Nhằm chia sẻ kinh nghiệm trồng tiêu tiếp thu từ gia đình mình, bạn Nguyễn Minh Vịnh ở Cẩm Mỹ, Đồng Nai đã thực hiện bài viết này. Chư sê 24h chia ra nhiều phần theo độ tuổi tiêu để bà con dễ dàng đúc rút kinh nghiệm chăm sóc tiêu như biểu hiện bệnh, quan sát hồ tiêu và cách chăm sóc tiêu.
Phần I : Tiêu con
Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề… (Ca dao Việt Nam)
Ông bà ta khi xưa đã đúc kết kinh nghiệm bằng ca dao tục ngữ. Không phải tự nhiên mà có những bài ca dao lao động như thế. Đó chính là tinh hoa, tinh túy nhất của thực tế. Với những lão nông việc quan sát hồ tiêu chỉ là vấn đề bình thường, cũng như một thói quen. Vui thú điền viên là thế. Những lúc thăm vườn như vậy, lại chính là bác sỹ chẩn đoán tình trạng sức khỏe của vườn nhà mình. Tưởng chừng như đơn giản, nhưng đó là một quá trình dài mà không phải ai mới bắt đầu trồng hồ tiêu cũng được trải nghiệm.
Quan sát không chỉ đơn thuần là nhìn ngắm mà còn là lắng nghe, tiếp thu, thử nghiệm, phán đoán, sáng tạo cho riêng mình… Kết hợp nhiều yếu tố mới chẩn đoán chính xác được bệnh. Một khi đã chẩn đoán chính xác được tình trạng sức khỏe của cây hồ tiêu, thì điều đó cũng giống như đặt được viên gạch đầu tiên cho một căn nhà. Riêng tôi trở thành bác sỹ bất đắc dĩ cũng nhờ hàng ngày tiếp xúc với vô số câu hỏi, vừa có lý thuyết, vừa được áp dụng thực tế trên mô hình nhà mình. Nên càng ngày tôi càng tự tin vào kỹ thuật của chính mình. Chắc các bạn cũng biết câu chuyện về dây tóc đèn điện của Thomas Edison. “Rất nhiều sự thất bại trong cuộc sống đều là do người ta không nhận ra họ đã gần với sự thành công tới chừng nào khi họ chấp nhận từ bỏ công việc của mình.” – Thomas Edison.
Để trồng được hồ tiêu trước tiên phải tự trau dồi một số kiến thức cơ bản về cây hồ tiêu. Loại cây này rất nhiều bệnh tật, toàn là bệnh nan y khó chữa. Thông tin báo đài có phổ cập thường xuyên, khuyến nông về hướng dẫn kỹ thuật liên tục. Thế nhưng nó vẫn còn làm đau đầu với nhiều lão nông, kỹ sư,… Huống chi là các bạn trẻ. Tại Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu khoa học về loại cây này. Đa phần là nông dân tự làm, sau đó truyền kinh nghiệm cho nhau. Thông qua các cuộc hội thảo, hay diễn đàn nông nghiệp, tôi mong mọi người hãy luôn mở lòng, chung tay góp sức để xây dựng, giữ vững vị thế số 1 thế giới về: Kỹ thuật, sản lượng, chất lượng, cũng như làm chủ được thị trường hồ tiêu…
Canh tác hữu cơ, hữu cơ vi sinh là xu hướng của thời đại. Vừa an toàn, vừa thân thiện với môi trường lại bền vững. Ai cũng biết vậy, nhưng không phải ai cũng biết làm thế nào để canh tác theo hướng nông nghiệp xanh.
Chủ đề này rất rộng. Ngoài các yếu tố sinh lý của cây hồ tiêu, còn có nhiều yếu tố như thổ nhưỡng, tập quán canh tác, khí hậu vùng miền, thời tiết, chất đất… Để hoàn thiện hơn rất mong sự chia sẻ, góp ý cũng như sự trải lòng của bà con. Gắn kết cộng đồng hồ tiêu Việt Nam. Phương châm sống của tôi là: Hãy chia sẻ để nhận được nhiều hơn.
