Anh Đỗ Lê Công Thành-Bí thư Đoàn thị trấn Chư Sê chọn mô hình trồng dâu nuôi tằm để phát triển kinh tế gia đình. Dẫn chúng tôi tham quan mô hình, anh Thành cho biết: Đầu năm 2023, anh đầu tư hơn 60 triệu đồng để mua cây giống, trang-thiết bị, vật tư phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm.
Anh lắp hệ thống tưới nước tự động, giúp vườn cây luôn sinh trưởng tốt, cung cấp đủ thức ăn cho tằm vào mùa khô. Cây dâu thích nghi với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng địa phương nên sau khi trồng hơn 4 tháng là có thể thu hoạch lá.
Theo anh Thành, đến nay, anh đã mở rộng diện tích trồng dâu lên 1,5 ha và nhà nuôi tằm rộng 80 m2. Mỗi đợt, anh nuôi 1,5 hộp tằm giống với thời gian 15 ngày là có thể thu hoạch khoảng 1 tạ kén. Anh còn duy trì nuôi gối đầu để bảo đảm có nguồn thu liên tục từ kén, tiết kiệm thời gian. Với giá kén 180-200 ngàn đồng/kg, anh có thu nhập trên 20 triệu đồng/đợt.
“Trồng dâu nuôi tằm chi phí đầu tư không nhiều, chủ yếu là khâu kỹ thuật và công chăm sóc. Thời gian tới, tôi dự tính mở rộng diện tích nhà nuôi tằm để có thêm thu nhập”-anh Thành chia sẻ.
Anh Đỗ Lê Công Thành lựa chọn nghề trồng dâu nuôi tằm để lập nghiệp. Ảnh: P.N |
Nhiều thanh niên ở thị trấn Chư Sê cũng tìm đến anh Thành để học hỏi kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm. Anh luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm.
“Bén duyên với công tác Đoàn từ năm 2017 đến nay, tôi luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao, gương mẫu đi đầu trong làm kinh tế. Khi đoàn viên, thanh niên có thu nhập, cuộc sống ổn định thì việc tập hợp mọi người vào tổ chức Đoàn cũng khá thuận lợi”-anh Thành tâm sự.
Cũng là cán bộ Đoàn đi đầu trong phong trào lập thân, lập nghiệp, anh Nguyễn Văn Cường-Phó Bí thư Đoàn xã Dun có thu nhập trên 120 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi dúi. Anh Cường cho biết: Sau một thời gian tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các trại nuôi dúi trong và ngoài tỉnh, năm 2021, anh mua 12 cặp dúi giống về nuôi thử nghiệm.
Một thời gian sau, nhận thấy nuôi dúi có hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định, anh quyết định tập trung phát triển kinh tế từ con dúi. Đến nay, trại nuôi của anh có diện tích 80 m2, duy trì số lượng 70 con bố mẹ.
Theo anh Cường, nuôi dúi không tốn nhiều chi phí đầu tư và ít công chăm sóc. Làm chuồng trại rất đơn giản, chỉ cần ghép những viên gạch men có kích thước 50×50 cm nối liền sát với nhau, vừa đỡ tốn diện tích vừa đảm bảo độ thoáng mát. Chuồng nuôi được anh chia ra 140 ô gạch. Đối với dúi trưởng thành, anh cho chúng ở riêng từng ô, còn dúi con có thể ở tập thể.
“Dúi có tập tính ngủ ngày, ăn đêm. Chuồng nuôi phải hạn chế ánh sáng chiếu trực tiếp, cũng như gió lùa ban đêm vào chuồng để tránh ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển. Về thức ăn, tôi tận dụng nguồn tre, mía trồng trong vườn hoặc mua tại địa phương. Ngoài ra, tôi còn bổ sung thêm bắp, thân cây mì giúp dúi phát triển tốt”-anh Cường nói.
Nhờ nuôi dúi thành công, mỗi năm, anh Nguyễn Văn Cường-Phó Bí thư Đoàn xã Dun thu về hơn 120 triệu đồng. Ảnh: P.N |
Cũng theo anh Cường, việc chọn dúi ghép đôi sinh sản là khâu rất quan trọng. Nuôi dúi thành công hay không một phần phụ thuộc vào việc phối giống. “Dúi cái sinh sản 3 lần/năm, mỗi lần khoảng 3-4 con. Dúi nuôi khoảng 8 tháng có thể sinh sản và xuất bán làm con giống với giá 900-950 ngàn đồng/kg. Mỗi năm, tôi xuất bán 2 đợt con giống với số lượng trên 90 con (130 kg), thu về trên 120 triệu đồng”-anh Cường cho hay.
Từ thành công của bản thân, anh Cường sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và nhân rộng mô hình nuôi dúi cho thanh niên địa phương phát triển kinh tế.
Chị Nguyễn Nữ Quỳnh Nga-Phó Bí thư Huyện Đoàn Chư Sê-đánh giá: “Anh Đỗ Lê Công Thành và Nguyễn Văn Cường là những cán bộ Đoàn năng động, luôn tiên phong, gương mẫu trong mọi phong trào do Ban Thường vụ Huyện Đoàn phát động. Đặc biệt, với sự năng động, dám nghĩ dám làm, các anh đã thành công khi xây dựng được mô hình khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình”.