35.2 C
Chư Sê
Chủ Nhật, Tháng Tư 14, 2024

Gà rừng gáy ở vườn nhà

Must read

Gà rừng gáy ở vườn nhà

Trời tang tảng sáng, sương lạnh còn lảng vảng trên ngọn mấy cây trẩu quanh vườn, chợt tiếng con gà rừng gáy vọng lên “ò ó o…”. Tiếng gáy chú gà trống chưa tắt thì mé góc vườn sau, tiếng mấy con trống khác cũng cất lên “te te té tè…”.

Bà Nguyễn Thị Liên (xã Quảng Hợp, Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) ngồi dậy, quờ chân tìm đôi dép rồi như nói một mình: “Ui cha, trời lạnh hay sao mà đám gà này sớm gáy ghê rứa. Lại đòi ăn chớ gì”. Thấy dáng bà đi ra sân, đám gà rừng đậu trên cành mấy cây trẩu đập cánh bay vù xuống, đám từ cây ngoài vườn nghe tiếng động quen cũng lượn từ cành cây thấp xuống đất rồi phóng bắn vào…

Cặp gà trống mái đẹp như tranh trong đàn gà rừng của gia đình bà Liên. Ảnh: Tâm Đức.

Cặp gà trống mái đẹp như tranh trong đàn gà rừng của gia đình bà Liên. Ảnh: Tâm Đức.

Bán bò mua gà rừng

Nét đặc trưng của xã Quảng Hợp là vùng bán sơn địa. Trước đây, bà con cứ chọn con đường dưới chân đồi để làm nhà và phát cây phía sau lưng nhà để trồng sắn, trồng ngô. Ông Phạm Văn Lựu (chồng bà Liên) nhớ lại: Hồi mới làm căn nhà nhỏ dưới chân đồi, cây rừng còn mọc tận sau hè nhà. Cứ sáng sớm lại nghe tiếng gà rừng gáy thi với mấy con trống choai giống gà kiến. Có bữa, bà Liên mách, có mấy con gà trống rừng về ăn ngô lẫn trong mấy con gà mái ghẹ của nhà nuôi.

Bà con hay nói “đẻ như gà”, nhưng đẻ đến mấy cũng không kịp cho ma trận bẫy gà rừng mà bà con bày ra.  Sau vài năm thì tiếng gà rừng thưa dần và vắng hẳn. Ông Lựu bảo vợ: “Rứa là có hơn chục năm rồi không thấy có con gà rừng nào xung quanh đây nữa rồi. Không biết ở trong rừng xanh kia còn không. Hay ta mua gà rừng về nuôi rồi gây đàn ra?”.

Nghe chồng nói, tưởng bà Liên chê, không dè bà nói vun vào: “Tui cũng tính vậy đó. Nhà mình còn có vườn cây, vườn đồi rộng, thử mua gà giống về thuần để nuôi có khi lại hay”.

Gà rừng trống, mái ở ngoài góc vườn. Ảnh: Tâm Đức.

Gà rừng trống, mái ở ngoài góc vườn. Ảnh: Tâm Đức.

Khi cho gà ăn, bà Liên nhắc chúng tôi đứng ở phía trong sân, đừng đến gần đàn gà. “Thấy có người lạ là chúng cứ đứng trên cây hay trong lùm rậm chứ không ra ăn đâu”, bà Liên nói.

Vậy rồi ông bà lại bắn tin ai có gà rừng thì xin mua. “Kể ra cũng chẳng mấy người tin, nhưng tôi đã đi ra tận Yên Bái, lên Tây Nguyên, vô Tây Ninh… để vừa du lịch, vừa xem người ta có bán gà rừng để mua đưa về lấy giống”, ông Lựu kể.

Nghe tin ở đâu có gà rừng là ông bà lại đến mua bằng được. Gà trống, gà mái đều mua tất rồi mang về nhốt chuồng dưới tán cây trong vườn. Có bận, bà Liên đi thăm con ở Tây Ninh, hay tin có con gà rừng đẹp và hiếm, bà vội đến xem, con gà trống có bộ lông mượt óng ả, màu vàng yến rực lên dưới nắng. “Con gà trống này rất hiếm. Tôi nhớ không nhầm thì cũng chỉ có vài con như vậy mà thôi”, chủ nhân chú gà trống rừng bảo.

