Từ vỡ đất trồng khoai…
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mai Ngọc Quý cho biết: Cây khoai lang Nhật Bản “bén rễ” đồng đất Phú Thiện từ năm 2004. Và, người tiên phong đưa giống cây trồng này về địa phương là anh Đỗ Văn Năm-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông sản an toàn Phú Thiện.
Dù đã hẹn trước nhưng vào những ngày đầu vụ khoai mới, để gặp được anh Năm, chúng tôi phải tới cánh đồng Plei Pông (xã Chư A Thai), cách trung tâm huyện Phú Thiện gần 20 km. Đưa chúng tôi “mục sở thị” ruộng khoai lang mới xuống giống, Năm hồ hởi nói: “Bây giờ cơ giới hóa từ khâu cày đất, bón phân, tưới nước đến thu hoạch nên bà con khá nhàn. Còn trước đây, con trâu đi trước cái cày theo sau, người nông dân vất vả trăm bề”. Nói rồi, anh ngồi xuống bờ ruộng kể cho chúng tôi nghe về những thăng trầm của bản thân cùng với giống khoai lang Nhật Bản.
Anh Đỗ Văn Năm-Giám đốc Hợp tác xã Nông sản an toàn Phú Thiện là người tiên phong đưa giống khoai lang Nhật Bản về trồng trên đất Phú Thiện. Ảnh: V.C |
Năm 1992, Năm dắt vợ con từ tỉnh Ninh Bình vào xã Ia Sol (huyện Phú Thiện) lập nghiệp. Không có vốn liếng, đất đai, ông cùng vợ ra sức khai hoang, làm thuê, làm mướn để trang trải cuộc sống. Gắn bó với đồng ruộng, anh hiểu rằng muốn làm giàu phải dám thay đổi, không thể mãi quẩn quanh với cây trồng truyền thống. Năm 2004, trong một lần lên huyện Chư Sê, nghe bạn nói về khoai lang Nhật Bản, Năm hỏi thăm địa chỉ mua giống và tìm hiểu kỹ thuật canh tác.
Được UBND xã Ia Sol tạo điều kiện cho mượn 11 ha đất, anh xuống giống lứa khoai lang Nhật Bản đầu tiên giữa cánh đồng lúa bát ngát. Nhờ nguồn nước tưới dồi dào từ công trình thủy lợi Ayun Hạ, chân đất mới, vụ khoai đó đạt năng suất 20 tấn/ha. Tuy giá khoai lúc bấy giờ chỉ 2.000 đồng/kg nhưng bán hết 11 ha, ông lãi 150 triệu đồng. Có lãi nhưng vì là khoai lang Nhật Bản là cây trồng mới mẻ nên lúc bấy giờ, người dân chưa mấy mặn mà.
Năm 2009, anh Năm chuyển đến sinh sống tại xã Chư A Thai và triển khai mô hình liên kết đầu tiên với người dân trồng khoai lang Nhật Bản trên diện tích 100 ha. Anh bỏ vốn đầu tư giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và ký cam kết thu mua sản phẩm cho bà con với giá 6.000 đồng/kg. Mục tiêu của ông là muốn người nông dân thay đổi tư duy, chuyển hướng sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu để thu hút doanh nghiệp đầu tư bao tiêu sản phẩm. Vụ khoai ấy bắt đầu thu hoạch từ trước Tết Nguyên đán.
Lúc đó, giá khoai trên thị trường là 8.000 đồng/kg nên anh thu mua cho bà con nông dân ở mức 6.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với cam kết. Tuy nhiên, niềm vui không kéo dài lâu. Sau Tết, giá khoai giảm mạnh chỉ còn 3-4 ngàn đồng/kg. Người dân không chịu bớt 1 đồng, ông phải “ngậm đắng nuốt cay” mua theo giá hợp đồng hơn 2.000 tấn khoai. Kết thúc vụ khoai ấy, Năm lỗ 600 triệu đồng. Tiếc của, tiếc công sức mình bỏ ra nên anh ốm gần tháng trời.
Thất bại của Năm nhưng lại là thắng lợi của người nông dân. Từ vụ khoai ấy, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư trồng khoai lang Nhật Bản. Đến năm 2017, loại cây này bắt đầu phát triển mạnh trên các cánh đồng huyện Phú Thiện, trong đó, xã Chư A Thai và Ia Sol trồng nhiều nhất. Vào vụ thu hoạch, những con đường dẫn vào cánh đồng khoai luôn tấp nập xe tải vào ra. Ít ai có thể ngờ rằng, nhờ củ khoai lang, nhiều nông dân nghèo trước đây đã thành tỷ phú.
