Anh Lê Văn Sánh, 35 tuổi, ở ấp 8, xã Long Trị (Long Mỹ, Hậu Giang) đã biến mảnh đất trũng, phèn của nhà mình thành mô hình trồng xen canh quýt đường, gừng, thu hàng trăm triệu đồng.
Khởi nghiệp từ 1 triệu đồng
Sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh em, nghỉ học từ năm lớp 9. Sánh là con út trong gia đình có 5 anh em, hiện các anh chị có gia đình riêng chỉ còn một mình Sánh sống cùng với cha mẹ già.
Năm 1998, anh Sánh lên đường nhập ngũ đóng quân ở Sư đoàn 9, Quân đoàn 4. Sau 2 năm, anh Sánh hoàn thành nghĩa vụ quân sự được nhà nước hỗ trợ tiền để học nghề nhưng anh quyết định trở về quê nhà và quyết chí làm giàu. Mặc dù người thân, đồng đội khuyên bỏ ruộng vườn để tìm cái nghề lo bản thân, anh vẫn kiên quyết bám trụ quê hương. Anh Sánh đã dùng số tiền hỗ trợ khi xuất ngũ hơn 1 triệu đồng đầu tư vào cây giống, đắp mô trồng quýt đường trên diện tích 0,6 ha đất của nhà mình. Ban đầu chưa có kinh nghiệm sản xuất và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên anh Sánh gặp không ít khó khăn. Hơn nữa, đất trũng, hàng năm đến mùa lũ bị ngập nên năng suất, chất lượng thấp.
Năm 2000, không chỉ vườn quýt của anh mà cả vùng đều bị bệnh vàng lá gân xanh nên toàn bộ số cây trong vườn đều chết sạch. Không chịu đầu hàng thiên nhiên, anh Sáng quyết tâm tìm hướng đi mới. “Cây chết một phần do trồng quá lâu trên cùng diện tích, nên tôi chuyển sang trồng gừng vì gừng có tính năng hấp thụ, khử độc và làm tơi xốp đất. Hơn nữa gừng khi trúng giá thu nhập gần 30 triệu/ 0,1 ha, tương đương với quýt. Vừa cải tạo đất vừa tăng thêm thu nhập, có lợi đôi đường”, anh Sánh cho biết.
Xây dựng thương hiệu quýt đường Long Trị
Sau 4 năm kiên trì cải tạo đất, anh Sánh quyết định dùng số vốn hơn 100 triệu tích lũy được từ trồng gừng, đầu tư giống gây dựng lại vườn quýt. Trong thời gian này, anh Sánh học thêm các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cây có múi do địa phương tổ chức, học hỏi mô hình của các tỉnh bạn, xem tài liệu về kỹ thuật trên sách báo. Lúc đó nhiều người trong xóm lo ngại cho anh làm thế rất mạo hiểm, khuyên anh để vài năm nữa cho đất hả. “Tôi biết trồng trước rất mạo hiểm vì không biết mầm bệnh còn trong đất không, nhưng quyết làm liều, một mặt cũng tích lũy thêm kinh nghiệm. Cuối cùng cây phát triển tốt, tán lá ngày càng to cho đến nay. Trồng quýt vốn ít, rủi ro ít hơn so nuôi cá, chỉ cần chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, cây sẽ cho trái gần 15 năm”, anh Sánh nói.
Năm 2012, anh Sánh thu nhập từ quýt đường, gừng gần 300 triệu đồng. Năm 2013, anh mạnh dạn thuê thêm 0,4 ha đất để trồng thêm gừng. Cuối tháng 11 vừa qua, anh Sánh bán gần 5,5 tấn quýt với giá 23.000 đồng/kg thu được khoảng 130 triệu. Anh cho biết đang “ém hàng” hơn 4 tấn quýt đường và gừng chuẩn bị bán Tết.
Ông Huỳnh Ngọc Điệp, Chi hội trưởng nông dân ấp cho biết, anh Sánh là thanh niên có ý chí cầu tiến, không những hoàn thành nghĩa vụ đối với đất nước mà còn góp phần đưa cây quýt đường Long Trị ngày càng được nhiều người biết đến. Hiện tại quýt đường Long Trị được UBND tỉnh Hậu Giang chọn là một trong mười sản phẩm du lịch nổi tiếng, đang chờ được công nhận thương hiệu.
Ngoài ra, anh Sánh còn tích cực tham gia phong trào do địa phương phát động như tư vấn, giúp đỡ kỹ thuật cho thanh niên khác. Bí thư xã đoàn Long Trị Võ Văn Minh Triết nhận xét: Anh Sánh là thanh niên chí thú làm ăn, tận dụng tối đa diện tích sẵn có của mình để tăng thêm thu nhập, không chỉ làm giàu cho bản thân mà có tinh thần giúp đỡ mọi người.
chuse24h