Đang ở nhà, ông Lựu nghe điện thoại báo tin nhắn. Vợ ông nhắn gọn: “Có con gà trống đẹp nhưng giá đến 20 triệu. Mua được không”. Tin nhắn gửi đi chưa đầy phút thì máy bà Liên nhận được tin trả lới: “Tùy bà thôi. Nếu thiếu tiền, tui bán thêm con bò gửi vô ngay luôn cho”.

Bà Liên cho đàn gà rừng ăn thóc và ngô hạt. Ảnh: Tâm Đức.

Bà Liên cho đàn gà rừng ăn thóc và ngô hạt. Ảnh: Tâm Đức.

Vài ngày sau, bà Liên về nhà. Đứa con trai phải nghỉ việc mấy hôm để phụ mẹ “tháp tùng” con gà trống rừng về nhà cho an toàn. Sau khi về với “quê mới”, con gà trống vàng mơ ấy như là trưởng đàn của bầy gà rừng nhà bà Liên. Nó đi đứng oai vệ giữa đàn gà mái chân chì và cũng coi thường mấy con gà trống tía có bộ lông đủ màu sắc với mấy cái lông đuôi dài như cờ phướn.

Vì vậy, mấy lần đám gà trống tía gạ “đánh nhau”, nhưng gà trống vàng mơ đã khéo léo từ chối và bay vọt lên ngọn cây trẩu cao nhất. Nó đứng ở đó nhìn xuống mặc cho đám gà mái cứ táo tác tìm kiếm. Bà Liên bảo: “Bữa hôm, có người đến xem và trả giá 27 triệu đồng, nói mua để mang về làm giống. Nhưng mà tui đâu có bán, tui cũng để làm giống đó thôi”.

“Công nghệ” thuần hóa gà rừng

Bà Liên bưng chậu thóc lẫn ngô hạt đi ra khoảng sân trước nhà. Bà vừa kêu cục cục vừa vãi thức ăn ra khoảng trống trước mặt. Một, hai, ba… rồi hàng chục con gà đủ màu sắc từ trong những gốc cây trước nhà, sau đồi chạy, bay vù vù về. Phút chốc, trên khoảng sân rộng như bừng lên bởi nhiều sắc màu của đám gà trống. Đám gà trống cứ cúi đầu mổ thóc, hạt ngô ăn thật lực. Những cái lông đuôi dài, đủ màu sắc vờn lên xuống trong gió nhẹ. Bầy gà mái thì màu lông như thuần hơn, chỉ là xám, nâu nhạt hay đốm đen chứ không lòe loẹt như đám trống choai.

Bà Liên kể những ngày đầu thật vất vả và cả như đi vất (vứt)… tiền. Những con gà rừng được mua về phải nhốt lưới quây kín không thì chúng bay mất. Thức ăn cũng là lúa, ngô… Nhưng vài ngày, bà lại ủ gạo với muối cho gà ăn. “Tập cho chúng ăn có muối để quen dần và kiểu như nghiện ấy. Khi chúng có đi xa thì nhớ vị muối mà quay về”, bà Liên bộc bạch.

Từ những lứa gà ban đầu, sau hơn một năm chăm sóc, gia đình bà Liên đã có tổng đàn trên 100 con. Ảnh: Tâm Đức.

Từ những lứa gà ban đầu, sau hơn một năm chăm sóc, gia đình bà Liên đã có tổng đàn trên 100 con. Ảnh: Tâm Đức.

Mỗi lần cho gà ăn, ông bà làm thật nhẹ nhàng cho chúng khỏi hoảng sợ và có thời gian thật lâu bên chuồng. Ban đầu chúng bay loạn xạ, sau cứ quen dần, quen dần. Đến khi ông bà cho gà ăn thì chúng đã quen hơi, không bay loạn nữa mà cứ hoáng cổ chờ được ăn. Khi thấy gà quen người, bà Liên mới nói với chồng thả gà ra khỏi chuồng. Thấy hàng chục con gà cứ bay lên cây vun vút như chim thì bà Liên lo thắt ruột: “Ngộ nhỡ chúng không bay về thì làm sao đây ông”. Ông Lựu cũng rối như vợ nhưng vẫn nói cứng: “Lo gì, nó quen người rồi, không bay xa đâu”.