Gần 20 năm gắn bó với cây khoai lang Nhật Bản, đúc rút nhiều kinh nghiệm xương máu cho bản thân và cho cả người nông dân, anh Năm chia sẻ: “Để khoai lang đạt năng suất cao thì khâu quan trọng nhất là đất và giống. Đất trồng khoai lang phải tơi, xốp, thoát nước tốt. Giống khoai phải đảm bảo chất lượng. Nếu như trước đây, bà con phải lặn lội sang Lâm Đồng, Đak Lak mua giống khoai lang về trồng thì nay đã có thể chủ động nguồn giống ngay tại địa phương. Trồng vào mùa mưa, thu hoạch vào mùa khô thì khoai lang cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon, được thị trường ưa chuộng”.
Đến xây dựng thương hiệu khoai lang Phú Thiện
Năm 2019, HTX Nông sản an toàn Phú Thiện được thành lập do Đỗ Văn Năm làm Giám đốc. Cùng với lúa, khoai lang Nhật Bản là loại cây trồng được các thành viên HTX lựa chọn để nhân rộng. Hiện 28 thành viên của HTX đang trồng khoảng hơn 100 ha khoai lang, trong đó, 80 ha đã đăng ký mã số vùng trồng. Vụ Đông Xuân 2023-2024, HTX liên kết với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở làng Pông (xã Chư A Thai) triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng khoai lang Nhật Bản trên diện tích 87 ha.
Người dân góp đất, góp công, HTX bỏ kinh phí đầu tư. Khi xuất bán, lợi nhuận sẽ chia cho các hộ tham gia theo mức đóng góp. Hợp tác xã bao tiêu sản phẩm cho bà con theo giá thị trường. Vào vụ thu hoạch, mỗi ngày, HTX có thể thu mua khoảng 100 tấn khoai lang, cung cấp cho thị trường các tỉnh từ Bắc đến Nam.
Các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch khoai lang đều được cơ giới hóa giúp người nông dân tiết kiệm sức lao động. Ảnh: Vũ Chi |
Để phát triển bền vững, năm 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện phối hợp với HTX triển khai thí điểm mô hình sản xuất khoai lang Nhật Bản theo hướng VietGAP tại cánh đồng làng Trớ (xã Chư A Thai) trên diện tích 4 ha với kinh phí 350 triệu đồng. Mục tiêu của mô hình là chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp người dân thay đổi phương thức canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hướng tới xây dựng thương hiệu khoai lang Phú Thiện phục vụ thị trường xuất khẩu. Sau 4 tháng triển khai, mô hình mang lại kết quả rất khả quan với năng suất đạt 30 tấn/ha. Với giá bán 11.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người dân lãi 180 triệu đồng/ha.
Từ thành công của mô hình, niên vụ 2023-2024, anh Năm chủ động liên kết với Công ty TNHH Công nghệ sinh học Việt Mỹ triển khai mô hình sản xuất khoai lang Nhật Bản theo hướng hữu cơ trên diện tích 5 ha. Mục tiêu là hình thành vùng nguyên liệu sạch để xây dựng sản phẩm khoai lang Phú Thiện thành sản phẩm OCOP.
Đỗ Văn Năm trải lòng: “Mặc dù khoai lang những năm gần đây được giá, có thời điểm lên tới 13.000 đồng/kg nhưng nông dân vẫn thiệt thòi bởi qua nhiều khâu trung gian trong tiêu thụ. Thị trường tiêu thụ khoai lang rất rộng bao gồm cả Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và các nước Đông Nam Á. Vì vậy, nếu có doanh nghiệp đứng ra thu mua và chế biến ngay tại địa phương, gắn thương hiệu rõ ràng cho khoai lang Phú Thiện thì giá trị sẽ lớn hơn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, để làm được điều đó, việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch gắn với thương hiệu khoai lang Phú Thiện là bước đi tiên phong quyết định, phải thực hiện càng sớm càng tốt”.
Người dân huyện Phú Thiện thu hoạch khoai lang. Ảnh: V.C |
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện: Năm 2019, khu vực Tây Nguyên mưa muộn, người trồng khoai xuống giống cùng thời điểm dẫn đến cung vượt cầu đẩy giá khoai xuống thấp. Còn lại các năm khác, giá khoai lang tương đối ổn định ở mức 8-10 ngàn đồng/kg. Với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và cũng để “dọn đường” cho khoai lang Phú Thiện vươn ra thế giới theo đường chính ngạch, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với ngành chức năng đăng ký thành công mã vùng trồng cho 350 ha khoai lang trên địa bàn.
“Vụ Đông Xuân 2023-2024, toàn huyện có khoảng 1.800 ha khoai lang, tăng 600 ha so với vụ trước, trong đó có khoảng 500 ha được một số doanh nghiệp đầu tư, liên kết. Trên cơ sở đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tiếp tục đề xuất tỉnh cấp mã vùng trồng cho diện tích khoai lang còn lại; đồng thời, hỗ trợ HTX Nông sản an toàn Phú Thiện xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm khoai lang. Huyện cũng kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào liên kết sản xuất, xây dựng nhà máy chế biến trên địa bàn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho nông sản địa phương”-ông Quý thông tin thêm.