23.3 C
Chư Sê
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Chặt bỏ cao su, chạy theo ‘giấc mơ tỷ phú’… vẫn chỉ là giấc mơ!

Must read

Chặt bỏ cao su, nông dân Tây Nguyên đã thay thế bằng nhiều loại cây trồng khác. Tuy nhiên, hồ tiêu vẫn là sự lựa chọn số một bởi lợi nhuận…
Người dân Tây Nguyên chặt bỏ cao su, ồ ạt chuyển sang trồng tiêu dẫn tới dịch bệnh có nguy cơ bùng phát
Người dân Tây Nguyên chặt bỏ cao su, ồ ạt chuyển sang trồng tiêu dẫn tới dịch bệnh có nguy cơ bùng phát

Chặt bỏ cao su, nông dân Tây Nguyên đã thay thế bằng nhiều loại cây trồng khác. Tuy nhiên, hồ tiêu vẫn là sự lựa chọn số một bởi lợi nhuận từ hồ tiêu trong những năm gần đây quá cao. Theo đó, không ít “giấc mơ tỷ phú” vẫn chỉ là… giấc mơ!

Những năm gần đây, tiêu hạt là mặt hàng có giá cao, được thị trường trong nước và quốc tế tiêu thụ khá mạnh. Có thời điểm giá tiêu trên thị trường trong nước đạt ở mức kỷ lục trên dưới 200.000 đ/kg loại 1, theo đó nhiều nông dân thu nhập tiền tỷ. Chính vì vậy, cây tiêu trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đang có sức hút mạnh đối với nông dân.

Tại Đăk Lăk, nhiều hộ đã phá bỏ các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng tiêu. Ông Huỳnh Quốc Thích, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh này cho biết, sở dĩ nông dân đổ xô trồng tiêu do lợi nhuận cao. Tính đến nay tổng diện tích tiêu toàn tỉnh lên đến hơn 21.400ha, trong khi đó theo quy hoạch đến năm 2020 toàn tỉnh chỉ có khoảng 15.000ha hồ tiêu, sản lượng khoảng 30.000 tấn.

Ông Thích cho rằng, nếu giá tiêu trong thời gian tới tiếp tục ở mức cao như thời gian qua, nông dân sẽ còn mở rộng diện tích. Thực tế nhìn nhận giá tiêu hạt liên tục tăng cao đã giúp đời sống người dân được cải thiện đáng kể, ngày càng có nhiều hộ làm giàu từ cây tiêu. Song cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết khi diện tích tiêu tăng nhanh nhưng không bền vững.

“Khi diện tích hồ tiêu phát triển một cách tự phát, không theo quy hoạch, không chú trọng cải tạo đất, xử lý mầm bệnh; trồng tiêu trên những vùng đất không phù hợp, không được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng giống tiêu không rõ nguồn gốc… sẽ khiến tình hình sâu, bệnh hại trên cây hồ tiêu ngày càng phát triển mạnh, khó kiểm soát, nhất là bệnh chết nhanh chết chậm trên hồ tiêu”, ông Thích lo ngại.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Đăk Lăk thì qua điều tra năm 2014, diện tích tiêu bị nhiễm bệnh vàng lá chết nhanh chết chậm lên tới hơn 1.400ha, tỷ lệ hại từ 5 – 10%. Ngoài ra diện tích tiêu bị nhiễm rệp sáp hại rễ là hơn 500ha và nhiều đối tượng sâu, bệnh gây hại khác…

So với cùng kỳ năm 2014, diện tích tiêu bị nhiễm bệnh ở 5 tháng đầu năm 2015 cũng tăng đáng kể và tính đến tháng 6/2016, toàn tỉnh đã có gần 30ha tiêu bị nhiễm vàng lá chết nhanh chết chậm.