Dù quanh vườn được bao quanh bằng lưới, nhưng cũng có bận, hơn chục con gà đập cánh bay vút qua nhà hàng xóm và bay mất không về hoặc bị người ta bắt. Ông bà cứ tiếc ngẩn người.

Khi những con gà mái đầu tiên nhảy ổ, bà Liên mừng lắm, đem mấy cái sọt nhựa quây rơm để gác vào trong chuồng. Những quả trứng gà rừng đầu tiên trắng ngà nằm trong ổ rơm làm ông bà cứ ngây người đứng ngắm. Bà Liên bảo: “Nó vẫn mang tập tính gà, chim hoang dã. Trứng trong ổ là cứ phải để nguyên cho đến khi gà nhảy lên ấp. Nếu mình chỉ lấy đi một quả là gà mái bỏ ổ luôn, không vào đó đẻ nữa đâu”.

Gà rừng đã quen dần sống trong vườn nhà, tối ngủ trên cây cao và ngày xuống đất kiếm ăn. Ảnh: Tâm Đức.

Gà rừng đã quen dần sống trong vườn nhà, tối ngủ trên cây cao và ngày xuống đất kiếm ăn. Ảnh: Tâm Đức.

Cũng có một số gà mái không nhảy lên ổ mà chui vào bụi rậm, cào đáy, bới rác xây ổ đẻ. Những khi đó, ông Lựu lại cặm cụi che một cái mái nhỏ phía trên để che cho ổ trứng và gà mẹ khi ấp không bị ướt.  Khi đến thời gian trứng sắp nở thì ông quây lưới kín lại. “Gà con nở ra là nó chui, chạy đi ngay. Nó chạy mất không về lại được tổ với gà mẹ. Phải quây kín lại cho đến khi trứng nở hết và gà mẹ tục tục gọi được gà con quây quần lại thì mới mở lưới vây cho ra vườn”, ông Lựu kể.

Khi được ăn no, đàn gà hơn trăm con chạy đi khắp vườn. Những chú gà trống trổ mã dẫn theo một gà mái nhởn nhơ riêng một góc vườn. Trong vườn khoai lang đang lên xanh mơn mởn, con gà trống lông sặc sỡ oai vệ đi lại như canh chừng, gà mái cứ rượt theo mấy con châu chấu như chẳng còn sợ điều gì.

Trong đám gần năm chục con gà trống, có những con dáng đẹp, bộ lông đủ sắc màu bắt mắt đã được đánh tiếng mua từ năm, bảy đến hơn chục triệu đồng. Trên cành hai cây trẩu ở góc sân, ông Lựu treo hai cái lồng có hai con gà trống tía có bộ lông màu đỏ rực. “Hai con này người ta đặt mua hai chục triệu rồi đấy”, ông Lựu khoe.

Trứng gà rừng đẻ ở chuồng nuôi để ấp nở tạo đàn mới. Ảnh: Tâm Đức.

Trứng gà rừng đẻ ở chuồng nuôi để ấp nở tạo đàn mới. Ảnh: Tâm Đức.

Không chỉ bán gà cảnh, với gà thịt cũng đắt hơn tôm tươi. Những gà mái, gà trống không được đẹp mã thì bán cho khách hàng có nhu cầu, mỗi con bán cũng có giá từ 500 – 700 ngàn đồng. “Người hỏi mua cũng nhiều, nhưng gia đình vẫn chưa có gà để đáp ứng được vì gà trống và gà mái vẫn đang trong kế hoạch nuôi đẻ trứng cho ấp nở để nâng tổng đàn lên”, ông Lựu cho hay.

Ông Tưởng Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Trạch cho hay, ngay từ đầu, Trung tâm đã hỗ trợ quy trình kỹ thuật nuôi gà rừng cho gia đình ông Lựu. Đây là mô hình thử nghiệm đầu tiên của huyện và bước đầu có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với địa phương.

Gà rừng nuôi bán hoang dã lớn nhanh (đạt trọng lượng từ 1 – 1,5 kg/con) và rất ít bị các loại dịch bệnh. “Đây cũng là hướng đi mới cho chăn nuôi gà rừng thuần chủng tại địa phương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình trên địa bàn để bà con có kinh nghiệm phát triển gà rừng”, ông Thành cho hay.

Rate this post

More articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Latest article