Đăk Lăk: Nhân rộng mô hình trẻ hoá các vườn cà phê – Hiện nay, ở huyện Cư M’Gar, vùng trọng điểm cà phê của tỉnh Đăk Lăk đã có nhiều hộ mạnh dạn cưa đốn hàng nghìn ha cà phê vối hết chu kỳ kinh doanh, chọn chồi tái sinh để ghép chẻ nối ngọn bằng các dòng cà phê vô tính chọn lọc mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Gia đình anh Ama Nghé, ở xã Ea Tur là một điển hình với 1 ha cà phê sau khi cưa đốn chọn chồi tái sinh và ghép chẻ nối ngọn đã cho thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng. Anh Ama Nghé cho biết, trước đây, vườn cà phê của gia đình mặc dù đầu tư thích đáng từ khâu tưới nước, bón phân cân đối, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, nhưng do hết chu kỳ kinh doanh (trên 20 năm) nên năng suất vườn cà phê vẫn ngày càng giảm, từ 2 tấn xuống chỉ còn 1,5 tấn, thậm chí có năm chỉ còn 1 tấn cà phê nhân/ha. Sau khi được hướng dẫn, tập huấn quy trình kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông huyện, Viện Khoa học Kỹ thuật nông – lâm nghiệp Tây Nguyên, anh đã cưa trắng vườn cây, sau đó chọn những chồi to, khoẻ tiến hành ghép chẻ nối ngọn với các dòng cà phê vối vô tính chọn lọc như TR4, TR5 của Viện Khoa học Kỹ thuật nông – lâm nghiệp Tây Nguyên.
Anh cũng cho biết thêm, để có vườn cây ghép đạt tỷ lệ cây sống cao (đạt từ 98% trở lên), gia đình sử dụng gốc ghép khá nhỏ tuổi và chồi ghép chỉ mang một cặp lá, áp dụng đồng bộ các quy trình thâm canh, chăm sóc, nên chỉ sau hai năm vườn cây đã đưa vào kinh doanh cho thu hoạch, với năng suất năm đầu đạt 3 tấn cà phê nhân/ha và từ năm thứ tư trở đi, năng suất ổn định từ 4 tấn cà phê nhân/ha trở lên. Cũng theo anh Ama Nghé, làm trẻ lại vườn cà phê bằng phương pháp cưa đốn phục hồi, chọn chồi tái sinh ghép chẻ nối ngọn dễ làm, không những rút ngắn được thời gian kiến thiết cơ bản, từ 1 – 2 năm mà chi phí đầu tư cũng ít hơn nhiều lần so với trồng mới.
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông – lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có trên 100.000 ha cà phê hết chu kỳ kinh doanh có hiệu quả, già cỗi phải cưa đốn phục hồi hoặc trồng lại, trong đó tỉnh Đắk Lắk chiếm diện tích nhiều nhất, với trên 50.000 ha. Việc cưa đốn vườn cây hết chu kỳ kinh doanh để chọn chồi tái sinh ghép chẻ nối ngọn là phương pháp tối ưu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho việc tái canh cà phê, các địa phương cần nhân rộng. Hiện nay, ngoài việc hướng dẫn các vùng trọng điểm cà phê của các tỉnh Đăk Lăk, Lâm Đồng xây dựng các vườn nhân chồi, Viện Khoa học Kỹ thuật nông – lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đã đầu tư xây dựng 5 ha vườn nhân chồi các dòng vô tính cà phê vối chọn lọc để cung cấp chồi ghép cho các địa phương cải tạo, trẻ hoá các vườn cà phê.