Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.
Ngày 18/3, Dự án “Nâng cao tính bền vững, năng suất và giá trị kinh tế của hệ thống canh tác và chuỗi giá trị của cà phê và hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên” (Dự án V-SCOPE) tổ chức họp đánh giá giữa kỳ cũng như tổ chức chuyến thăm thực địa cho các bên liên quan.
Cuộc họp giữa kỳ lần này cũng nghe báo cáo từ các hợp phần của dự án. Trong đó, các hợp phần đã công bố kết quả nghiên cứu về phương pháp kiểm soát sâu bệnh trong trang trại và vườn ươm cũng như cải thiện sức khỏe đất trồng cà phê và hồ tiêu.
Qua nghiên cứu, kết quả điều tra sinh vật gây hại trong đất năm 2022 và 2023 cho thấy, tỷ lệ triệu chứng bệnh chết nhanh hồ tiêu từ 1 – 5% ở cả 3 tỉnh Tây Nguyên. Khoảng 69% mẫu đất thu thập từ các vùng điều tra có sự hiện diện của nấm Phytophthora, đa phần ở mật độ rất thấp.
Tại hợp phần này cũng ghi nhận 3 loài gây bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu ở Tây Nguyên. Trong thử nghiệm các biện pháp phục hồi đất trong các vườn cà phê và hồ tiêu cho thấy một số vườn tại Gia Lai có độ pH tăng, song cần theo dõi lâu hơn.
Bên cạnh đó, Dự án V-SCOPE cũng đã đạt được một số kết quả cụ thể trong hợp phần về đồng thiết kế các thực hành nông nghiệp tốt trong hệ thống cây trồng cà phê và hồ tiêu. Qua nghiên cứu ban đầu cho thấy, việc tưới tiêu theo các hướng dẫn hiện hành (400 lít/cây/lần) là quá mức. Tuy nhiên, dự án sẽ tiếp tục theo dõi số liệu để đưa ra kết luận cuối cùng hướng tới việc mở ra triển vọng có ý nghĩa cho việc tiết kiệm nước, đặc biệt trong các hệ thống nông lâm kết hợp.
Dự án V-SCOPE hướng tới nâng cao sinh kế cho các nông hộ nhỏ và cộng đồng nông thôn. Các chuyên gia của dự án hỗ trợ công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên và giúp sản xuất bền vững hơn, cũng như thúc đẩy chuỗi thị trường thực phẩm nông nghiệp toàn diện hơn thông qua hợp tác với khu vực tư nhân và nông dân.
Dự án do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) tài trợ và được Tổ chức Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế (ICRAF – còn gọi là World Agroforestry) chủ trì thực hiện. Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Phát triển Quốc tế Pháp (CIRAD) là bên cung cấp nhân sự cho dự án.