Thứ Sáu, Tháng Chín 6, 2024
22.5 C
Chư Sê

Đến lượt giải cứu chanh dây Chư Sê?

“Hết giải cứu dưa hấu, đang giải cứu heo, sắp sửa đến lượt giải cứu chanh dây nè”, nhiều nông dân ở Chư Sê, Gia Lai, nói. Từ một vùng đất được mệnh danh là “xứ sở càphê”, “vương quốc tiêu”, nay Chư Sê khủng hoảng chanh dây.

Diện tích chanh dây của Chư Sê chưa bằng nhiều huyện khác, như Mang Yang, Dăk Đoa… nhưng với khí hậu, độ phì nhiêu của đất mà cây chanh dây “cứ cắm xuống là lên”. Vài năm trước, hồ hởi trồng bao nhiêu thì nay, cây chanh dây đang đứng trước nguy cơ cần được giải cứu!

Đến lượt ‘#giaicuuchanhday’? Chanh dây được trồng xen với cà phê ở Chư Sê. Hiện giá chanh dây đang lao dốc, khổ nỗi đầu ra lại không có. Vẫn là bệnh “thấy người ta ăn khoai…”.
Đến lượt ‘#giaicuuchanhday’? Chanh dây được trồng xen với cà phê ở Chư Sê. Hiện giá chanh dây đang lao dốc, khổ nỗi đầu ra lại không có. Vẫn là bệnh “thấy người ta ăn khoai…”.

Vì tiêu và cà phê xuống giá!

Cách đây năm năm, cây tiêu bắt đầu “lâm trọng bệnh”. Chết rải rác có, chết cả vườn có. Nhiều vườn tiêu xanh tốt, trái trĩu nặng nhưng chỉ vài tuần, lá bắt đầu vàng, có đốm. Có chữa cách nào cũng chết. Nhiều chủ vườn trắng tay, lâm vào cảnh nợ nần. Đã có người tự tử vì số nợ hàng chục tỉ đồng đổ vào cây tiêu! Chết vì bệnh, chết vì khô hạn, chết vì ngập úng. Nhưng đau đớn hơn cả là giá tiêu bắt đầu chập chờn hình sin. Có lúc giá tiêu lên tới 220.000đ/kg làm nông dân tưởng đâu hồi sinh.

“Tiêu chết nhiều nhưng giá cao sẽ cứu được nông dân trồng tiêu. So với chục năm trước, trồng tiêu bây giờ khó hơn nhiều, chi phí cao hơn gấp 3 – 4 lần. Nếu tiêu có giá từ 140.000đ/kg, nông dân mới có chút lãi để sống và đầu tư cho tiêu, còn giá từ 100.000đ/kg trở xuống, coi như đi làm thuê”, ông Trần Duy Thị, một bậc công thần về cây tiêu ở Chư Sê, nói. Không ngờ điều ông Thị nói từ nhiều năm trước nay đã trở thành sự thật, khi giá tiêu mấy ngày qua ở Chư Sê đang “chầm chậm xuống dốc”. Theo nhiều nông dân trồng tiêu ở Chư Sê, giá tiêu hiện đang rớt, chỉ còn 101.000đ/kg.

Khi cây tiêu được giá, hàng ngàn hecta càphê bị chặt bỏ để trồng tiêu vì cây tiêu có thu nhập cao hơn. Vả lại, vào thời điểm cách đây năm năm, giá càphê dao động ở mức 35.000 – 38.000đ/kg nhân, chỉ đủ cho nông dân ngắc ngoải vì diện tích không đủ lớn. Vài năm trở lại đây, khi giá càphê tăng lên mức 43.000 – 45.000đ/kg, nghĩa là có mức lãi cao hơn, công sức đầu tư cho càphê ít hơn cây tiêu, nhưng đã quá muộn. Nhiều hộ dân quay lại với cây càphê bằng hình thức trồng xen trong vườn tiêu sống, hoặc trồng càphê mới trên vùng đất tiêu chết nhưng diện tích không đáng kể. Theo mức tăng trưởng của cây càphê, từ khi trồng đến khi thu hoạch chính thức, phải mất 4 – 5 năm.

Chanh dây là “đũa thần”!

Từ năm 2007, chanh dây được trồng ở Dăk Nông. Lúc đó, tiêu đang ở “đỉnh cao chói lọi”, nhiều người trồng tiêu ở Gia Lai, Dăk Lăk… cho rằng: “Ba thứ đó, bán được bao nhiêu mà trồng, chỉ để uống nước là hết chuyện”. Nhưng cách đây năm năm, khi tiêu bắt đầu đổ bệnh, giá tiêu xuống thấp, diện tích và giá trị của cây càphê không thể cứu rỗi được họ, nhiều người ồ ạt chuyển sang trồng chanh dây. Nhưng để thành phong trào “nhà nhà trồng chanh dây” bắt đầu từ mùa mưa năm 2015 và đang nóng cho tới mùa mưa năm nay!

Đầu tư vào chanh dây chỉ bằng 1/3 – 1/4 so với đầu tư vào cây tiêu. Đối với nông dân đang có sẵn vườn tiêu, mức đầu tư cho chanh dây chỉ là tiền giống và phân bón. Còn những vật tư khác, như: trụ, dây thép… có sẵn từ vườn tiêu. Hội đủ điều kiện, nhiều nông dân trồng tiêu chỉ cần bỏ 25 – 35 triệu đồng là có cả ha chanh dây như ông Tuấn, thôn 2, xã Ia Blang, Chư Sê.