Gia Lai là tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn, chất lượng hồ tiêu ở đây dẫn đầu cả nước nên được biết đến như là “vương quốc hồ tiêu” của cả nước. Những vựa hồ tiêu nổi tiếng, vang danh không những trong nước mà còn bay xa đến trên 80 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như hồ tiêu Chư Sê, hồ tiêu Chư Pưh…

Liên tục trong nhiều năm, hồ tiêu Gia Lai đã mang đến cho không ít chủ vườn nơi đây tiền tỷ, không ít tỷ phú phát đạt nhờ vườn hồ tiêu… Theo đó, diện tích hồ tiêu ở Gia Lai không ngừng gia tăng. Kế hoạch đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, Gia Lai chỉ dừng lại ở 6.000ha hồ tiêu, còn hiện tại – theo báo cáo mới nhất (ngày 16/5/2016) của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh – diện tích hồ tiêu toàn tỉnh đã lên đến trên 15.000ha.

Do quá ham lợi nhuận, nông dân mở rộng diện tích hồ tiêu một cách tự phát, bỏ qua những khuyến cáo của ngành chuyên môn, của chính quyền địa phương nên dịch bệnh đã bùng phát mạnh trên những vườn hồ tiêu ở đây. Tính đến thời điểm hiện tại, với khoảng 15.000ha hồ tiêu của tỉnh Gia Lai đã có đến trên 9.100ha bị nhiễm sâu bệnh hại.

Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ 4.588ha, diện tích nhiễm trung bình 2.568ha, diện tích nhiễm nặng 1.952ha. Các dịch hại chính được thống kê như bệnh vàng lá thối rễ tơ 3.129ha, bệnh thối gốc thối thân (chết nhanh) 649ha, bệnh tuyến trùng rễ 2.960ha, bệnh rệp sáp gốc 1.300ha, bệnh thán thư lá 310ha, bệnh đốm đen mặt dưới lá 760ha… Những loại bệnh này tập trung chủ yếu ở những địa phương như Chư Prông, Đức Cơ, Chư Sê, Chư Pưh, Ia Grai…

Đưa chúng tôi ra vườn hồ tiêu 5.000 trụ đã cho thu hoạch được 3 năm, chị Nguyễn Thị Tính ở xã Ia H’lốp (Chư Sê, Gia Lai) buồn bã cho biết: Hiện đã có 4.000 trụ tiêu (trên vườn tiêu 5.00 trụ) bị chết do dịch bệnh.

Chat bo cao su, chay theo 'giac mo ty phu'... van chi la giac mo! - Anh 2

Một vườn hồ tiêu

“Nông dân chúng tôi trồng tiêu để cải thiện kinh tế gia đình. Mấy năm gần đây, tiêu được giá nên chúng tôi mở rộng diện tích vườn tiêu với giấc mơ không bao lâu sẽ trở thành tỷ phú. Vậy mà nay, không ít chủ vườn tiêu lo tán gia bại sản, thậm chí có người đã tính đến suy nghĩ tiêu cực khi vườn tiêu chưa vào vụ thu hoạch mà đã bị chết vì thời tiết, vì dịch bệnh”, chị Tính chia sẻ.

Cũng theo báo cáo mới nhất của Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh Gia Lai: Thời gian tới, tuyến trùng rễ sẽ tiếp tục gây hại. Bệnh vàng lá thối rễ tơ (héo chết chậm), bệnh thối gốc thối thân (héo chết nhanh) sẽ hại mạnh vào thời kỳ giữa và cuối vụ, nhất là sau những trận mưa kéo dài và những nơi đã có nguồn bệnh. Rệp sáp gốc, thân cành gây hại mạnh cuối mùa mưa và đầu mùa khô. Bọ xít lưới sẽ xuất hiện gây hại từ đầu vụ cục bộ ở một số địa phương như Mang Yang, Chư Sê, Pleiku… Bệnh thán thư, đốm đen mặt dưới lá gây hại trong suốt vụ…

Những hậu quả xấu trên – cũng theo Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh Gia Lai, nguyên nhân chính do nông dân ham chạy theo lợi nhuận, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng mà mở rộng diện tích hồ tiêu tự phát. Trong khi quá trình xuống giống không chú ý đến việc lựa chọn chất đất, lựa chọn giống, không thực sự am hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồ tiêu – loại cây vốn dĩ được xem là cây “khó tính” này.

Và theo đó, những “giấc mơ tỷ phú” đang dần trở thành những món nợ khó trả trên những vườn hồ tiêu ở Tây Nguyên, trên những đôi vai vốn dĩ đã quá gầy guộc của nông dân nơi đây.

Rate this post
- Advertisement -

More articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisement -

Latest article