Nắng nóng kéo dài thời gian qua là nguyên nhân chính dẫn đến tăng sản lượng điện tiêu thụ của toàn hệ thống, đặc biệt là ở các khu vực đô thị đông dân như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh do sử dụng các thiết bị làm mát, nhất là điều hòa không khí tăng cao.
Theo Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (), ở Hà Nội, tháng Năm và nửa đầu tháng Sáu vừa qua, nắng nóng diễn ra trên diện rộng và kéo dài, khiến công suất cực đại trong tháng Năm điển hình đạt 2.987 MW (lúc 14 giờ ngày 29/5) so với cùng thời điểm năm 2014 là 2.180 MW, tăng 30,01%.
Sản lượng cực đại cũng đạt 61,48 triệu kWh, so với năm 2014 tăng 17,04%. Sản lượng tiêu thụ bình quân 10 ngày đầu tháng Năm và 10 ngày đầu tháng Sáu vừa qua so với 10 ngày đầu tháng Tư lần lượt tăng 18,36% và 33,83%.
Do kỳ ghi chỉ số côngtơ đối với khách hàng mua của EVN HANOI kéo dài từ ngày 5 đến 25 hàng tháng, trùng vào những ngày cao điểm nắng nóng của tháng Năm và tháng Sáu này là thời điểm nhiệt độ thường xuyên duy trì ở mức cao từ 36 độ C đến trên 40 độ C. Cùng với việc áp giá điện mới cho sử dụng điện sinh hoạt tăng cao phần lũy tiến theo Quyết định số 2256/QĐ-BCT của Bộ Công Thương Quy định về giá bán điện và áp dụng từ ngày 16/3 vừa qua.
Như vậy, hóa đơn tiền điện tháng Sáu này hội tụ các yếu tố đột biến tăng, dẫn đến khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt có sản lượng tiêu thụ và số tiền thanh toán sẽ tăng so với tháng trước liền kề. Thậm chí nhiều trường hợp sản lượng điện tiêu thụ tăng từ 1,5 đến 3 lần. Giá điện sinh hoạt mới được xây dựng theo mức bậc thang (6 bậc), nên nếu khách hàng tiêu thụ điện năng càng nhiều, tác động tăng tiền điện càng lớn.
Đơn cử theo biểu giá điện mới, một hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt tiêu thụ 270kWh/tháng sẽ phải trả 535.029 đồng (đã bao gồm VAT); trong đó, 50kWh đầu tiên có giá 81.620 đồng (đã bao gồm VAT); 50kWh tiếp theo có giá 84.315 đồng (đã bao gồm VAT); 100kWh tiếp theo có giá 196.460 đồng (đã bao gồm VAT) và 70kWh còn lại có giá 172.634 đồng (đã bao gồm VAT).
Nhưng nếu tiêu thụ với sản lượng 405kWh/tháng (sản lượng tăng 50%), số tiền phải thanh toán sẽ là 898.574 đồng (tiền điện tăng 68%); trong đó, 3 bậc thang đầu (50-50-100) có mức giá như trên, nhưng 100kWh (bậc thang thứ tư) có giá 2.242 đồng/kWh, 100kWh (bậc thang thứ năm) có giá 2.503 đồng/kWh và 5kWh (bậc thang thứ sáu) có giá 2.587 đồng/kWh.
Một ví dụ khác, một hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt hết 300kWh/tháng, sẽ phải thanh toán số tiền là 609.015 đồng/tháng, nhưng nếu tiêu thụ hết 600kWh/tháng sẽ phải thanh toán với số tiền 1.453.485 đồng/tháng. Như vậy, sản lượng điện chỉ tăng gấp đôi nhưng sẽ phải thanh toán tiền tăng 2,38 lần do phải áp giá 200kWh (bậc thang thứ sáu) với giá 2.587 đồng/kWh.