Với kiến thức hạn hẹp của mình, tôi xin chia sẻ một vài biểu hiện bệnh và cách chăm sóc hồ tiêu, để cho bà con tham khảo như sau:
Phần bệnh nào tôi đã đề cập trong phần trước, thì phần sau sẽ không nhắc lại. Có những phần nằm trong bài viết cũ, hay được thảo luận nhiều lần tôi cũng không đề cập tới.
Tiêu con trong bầu tại vườn ươm.
Bà con thường gặp các loại bệnh như sau: Tiêu con lên rất đẹp nhưng tự nhiên rụng đọt non. Nguyên nhân là khi còn trong bầu đất, tiêu ra rễ bà con cưng nó quá, tưới nhiều làm ngập úng thối rễ non. Vườn ươm che đậy quá kín, hoặc trồng dưới bóng cây, cây không đủ ánh sáng để quang hợp.
Một nguyên nhân thường gặp nữa là do đất của bầu ươm lấy từ vườn nhiễm bệnh như: Phytopthora, fusarium… Giống lấy từ vườn đã nhiễm bệnh, kém chất lượng. Tiêu con rất nhạy cảm. Dùng thuốc đồng quá nặng hoặc phân bón quá nặng cũng làm hiện tượng trên. Vì thế cần lưu ý. Vấn đề về ươm giống thường gặp ở bà con vừa mới trồng tiêu. Để thất bại ươm giống đồng nghĩa với việc bà con đã làm lãng phí 1 năm. Đôi khi không biết mình mắc sai lầm chỗ nào còn làm mình thất bại thêm vài lần nữa. Chủ đề này đã có thảo luận nhiều trên diễn đàn. Bà con có thể tham khảo ở đây:
– Chia sẻ kinh nghiệm ươm tiêu lươn
– Kỹ thuật nhân giống cây hồ tiêu
– Qui trình kỹ thuật trồng Hồ Tiêu ở Chư Sê
Tiêu con vừa trồng ra đất.
Ta thường gặp các loại bệnh như sau: Cây tiêu rụng đọt, lá non trắng bệch nhỏ teo dần kém phát triển, thậm chí thối luôn dây. Thỉnh thoảng kiểm tra gốc thấy mặt phía trên dây tiêu bị cháy đen, nhổ lên thấy rễ không phát triển… Nguyên nhân do bà con ta có thói quen trồng quá sâu, có thể làm bồn sâu để giữ nước với vùng đất thiếu nước, nhưng nên trồng cạn rồi lấp dần lên, chứ nhiều người tư tưởng trồng sâu khỏi đôn. Cây sẽ phát rất chậm, nhiều khi không lớn nổi. Trồng quá nghiêng nắng sẽ làm cháy dây. Trồng trên đất có tầng canh tác mỏng, đất không có độ phì làm nghẹt rễ. Những cây này lá non lúc nào cũng nhỏ xíu trắng bệch, có phân là có phát, không phân thì vẫn thế. Người ta trồng 3 năm phủ trụ. Mình trồng trên đất này 3 năm cây vẫn lèo tèo, sầu thảm.
Khi mua giống từ vườn ươm xịt phân bón lá nhiều, nhìn lá to rất mướt nhưng bộ rễ kém phát triển. Bà con lưu ý tiêu con ta nên tập trung chăm sóc bộ rễ cho nó phát triển. Không nên lạm dụng phân bón lá. Bộ rễ câycó chức năng gần giống như bao tử của con người vậy. Dùng nhiều thuốc bổ (phân bón lá) mà không ăn (phân bón gốc) dĩ nhiên bao tử sẽ teo. Bộ rễ kém phát triển cây sẽ còi cọc chậm lớn. Phân bón lá dùng mục đích bổ sung dinh dưỡng thêm cho cây khi cần thiết, hoặc dùng như nguồn nuôi nấm Trichoderma, Pseudomonas ngừa bệnh cho cây.
Ngoài ra nguyên nhân dùng phân chuồng khi nó chưa thực sự hoai, mới đổ phân chuồng xuống hố mà đã trồng ngay, phân chuồng nóng quá sẽ làm cháy rễ non, sau đó sẽ làm thối cả dây. Phân chuồng là một loại phân tốt. Nhưng nếu ủ chưa hoai.vi sinh vật có hại vẫn còn tồn dư sẽ bùng phát khi cho ra đất, lúc đó ta sẽ khó có thể kiểm soát.
