Thương lái Trung Quốc đột nhiên “khát” cá tra
Giá cá tra đang thực sự “nóng” ở đồng bằng Nam Bộ. Đơn cử, những tháng gần đây, Công ty cổ phần thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp) luôn là doanh nghiệp tốp đầu xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc. Ông Hàn Văn, Phó Tổng giám đốc công ty CP thủy sản Trường Giang cho biết nhu cầu nhập khẩu cá tra của Trung Quốc bắt đầu tăng vọt từ đầu năm 2015.
Những doanh nghiệp trong nước được thương lái Trung Quốc cho biết do tình hình nuôi trồng cá rô phi nội địa bị hụt sản lượng do thời tiết lạnh nên họ đẩy mạnh nhập khẩu.
Cơn sốt giá cá tra lan khắp các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long. Hàng loạt nhà máy cá tra gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu thiếu hụt. Nhiều doanh nghiệp (DN) phải đẩy mạnh tiến độ thu mua cá của dân, ngay cả những con cá còn nhỏ chỉ từ 0,7-0,8kg nhằm đảm bảo công suất chế biến, khiến nguồn cung trên thị trường càng cạn nhanh. Những ngày qua, giá cá nguyên liệu tăng mạnh từ 19.000 đồng/kg lên 22.500 đồng/kg.
Các DN đã đưa thông tin dự báo đến những người dân nuôi cá tra, đỉnh điểm trong đợt thiếu hụt nguyên liệu cá tra năm 2016 sẽ rơi vào giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 8, nghĩa là trùng vào mùa xuất khẩu cao nhất trong năm. Do đó, tới đây giá cá tra sẽ còn tiếp tục “nóng” ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Không khắt khe như các thị trường Hoa Kỳ, Châu Âu chẳng cần qua kiểm soát chất lượng, các chỉ số vi sinh vật, thương lái Trung Quốc đến tận ao “bốc xô” cá, đưa thẳng lên xe thùng chở đi.
Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết: Nếu cá tra xuất khẩu đạt mức 22.000 – 24.000 đồng/kg, nông dân có thể lãi 800 – 1.500 đồng/kg. Tuy nhiên, trước hiện tượng nhiều thương lái Trung Quốc tìm mua cá tra rầm rộ, Tổng cục Thủy sản đã cảnh báo ngành nông nghiệp các địa phương không để người dân tự ý mở rộng diện tích nuôi cá dẫn đến nguồn cung vượt quá cầu.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng cảnh báo, hiện tượng tăng giá chưa chắc đã phản ánh được đúng bản chất thị trường, giá hôm nay cao, có thể thời gian tới sẽ sụt giảm mạnh. Trong khi đó chu trình nuôi cá tra xuất khẩu phải mất 8 tháng. Nếu đầu tư với giá cao, đến khi bán với giá thấp, chỉ còn nước lỗ.
Chặt cà phê trồng chanh dây
Cũng giống như cá tra ở Nam Bộ, thương lái Trung Quốc tiếp tục đến Tây Nguyên thu mua quả chanh dây với giá rất cao.
Vài tháng trước, giá chanh dây ở mức 10.000 đồng/kg, nhưng hiện giá quả chanh dây tăng liên tiếp từ 40.000 – 46.000 đồng/kg, chanh loại 1 có thể lên tới 56.000 đồng/kg. Song hành với giá quả chanh dây tăng thì giá cây chanh leo giống cũng tăng theo. Chanh giống phổ biến từ 45.000 đồng/cây. Những dây chanh giống này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Là một trong những người chặt bỏ cà phê, cao su trị giá hàng trăm triệu đồng mà bao nhiêu năm chăm sóc để trồng chanh dây, anh Phan Văn Minh ở huyện Mang Yang, Gia Lai cho hay, đã phá bỏ gần 1 ha cà phê, chuyển sang trồng chanh dây. Vườn cà phê đã 8 năm tuổi song “Chanh dây đem lại lợi nhuận cao trong khi cà phê bấp bênh, tốn nhiều công chăm sóc”, anh Minh giải thích.
Theo anh Minh, quả chanh dây bán với giá 10.000 đồng/kg thì nông dân cũng đã có lãi, trong khi hiện nay giá loai quả này đã gần 50.000 đồng/kg thì siêu lợi nhuận. Trồng chanh dây công chăm sóc cũng không nhiều, rủi ro cây chết rất thấp.
Phòng NN&PTNT huyện Mang Yang cho biết, hiện địa bàn huyện này đã có khoảng 200 ha đất trồng chanh dây. Trung bình trồng 1 ha chanh dây tốn hết 9,5 triệu đồng tiền cây giống. Loại chanh này trồng sáu tháng là thu hoạch và bán chủ yếu sang Trung Quốc. Có những thương lái vào huyện Mang Yang thu mua tới 50 tấn/ngày chanh đóng thùng chở về Trung Quốc.
Sức hấp dẫn của giá chanh dây đã khiến nông dân ở các huyện, thị như: Mang Yang, Chư Sê, Chư Păh, La Grai… của Gia Lai chặt phá những rẫy cà phê, hồ tiêu, cao su xanh tốt, chuyển sang trồng chanh dây.
Theo anh Hồ Nam ở Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, người có kinh nghiệm trồng cây cà phê gần 20 năm thì, hiện tượng này mới xảy ra ở Gia Lai, Kon Tum. “Với lợi nhuận trước mắt rất dễ bà con Đắk Lắk cũng làm theo”, anh Nam nói.
Theo anh Hồ Nam, những địa phương mà nông dân chặt cây cà phê, hồ tiêu trồng chanh là những nơi hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến năng suất cây cà phê, cao su. Hơn nữa, giá bán cà phê, cao su cũng đang rớt giá.
“Khoảng chục năm trước, chính quả chanh dây này đã làm khuynh gia bại sản nhiều người ở Tây Nguyên, nhiều gia đình vỡ nợ. Bây giờ, chanh lại vụt lên, liệu nó có đổi đời cho người nông dân thật hay không?”, anh Nam băn khoăn.
Những năm qua, thương lái Trung Quốc liên tục tạo những cơn sốt giá mua những nông sản một cách kỳ lạ. Sau những cơn sốt đó, phần nhiều, người nông dân và đầu nậu người Việt Nam nếm “trái đắng”.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT Gia Lai, cây chanh dây trên địa bàn phát triển hoàn toàn tự phát. Người dân thấy có giá nên trồng. Hiện tỉnh có khoảng 301ha chanh dây, trong đó, chỉ riêng năm 2015 đã trồng mới 108 ha và dự báo thời gian tới diện tích sẽ còn tăng.
Các hộ trồng chanh cho biết, khi thu hoạch xong, thương lái đến tận nhà mua rồi xuất bán sang Trung Quốc. Giá cả hoàn toàn do các thương lái này chi phối.