Theo tiến sĩ Phạm Hữu Cường, đề thi Ngữ văn năm 2015 có thể tăng cường các câu hỏi tổng hợp, đề mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước để học sinh bày tỏ chính kiến của mình.
Nói về xu hướng đề thi năm 2015, tiến sĩ Phạm Hữu Cường (giảng viên Ngữ văn lâu năm) khẳng định: “Đề thi có thể theo thang điểm 10, giữ nguyên cấu trúc 3 phần: Đọc – hiểu, Nghị luận xã hội, Nghị luận văn học với mức điểm từng câu lần lượt 2, 3, 5 điểm”.
Tiến sĩ Phạm Hữu Cường dự đoán:
1. Phần đọc – hiểu (3 điểm):
Mức độ câu hỏi dừng lại ở: Hiểu – Vận dụng.
Thông thường, phần ngữ liệu đưa ra có thể ở những dạng câu hỏi sau:
Nếu là văn bản văn học, các câu hỏi thường gặp: Nêu chủ đề/nội dung chính/đặt tiêu đề; Giải thích một số từ/hình ảnh có trong đoạn ngữ liệu; Nêu/phân tích một hoặc một vài đặc sắc về nghệ thuật (phép tu từ, liên kết…).
Nếu là văn bản thuộc các lĩnh vực khác, các câu hỏi thường gặp: Nêu chủ đề/nội dung/đặt tiêu đề; Chỉ ra phong cách nghệ thuật của đoạn ngữ liệu/đặc điểm của phong cách nghệ thuật đó; Giải thích một số khái niệm trong đoạn ngữ liệu.
2. Phần Nghị luận xã hội (3 điểm): Có thể tiếp tục là những vấn đề mang tính thời sự trong nước, liên quan lối sống của giới trẻ, những vấn đề về đạo đức… Câu hỏi sẽ ở mức vận dụng cao.
Dạng đề có thể ra: Một/hai ý kiến/nhận định trích từ văn bản nào đó; Một/hai ý kiến/nhận định của một/hai nhân vật nào đó; Cho một đoạn văn bản (bài báo/văn bản khoa học…) từ đó trình bày suy nghĩ về vấn đề được đề cập trong đoạn văn bản đó.
3. Phần Nghị luận văn học (4 điểm): Dự đoán không chỉ dừng lại ở phân tích, cảm nhận đơn thuần những ngữ liệu trong SGK, mà đòi hỏi học sinh có sự so sánh, liên hệ nhất định. Tuỳ mức độ cảm nhận và thể hiện của từng học sinh, bài viết sẽ được đánh giá ở mức điểm nào.
Đề thi những năm gần đây thường ra kiểu so sánh văn học (đưa hai ý kiến, hai đoạn văn, hai đoạn thơ…). Có khả năng năm nay, đề thi vẫn ra theo hướng đó. Ngoài ra, học sinh cần chú ý thêm kiểu bài nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong một tác phẩm văn học.
Tiến sĩ Cường nhận định, năm 2015, kết quả kỳ thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp và dự tuyển vào đại học, do đó đề thi môn Ngữ văn nói riêng và các môn khác nói chung, sẽ có tính phân loại cao, dành cho 2 nhóm đối tượng: Để xét tốt nghiệp và dùng kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng.
Có thể điểm phân loại sẽ thể hiện ở một số ý sau:
– Ý hỏi cuối cùng của câu đọc – hiểu sẽ yêu cầu khả năng đánh giá, tổng hợp, liên hệ vấn đề của học sinh.
– Câu Nghị luận văn học sẽ đòi hỏi đối tượng học sinh muốn dành điểm khá, giỏi phải có thêm phần lý luận văn học.
– Từ năm 2010 – 2013: Câu 1 (2 điểm): Tái hiện kiến thức về giai đoạn văn học, tác giả, tác phẩm Văn học Việt Nam.
Câu 2 (3 điểm): Vận dụng kiến thức xã hội và đời sống để viết bài nghị luận xã hội ngắn (không quá 600 từ). Nghị luận về một tư tưởng đạo lý, hiện tượng đời sống.
Câu 3 (5 điểm): Từ năm 2010 – 2013, học sinh có thể lựa chọn một trong hai câu hỏi sau: Ý a: Theo chương trình chuẩn (5 điểm), ý b: Theo chương trình nâng cao (5 điểm).
Năm 2014: Câu 1 (2 điểm): Đọc – hiểu văn bản. Câu 2 (3 điểm): Nghị luận xã hội (đề 2010 đến 2013). Câu 3 (5 điểm): Nghị luận văn học: Chỉ có một câu hỏi dành cho tất cả đối tượng (bỏ tự chọn).
Như vậy, về cấu trúc đề thi đại học môn Ngữ văn từ 2010 – 2014, giáo viên lưu ý học sinh một số điểm:
– Đề thi đại học từ năm 2010 – 2014 tập trung chủ yếu kiến thức Ngữ văn 12, phần Ngữ văn 11 chiếm số điểm không nhiều và thường rơi vào phần tư chọn trong chương trình nâng cao.
– Từ năm 2014, đề thi đại học môn Ngữ văn có sự thay đổi lớn về cấu trúc và nội dung. Đề thi không còn phần tự chọn.
Câu 1 (2 điểm) chuyển từ câu hỏi tái hiện kiến thức văn học trong chương trình học thành câu đọc – hiểu một đoạn ngữ liệu không có trong chương trình học chính khoá. Cả hai ngữ liệu trong đề thi đại học 2014 đều được lấy từ phần đọc thêm trong SGK Ngữ văn 12.
– Đề thi đại học luôn có một câu Nghị luận xã hội (3 điểm). Để giải quyết tốt các bài văn Nghị luận xã hội, ngoài kiến thức được học trong trường, học sinh còn phải tăng cường kiến thức trên sách báo, truyền thông, đặc biệt những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày.
Nghị luận xã hội là câu hỏi khá tự do, không có bài học sẵn trong sách, đòi hỏi tính chủ động rất cao ở học sinh, vì thế khi làm dạng bài này, học sinh phải rất linh hoạt và chủ động, thể hiện được những chính kiến của mình trước một vấn đề để bài đặt ra (chẳng hạn niềm tin, sự trung thực, vẻ đẹp tâm hồn, thái độ sống…) và phải có sự sáng tạo.
Phân tích cấu trúc đề thi đại học môn Ngữ văn từ 2010 – 2014: