Bệnh chết nhanh chết chậm của tiêu – Nhằm giúp bà con nhận biết một số bệnh hại thường xảy ra với cây hồ tiêu, Ban Biên tập chuse24h sưu tầm những bài viết trên các trang mạng về đề tài này, mong bà con tham khảo để chăm sóc và bảo vệ tốt vườn tiêu của mình.
Bệnh tiêu chết nhanh
a. Tác nhân :
– Do nấm Phytophthora palmivora.
– Nấm P.palmivora có nguồn gốc thủy sinh nên chúng ưa thích và rất cần sự ẩm ướt để sinh sản, phát triển và gây hại. Bệnh phát triển, lây lan mạnh trong mùa mưa, nhiệt độ không khí trên dưới 30ºC.
b. Triệu chứng gây hại :
– Bệnh có thể xâm nhập và gây hại ở tất cả các bộ phận của cây từ thân, lá, hoa, trái cho đến cổ rễ và rễ. Nhưng nguy hiểm nhất và cho cây tiêu bị chết hàng loạt là khi tấn công vào phần cổ rễ và rễ.Triệu chứng là cây tiêu đang tươi tốt thì xuất hiện một ít lá bị vàng úa, sau đó các lá tiếp tục bị vàng, cây tiêu héo rũ rất nhanh, có khi lá héo rũ trên cây đến sáng sớm có thể thấy cây tiêu tươi trở lại do ướt sương vào ban đêm. Sau đó các đốt thân cũng biến màu thâm đen và rụng
– Hiện tượng rụng lá và đốt thường bắt đầu từ ngọn trở xuống. Bệnh xâm nhiễm vào cây tiêu bắt đầu ở vùng cổ (ngang mặt đất) hoặc phần bên dưới mặt đất làm thối cổ rễ và thối đen rễ, sau đó phần hư thối này lan dần lên trên và cây tiêu biểu hiện các triệu chứng đã nêu . Bênh tiến triển rất nhanh từ khi phát hiện thấy lá tiêu hơi rũ xuống cho đến khi lá rụng ào ạt có khi chỉ 5-7 ngày và đến khi tiêu chết hoàn toàn có thể trong vòng 1-2 tuần.
c. Phòng trừ :
– Kết hợp nhiều biện pháp đồng bộ và sớm ngay từ khi thiết kế vườn, chuẩn bị cây giống, bởi vì nếu để đến lúc bệnh đã lan ra mới vội vã mua thuốc về xử lý thì không thể nào cứu chữa kịp.
– Không lấy giống ở những vườn tiêu đã bị bệnh. Chọn giống tiêu có khả năng kháng bệnh tốt (giống Lada Belantung có sức chống chịu cao với bệnh).
– Đất trồng tiêu nên chọn loại đất tơi xốp, đảm bảo ở độ sâu 50-60 cm không bị đọng nước. Thiết kế vườn, đào rãnh để vườn dễ thoát nước khi có mưa.
– Thường xuyên vệ sinh vườn tiêu, làm sạch cỏ dại, cắt bỏ bớt các lá già, các dây lươn ở gốc để cho gốc tiêu thông thoáng.
– Bón nhiều phân hữu cơ ủ hoai (15-20 kg/gốc/năm) và cân đối N,P,K,Ca, Mg.
– Trong khi chăm xóc, làm cỏ, bón phân cố gắng tránh gây những vết thương cho gốc tiêu, rễ tiêu để hạn chế sự xâm nhập của nấm bệnh gây hại.
– Các cây bị nặng cần đào bỏ, nhặt hết rễ tập trung tiêu hủy, rắc vôi 1 kg/hố để diệt mầm bệnh.
– Thường xuyên kiểm tra nhất là vào mùa mưa và đặc biệt ở những vườn đã từng bị bệnh hại trước đây để phòng trừ bằng thuốc Acrobat MZ 90/600 WP:
+ Phun ướt đều tán cây : 20-25 g/bình 8 lít
+ Tưới gốc và vùng cổ rễ : 20-25 g/8 lít nước, đầu mùa mưa tưới 14 ngày/lần, khi mưa già tưới 7 ngày/lần.
Bệnh tiêu chết chậm
a. Tác nhân :
– Do nấm Fusarium sp., nhưng trong nhiều trường hợp là sự kết hợp với các nấm khác như Lasiodiplodia, Pythium, Rhizoctonia cũng làm thối gốc gây hiện tượng chết chậm cây tiêu.
– Nấm tồn tại hàng năm ở trong đất, phát sinh phát triển trong đất bón ít phân hữu cơ, đất chua.
b. Triệu chứng gây hại :
– Cây tiêu có biểu hiện sinh trưởng chậm, lá úa vàng. Lá, hoa, các đốt và trái cũng rụng dần từ dưới gốc lên ngọn, chứ không rụng và héo từ đọt xuống như bệnh chết nhanh. Gốc thân cây bệnh có các vết nâu đen, dần dần vết bệnh lan rộng làm thối lớp vỏ gốc, bó mạch của thân cây hóa nâu. Khi bệnh nặng, toàn bộ gốc và rễ cây tiêu bị thâm đen, hư thối, sau đó cây chết khô.
– Thời gian từ khi có biểu hiện bị bệnh đến khi chết có thể kéo dài cả năm. Bệnh làm chết cả khóm hoặc chỉ chết 1-2 dây.
c. Phòng trừ :
– Áp dụng các biện pháp tổng hợp như bệnh chết nhanh.
– Phun thuốc ngừa nấm bệnh định kỳ một tháng một lần trong mùa mưa, dùng Polyram 80DF pha 40 g/bình 8 lít, phun kỹ toàn cây.
– Tưới gốc 3-4 lít dung dịch thuốc/gốc vào đầu và cuối mùa mưa :
+ Polyram 80DF + Oncol 20EC : 40 g + 40 ml/8 lít nước
+ Ridozeb 72WP + Oncol 20EC : 30 g + 40 ml/8 lít nước