một công trống, hai con mái. Ảnh: Kim Sơ.

Anh Huỳnh Công Phi, công nhân phụ trách ấp trứng cho biết, hiện Trung tâm có 36 máy ấp trứng với công suất 210 – 432 trứng/máy. Trứng được ấp ở nhiệt độ từ 36,5 – 37,7 độ C; ẩm độ từ 22 – 25%, sau 42 ngày sẽ nở thành con. Trong quá trình ấp, công nhân sẽ soi trứng vào ngày thứ 14 và 24 để loại trứng không có phôi và trứng hỏng. Đến ngày thứ 38, khi trứng bắt đầu có dấu hiệu nở sẽ được chuyển sang máy nở nhằm tránh tình trạng đà điểu con nở ra bị kẹt trong máy ấp gây thiệt hại.

“Những con đà điểu con sau khi nở được gắn thẻ nhôm đã đánh số vào cổ. Đây là thẻ sẽ theo suốt đời con đà điểu và mọi thông tin được theo dõi thông qua phần mềm quản lý đà điểu của Trung tâm. Đà điểu sau khi nở đạt trọng lượng trung bình từ 0,8 – 1kg/con và sẽ được nuôi úm từ 2,5 – 3 tháng, sau đó chuyển sang khu nuôi thương phẩm”, anh Huỳnh Công Phi chia sẻ.

Tiếp tục di chuyển bằng xe ô tô đến khu nuôi đà điểu thương phẩm, chúng tôi choáng ngợp trước hàng ngàn con được nuôi nhốt tại đây.

Anh Lê Nguyễn Anh Khoa, Trại trưởng Trại thương phẩm số 1 xã Ninh Phụng cho biết, sau khi đà điểu chuyển về khu nuôi thương phẩm sẽ được nuôi từ 6 – 7 tháng để xuất bán giết thịt. Khi đó, mỗi con đà điểu đã đạt trọng lượng từ 95 – 100kg.

Đà điểu có sức đề kháng cao, ít xảy ra bệnh tật, dễ nuôi. Ngoài thức ăn thức ăn hỗn hợp, giống chim này có thể ăn rau, cỏ voi và lục bình. Dù sống ở ngoài trời, mặc cho mưa nắng nhưng chúng vẫn khỏe mạnh. Tuy nhiên để phòng chống dịch bệnh, Trung tâm Giống đà điểu Khatoco Ninh Hòa vẫn chích 2 loại vacxin dịch tả và cúm cho đà điểu.

Công nhân kiểm tra, phân loại trứng đà điểu. Ảnh: Kim Sơ.

Công nhân kiểm tra, phân loại trứng đà điểu. Ảnh: Kim Sơ.

Theo bà Phan Thị Kim Hạnh, Trưởng phòng Kỹ thuật (Trung tâm Giống đà điểu Khatoco Ninh Hòa), do chưa có vacxin chuyên dùng cho đà điểu nên Trung tâm sử dụng vacxin phòng bệnh dịch tả và cúm của gia cầm theo định kỳ. Theo đó, đối với đà điểu nhỏ sẽ chích với liều lượng gấp đôi, còn đà điểu lớn là gấp 3 – 4 lần so với liều của gia cầm.

Anh Nguyễn Minh Dũng cho biết, công việc hằng ngày của công nhân chăm sóc đà điểu sinh sản là thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, cho ăn, nhặt trứng và thực hiện cho đàn phối giống tốt nhất. Người nuôi đà điểu lâu năm sẽ hiểu được đặc tính từng con hung dữ hay lành tính. Tiếp xúc lâu ngày, đà điểu cũng quen hơi người nuôi, không còn hung tợn. Nhưng khi thấy người lạ, chúng sẽ xù lông, há mỏ kêu nhằm dọa nạt. Đà điểu sẽ tấn công người khi xâm nhập “lãnh thổ” của chúng. Nếu bị đà điểu trống đá, người có thể bị chấn thương nặng.

Doanh thu 40 tỷ đồng/năm từ đà điểu

Trung tâm Giống đà điểu Khatoco Ninh Hòa thành lập từ năm 2004, với số lượng ban đầu khoảng 800 con giống đà điểu nhập từ Australia. Qua hơn 19 năm tiếp nhận, quản lý và tự nhân đàn, đến nay Trung tâm có 1.000 con bố mẹ sinh sản. Ngoài ra, hiện có gần 6.000 con đà điểu thương phẩm.

Con giống đà điểu sau khi ấp nở. Ảnh: Kim Sơ.

Con giống đà điểu sau khi ấp nở. Ảnh: Kim Sơ.