Thường khi trồng nên lưu ý: Ta đổ phân chuồng ra, đảo trộn sau đó để một thời gian cho hố sụp xuống, mới tiến hành trồng, sẽ không bị tình trạng sụp hố úng nước và phân quá nóng làm cháy rễ.
Hồ tiêu ở giai đoạn này cần rất nhiều thời gian chăm sóc, tưới tắm. Thói quen của nhiều bà con là lót 1 lượng phân bón rất nhiều. Cụ thể ở đây là phân lân. Có nhà lót cả vài kg. Nào là lân nào là vôi… Cây con đã ăn tới đâu mà lót nhiều thế? Có lãng phí phân bón quá không? Tôi chỉ lót hoàn toàn bằng phân chuồng hoai mục ủ Trichoderma. Trong phân chuồng hoai mục đó có 1,5 % lân. Có thể có 1 % vôi nếu cần thiết. Nếu không có phân chuồng hoai mục ủ Trichoderma thì có thể lót bằng phân lân gà hoai, cút hoai đã xử lý, phân hữu cơ vi sinh. Sau đó bổ sung phân chuồng hoai mục ủ Trichoderma sau.
Sau 20 ngày kể từ ngày đem bịch ươm ra trồng thì ta bắt đầu cho nó ăn đợt phân bón đầu tiên. Loại tôi dùng là phân hữu cơ vi sinh đã xử lý. Cây sẽ phát lá non to tròn đều, màu lá mướt mát rất đẹp. Khi thấy cây có dấu hiệu lá nhỏ lại, sắc tố yếu ớt, thì bắt đầu bón tiếp. Cách bón cho tiêu con rất đơn giản. Chỉ cần cho 1 nhúm phân hữu cơ vi sinh nằm gọn trong lòng bàn tay. Moi sơ đất ra vùi xuống là cây có của để giành ăn tiếp. Với lượng phân chuồng hoai mục lót bên dưới và bón phân theo cách quan sát lá non. Tiêu sẽ lớn nhanh trông thấy. Cây sẽ không bị bội thực, cũng không bị thiếu dinh dưỡng. Tiêu con mà bà con ta phải chữa rụng đọt, thối đọt, thối rễ tơ, vàng lá,… Thì thử hỏi tiêukinh doanh làm sao chịu nổi. Tiêu con chữa bệnh tốn kém thế, trồng tiêu thậm chí là lỗ chứ đừng nghĩ tới chuyện làm giàu từ cây tiêu.
Trồng tiêu tức là ta đang làm kinh tế. Ai ai cũng muốn làm giàu. Nhưng không phải ai cũng làm được. Đơn giản hóa những vấn đề phức tạp nhiều chừng nào thì ta càng thành công chừng ấy. Tưởng như là rất khó. Nhưng nó lại nằm trong vấn đề cơ bản nhất. Đó chính là phân chuồng hoai mục ủ nấm đối kháng. Nếu ủ phân đạt, có kết hợp nấm đối kháng, dùng đúng cách, đúng thời điểm, xin thưa với bà con là bộ rễ khỏe mạnh thì hầu như cây sẽ không bệnh gì. Hiện nay trên thị trường xuất hiện khá nhiều chủng loại tiêu ghép, cũng chỉ là đang tìm cách tăng khả năng chống chịu của bộ rễ đấy thôi. Cây nào mà yếu ta cho nó làm bạn với lửa từ ban đầu, trồng mới đối với tôi chỉ là chuyện nhỏ.
Bà con đã đọc nhiều bài viết của tôi có thể trồng tiêu quanh năm. Tiêu chiết, tiêu trồng qua mùa khô cho ra ác, tiêu hỗ sinh, tiêu ghép, ghép xong chiết… Đi theo hướng hữu cơ vi sinh bà con cần phải kết hợp với chọn lọc nhân tạo. Chọn lọc nhân tạo sẽ là rất hữu ích đấy. (hết phần 1)
chuse24h