Thêm một ví dụ nữa, một hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt tiêu thụ hết 300kWh/tháng, cũng sẽ thanh toán số tiền 609.015 đồng/tháng, nhưng nếu tiêu thụ 750kWh/tháng sẽ phải thanh toán với số tiền 1.880.340 đồng/tháng do phải thanh toán 350kWh sau với giá 2.587đồng/kWh ở bậc thang thứ sáu. Do vậy, với sản lượng tiêu thụ tăng thêm 2,5 lần nhưng sẽ phải thanh toán số tiền tăng thêm 3,09 lần.
Theo các chuyên gia, trời càng nóng, máy điều hòa càng tiêu hao điện. Bởi các nguyên nhân trời càng nóng thì hiệu quả năng lượng của máy càng giảm; nhiệt độ ngoài trời càng nóng, tổn thất nhiệt từ ngoài môi trường vào trong phòng càng tăng, máy phải làm việc đầy tải và hết công suất nên tiêu tốn điện năng sẽ rất cao.
Ví dụ, nếu nhiệt độ ngoài trời là 30 độ C, nhiệt độ trong nhà đặt 25 độ C, hiệu nhiệt độ giữa môi trường bên ngoài và trong nhà lúc này là 5 độ. Nếu nhiệt độ ngoài trời là 40 độ C, hiệu nhiệt độ là 15 độ và tổn thất nhiệt sẽ tăng lên gấp ba. Khi đó, máy điều hòa phải làm việc gấp ba lần, lượng điện tiêu thụ cũng tăng lên gấp ba lần.
Bên cạnh đó, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự tiêu tốn điện năng cho điều hòa. Ví dụ, phòng ở không cách nhiệt tốt, không kín hoặc sử dụng máy điều hòa lâu năm, công nghệ cũ thì càng tốn nhiều điện hơn.
Mặt khác, lắp đặt máy điều hòa không đúng cách cũng làm tiêu tốn nhiều điện năng, thậm chí làm cháy, hỏng máy. Ví dụ, giàn nóng ở bên ngoài lắp ở vị trí mà ánh nắng Mặt Trời chiếu trực tiếp hoặc có vật cản che phía trước, giàn lạnh trong phòng nếu lắp không đúng vị trí khiến không khí điều hòa không được phân phối đồng đều trong phòng cũng là nguyên nhân gây tiêu tốn điện…
Ngoài ra, điều hòa tiêu tốn nhiều điện còn do thói quen của người sử dụng. Nhiều người bật máy lên là cài đặt nhiệt độ xuống thấp nhất có thể. Việc làm đó không làm cho nhà mát nhanh hơn mà còn lãng phí điện năng không cần thiết.
Theo tính toán, cứ giảm xuống 1 độ, điều hòa đã tốn thêm 5-7% điện năng. Do đó, đặt nhiệt độ trong phòng càng gần nhiệt độ ngoài trời, sẽ tiết kiệm điện hơn. Hoặc nhiều người có thói quen chỉ tắt điều hòa bằng điều khiển từ xa. Trong trạng thái này, điều hòa vẫn tiêu thụ khoảng 15W điện chờ, tức là cỡ 2 bóng đèn nhỏ.
Ngoài những khuyến cáo về sử dụng điều hòa không khí trong những đợt nắng nóng kéo dài làm tăng sản lượng điện tiêu thụ của các hộ sử dụng điện, để sản lượng điện tiêu thụ không bị tăng cao, các chuyên gia khuyến cáo các hộ gia đình nên hạn chế những thiết bị sử dụng điện khác như rút phích cắm điện ra khỏi ổ điện khi không sử dụng thiết bị; lắp đặt thiết bị điện khoa học, hợp lý, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên.
Đồng thời, các hộ sử dụng điện hạn chế sử dụng các thiết bị điện cùng một lúc vào giờ cao điểm (Sáng từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30; tối từ 17 giờ đến 20 giờ). Hoặc sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng đã được dán nhãn ngôi sao năng lượng của ; điều chỉnh nhiệt độ điều hòa ban ngày từ 25 độ C trở lên và ban đêm từ 27-28 độ C.