Theo bà Phan Thị Kim Hạnh, với số lượng đàn bố mẹ trên, mỗi năm đẻ trên 20.000 quả trứng. Trong đó, phân nửa được bán thương phẩm và trứng giống, số còn lại được giữ để ấp nở. Trứng thương phẩm được bán với giá từ 160 – 230 ngàn đồng/quả (tùy loại), còn trứng giống hiện bán với giá khoảng 650 ngàn đồng/quả.

Bên cạnh doanh thu từ trứng, mỗi năm Trung tâm cung cấp ra thị trường khoảng 4.000 con giống đà điểu cho người chăn nuôi với giá từ 1,6 -11 triệu đồng/con (tùy tuổi) và giết mổ khoảng 5.000 con thương phẩm sau 10 – 10,5 tháng thả nuôi.

Mỗi con thương phẩm đạt trọng lượng trung bình từ 95 – 100kg/con, cho ra khoảng 27 – 30kg thịt tinh gồm phi lê, đùi, vụn… với giá bán từ 100 – 250 ngàn đồng/kg (tùy loại). Ngoài ra, Trung tâm còn cung cấp hơn 3.000 tấm da đà điểu cho ngành thuộc da để làm đồ trang sức như ví, giày, dây nịt. Tổng doanh thu hàng năm của Trung tâm trên 40 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động.

Cũng theo bà Phan Thị Kim Hạnh, quy trình chăn nuôi đà điểu của Trung tâm hiện đã được khép kín từ khâu phối giống, sinh sản, ấp trứng, nuôi úm, nuôi thương phẩm cho đến giết mổ, chế biến thịt để tiêu thụ, chủ yếu trong nước.

Nhà máy chế biến thịt đà điểu của Trung tâm Giống đà điểu Khatoco Ninh Hòa. Ảnh: Kim Sơ.

Nhà máy chế biến thịt đà điểu của Trung tâm Giống đà điểu Khatoco Ninh Hòa. Ảnh: Kim Sơ.

Hiện Trung tâm có nhà máy chế biến, được quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 22000-2018, được khách hàng đánh giá cao về sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Sản phẩm thịt đà điểu có hàm lượng protein tương đương với thịt bò, hàm lượng cholesterol thấp nên không gây thừa cân, béo phì, rất tốt cho các bệnh về tim mạch, do đó được thị trường ưa chuộng. Sản phẩm thịt đà điểu Khatoco hiện có mặt tại hệ thống siêu thị lớn và đại lý phân phối trên toàn quốc.

Ngoài Trung tâm Giống đà điểu Khatoco Ninh Hòa, Tổng Công ty Khánh Việt còn có Trung tâm Giống đà điểu Khatoco Quảng Nam (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) có quy mô nuôi khoảng 1.000 con đà điểu sinh sản. Có thể nói nuôi đà điểu rất có tiềm năng, mang lại giá trị kinh tế cao bởi hầu hết các bộ phận từ đà điểu đều có giá trị. Da có thể cung cấp để sản xuất các sản phẩm thời trang; vỏ trứng, móng vuốt, lông đà điểu được dùng để chế tác thành đồ thủ công mỹ nghệ.

Đọc nhiều

Du lịch Mang Yang (Gia Lai) có gì để khám phá? Lên kế hoạch ngay!

Mang Yang là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Gia Lai. Cùng khám phá 5 địa điểm du lịch Mang Yang hấp dẫn, đẹp, nổi tiếng.

Top 5 quán bún cua thối Gia Lai chuẩn vị nhất định phải thử

Nếu bạn và gia đình du lịch đến Gia Lai thì nhất định không nên bỏ qua 5 quán bún cua thối mà Bách hóa XANH giới thiệu trong bài viết ngày hôm nay bạn nhé!

Đánh giá iPhone 16 Pro Max

Khi dùng iPhone 16 Pro Max, tôi thấy nó là đô vật đẳng cấp, mạnh mẽ đầy cơ bắp thực thụ chứ nhưng không nhờ lạm dụng testosterone.

Phục dựng Lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai ở làng Greo Pết

Sáng 28-11, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San phối hợp với UBND huyện Chư Sê tổ chức phục dựng Lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai sinh sống tại làng Greo Pết (xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai).

Bản tin nông sản hôm nay (2-12): Giá cà phê, hồ tiêu ổn định ngày đầu tuần

Bản tin nông sản hôm nay ghi nhận giá hồ tiêu ổn định, giá cà phê, giá lúa gạo không có biến động.

Related Articles

Popular Categories

spot_imgspot_img