Theo lời ông Tuấn, một hecta chanh dây, với điều kiện chăm sóc như cây tiêu, có thể đem lại sản lượng 80 – 100 tấn/năm. Vào dịp cuối năm 2016, giá chanh dây lên tới 50.000đ/kg đã kích thích nhiều hộ dân phá vườn tiêu để trồng chanh dây, như ông Trần Văn Đông vừa xuống giống 3 sào chanh dây, ông Bùi Văn Cảnh 5 sào… với giá chanh dây giống lên tới 45.000 – 50.000đ/bầu. Nhiều hộ của xã IaKo, Ia H’Lốp, H’Bông… của Chư Sê, đã đầu tư hàng tỉ đồng cho chanh dây với hy vọng sau sáu tháng (kể từ ngày trồng) sẽ có những trái chanh dây. Nhiều hộ cho biết, nếu giá như hồi cuối năm 2016, 1ha chanh dây có thể đem lại 1 tỉ đồng, cao gấp nhiều lần so với tiêu hay càphê.

Uống Chanh Dây thay cơm!

Ghi nhận giá chanh dây vào thời điểm hiện nay là 12.000 – 15.000đ/kg dành cho loại trái to, da bóng, còn loại nhỏ có giá từ 5.000 – 6.000đ/kg. Khi mua giống, nhiều hộ dân được hứa hẹn là có công ty “to lắm” thu mua! Nhưng trên thực tế, chỉ là những bà thu mua mỗi lần vài tạ để bán cho đầu nậu xuất qua Trung Quốc (!?). Mức giá chanh dây đang được neo vài tuần nay, chưa ai dám chắc có dừng ở mức đó hay giảm. Trên thực tế, với năng suất và giá cả trên 10.000đ/kg, người trồng chanh dây có mức lãi cao hơn cây tiêu, nhưng với đầu ra bấp bênh như hiện nay, “kiểu này có khi người trồng chanh dây uống chanh dây thay cơm”, ông Tuấn cười buồn.

Cả xã Ia Blang giờ đã có trên 10ha chanh dây. Còn huyện Chư Sê cũng có trên 100ha chanh dây. Bình luận về hiện tượng này, một viên chức cấp huyện (đề nghị không nêu tên) nói: “Chưa bao giờ huyện có thông tin về việc doanh nghiệp thu mua chanh dây. Khổ nỗi, bà con tự trồng, làm sao kiểm soát được. Nói thì họ không nghe. Huyện đang xúc tiến tìm nhà thu mua sản phẩm chanh dây cho bà con. Để kiểu này, đúng là uống chanh dây thay cơm. Tiêu hay càphê có giảm giá, còn để dành khi nào được giá sẽ bán, chanh dây đâu có trữ được”.

Nhiều người dân nói với Thế Giới Tiếp Thị rằng, sắp tới Hoàng Anh Gia Lai sẽ đầu tư nhà máy chế biến trái cây ở Ia Băng (Chư Prông, Gia Lai). Lúc đó, chanh dây sẽ có đầu ra ổn định! Nhưng sắp tới là bao giờ khi Hoàng Anh Gia Lai đang trong cảnh túng thiếu, nợ nần…

Với câu chuyện chanh dây của vùng đất Tây Nguyên, e rằng, chắc không xa sẽ có chiến dịch #giaicuuchanhday!

Theo báo Gia Lai, UBND tỉnh Gia Lai đã đồng ý cho công ty cổ phần Nafoods Group (có trụ sở tại Nghệ An) đầu tư vùng nguyên liệu chanh dây với diện tích khoảng 3.000ha (đến năm 2025). Trong đó, diện tích của nông dân là 1.300ha, tại các huyện: K’Bang (400ha), Mang Yang (500ha), Chư Prông (300ha), Dăk Pơ (70ha) và Ia Grai (30ha). 1.700ha còn lại Nafoods liên kết với các doanh nghiệp trồng cao su của tập đoàn Cao su Việt Nam trên địa bàn tỉnh.

Về phía Nafoods Group, UBND tỉnh yêu cầu doanh nghiệp đầu tư, thu mua, bao tiêu chanh dây theo giá thị trường trong năm 2016 và năm 2018 xây dựng nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu.

Theo Mỹ Thạch (Thế Giới Tiếp Thị)

Đọc nhiều

Phiên bản quân sự của xe điện Cybertruck, chống được đạn súng máy

Unplugged Performance, công ty chuyên nâng cấp xe Tesla, vừa...

Tin đồn mới về thông số camera của iPhone 16 Series: có thêm định dạng JPEG-XL

Tin đồn về iPhone 16 Series càng ngày càng nhiều và...

AMD Ryzen 9000X3D sẽ “hạ cánh” tại triển lãm CES 2025?

Những lựa chọn vi xử lý Ryzen 9000 Series trang bị công...

Cách tắt tính năng gây khó chịu trên iPhone: Contact Sharing

Nếu anh em đã cập nhật iPhone của mình lên iOS 17 thì...

Related Articles

Popular Categories

spot_imgspot_img
MessengerEmail